Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sản Xuất Vụ Đông Ở Định Hóa Những Chuyển Biến Tích Cực

Sản Xuất Vụ Đông Ở Định Hóa Những Chuyển Biến Tích Cực
Ngày đăng: 07/11/2014

Tuy không phải vụ chính nhưng sản xuất cây vụ đông ở huyện Định Hóa những năm gần đây đã có sự chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện rõ nét qua sự thay đổi tư duy sản xuất của bà con với việc mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng có năng suất cao vào sản xuất...

Vụ đông năm nay, huyện Định Hóa có kế hoạch trồng 921ha cây màu các loại, trong đó ngô là 350ha, khoai tây 60ha, khoai lang 205ha, rau các loại là 280ha... Chị Hoàng Thị Lê, ở xóm 7, xã Tân Dương cho biết: Gia đình tôi trồng 7 sào ngô lai xen lẫn với bí xanh.

Ngay sau khi thu hoạch lúa mùa sớm, cả nhà đã tập trung làm đất, đến nay cây ngô và bí đều đang phát triển tốt... Còn ông Trần Văn Cam, ở xóm 4, xã Tân Dương thì chia sẻ: 14 sào ruộng của gia đình đều trồng ngô xen lẫn cây bí xanh. Trung bình mỗi vụ, gia đình tôi thu được trên 2 tấn ngô, gần 3 tấn bí xanh từ diện tích này. Đây là mô hình được bà con trong xã thực hiện từ nhiều năm nay, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Chúng tôi làm đất và trồng ngô, bí song song. Khi cây ngô cao và ra bắp thì quả bí cũng đã to. Ưu điểm nổi bật của mô hình này là tận dụng được nguồn phân bón dư thừa từ bí để phát triển cây ngô. Ngược lại, lá cây ngô có tác dụng ngăn cản gió rét, giữ cho lá bí không bị táp và còn có tác dụng ngụy trang, giúp cho hoa, quả bí không bị các loại sâu bệnh gây hại…

Một số loại cây trồng khác như: Khoai tây, cà chua, các loại rau xanh cũng được bà con trong huyện đưa vào trồng, nhiều hộ đã có nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng qua việc trồng cây mầu. Ông Trần Doãn Sơn, xóm Bãi Á 1 cho biết: Vụ đông nào gia đình tôi cũng dành gần 1 sào ruộng để gieo rau giống.

Mỗi vụ gieo được 3 lứa rau giống, mỗi lứa khoảng 5 vạn cây rau (như: su hào, cải bắp, súp lơ, các loại rau cải...), qua đó tạo cho gia đình tôi thu nhập gần 30 triệu đồng.

Nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây trồng vụ đông, UBND huyện Định Hóa đang tiếp tục thực hiện các cơ chế hỗ trợ. Theo đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ với định mức 20 nghìn đồng/sào đối với ngô lai; 300 nghìn đồng/sào đối với khoai tây; 130 nghìn đồng/sào đối với bí xanh; 100 nghìn đồng/sào đối với trồng cây cà chua, dưa chuột, ớt...; ngân sách huyện hỗ trợ định mức 10 nghìn đồng/sào đối với các loại ngô lai... 

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn còn phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Chị Trần Thị Thắng, cán bộ phụ trách địa chính - nông nghiệp - xây dựng - môi trường xã Kim Phượng cho biết: Vụ đông năm nay, xã có kế hoạch trồng 8ha ngô, 6ha khoai lang, 10ha rau, 20ha khoai tây. Đến nay, các chỉ tiêu này đều đạt và vượt. Có được kết quả này là do Ban Chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp của xã đã chỉ đạo rất sát sao.

Các cơ chế hỗ trợ sản xuất của tỉnh, huyện cũng đã góp phần khuyến khích, tạo thêm động lực cho người người dân mạnh dạn tăng diện tích các loại cây trồng. Đặc biệt, xã đã tạo được mối liên kết với Doanh nghiệp Huy Hùng (Đồng Hỷ) trong việc cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho khoai tây.

Ông Đàm Tiến Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp các xã rà soát lại diện tích đất màu, đất lúa mùa sớm, mùa trung có khả năng trồng cây vụ đông. Khuyến cáo bà con khẩn trương thu hoạch lúa mùa, để làm đất gieo trồng cây vụ đông.

Bố trí loại cây trồng theo từng chân ruộng để đảm bảo kịp thời vụ. Cụ thể: đối với diện tích lúa thu hoạch vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, thì trồng các loại cây ưa ấm như: ngô, đỗ tương, bí xanh, lạc.

Những diện tích lúa thu hoạch vào nửa cuối tháng 10 và đầu tháng 11 thì trồng cây ưa lạnh như: khoai tây và một số rau, màu khác. Cùng với đó, cơ quan chuyên môn của huyện, các xã, thị trấn cũng đã khuyến cáo bà con tận dụng đất soi bãi, đất vườn để mở rộng diện tích trồng các loại rau màu; trồng cây vụ đông tập trung theo từng vùng, từng cánh đồng; chủ động trữ nước...

Nhờ có các giải pháp cụ thể như trên, đến nay toàn huyện đã trồng được 712ha cây vụ đông, đạt 77,3% kế hoạch. Ban Chỉ đạo sản xuất nông - lâm nghiệp các xã tiếp tục khuyến cáo bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Bao thai, khẩn trương làm đất trồng khoai tây và các loại rau màu khác.


Có thể bạn quan tâm

Sa Pa (Lào Cai) mở rộng diện tích cấy lúa chịu lạnh lên 40 ha Sa Pa (Lào Cai) mở rộng diện tích cấy lúa chịu lạnh lên 40 ha

Vụ lúa mùa năm 2015, huyện Sa Pa (Lào Cai) sẽ mở rộng diện tích cấy lúa chịu lạnh lên 40 ha. Đây là giống DS 1 do Trung tâm Giống nông lâm nghiệp tỉnh cung ứng và sẽ được gieo cấy tại các xã Tả Van, Sử Pán, Nậm Sài, Thanh Phú và Nậm Cang, mỗi xã cấy từ 7 – 10 ha, với khoảng 110 hộ dân tham gia.

20/04/2015
Đắk Lắk trồng tiêu ồ ạt, không đảm bảo tính bền vững Đắk Lắk trồng tiêu ồ ạt, không đảm bảo tính bền vững

Thông tin này tại hội thảo Khoa học “Phát triển cây tiêu và ứng dụng trụ sống Núc Nác trong trồng tiêu”. Sáng nay (17/4), Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, tổ chức hội thảo Khoa học “Phát triển cây tiêu và ứng dụng trụ sống Núc Nác trong trồng tiêu”.

20/04/2015
Điều kiện trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản Điều kiện trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản

Kể từ ngày 01/7/2015, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến quản lý, sử dụng đất trồng lúa cần áp dụng quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 của Chính phủ.

20/04/2015
Hỗ trợ giống cây trồng cho 3 tỉnh Hỗ trợ giống cây trồng cho 3 tỉnh

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 121 tấn hạt giống ngô, 15 tấn hạt giống rau và 70 tấn hạt giống lúa từ nguồn dự trữ quốc gia cho 3 địa phương (Lào Cai, Hòa Bình, Tuyên Quang) khắc phục hậu quả thiên tai.

20/04/2015
Tân Yên (Bắc Giang) thu lãi 150 triệu đồng/ha dưa bao tử Tân Yên (Bắc Giang) thu lãi 150 triệu đồng/ha dưa bao tử

Vụ xuân năm nay toàn huyện Tân Yên (Bắc Giang) trồng 90 ha dưa bao tử (tăng 3 ha so với cùng kỳ năm ngoái). Hiện dưa bắt đầu cho thu hoạch, năng suất ước đạt 40 tấn/ha, tăng đột biến.

20/04/2015