Chuyện Vui Ở Chợ Trâu Cán Cấu
Chợ trâu Cán Cấu (Si Ma Cai - Lào Cai) từ lâu đã là phiên chợ nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Có người còn gọi vui đây là “sàn giao dịch” trâu, bởi mỗi phiên chợ có tới hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thậm chí từ huyện Sín Mần (Hà Giang) tụ hội về đây. Đến thăm phiên chợ độc đáo này, chúng tôi “mắt thấy, tai nghe” nhiều mẩu chuyện vui.
Thứ Bảy xem triển lãm… trâuMấy hôm nay, thời tiết vùng cao Si Ma Cai chuyển rét sâu, trời đất chìm trong biển sương mù dày đặc. 6 giờ, chuông đồng hồ hẹn giờ kêu reng reng, tôi tung chăn trở dậy, ngó ra ngoài, trời đất vẫn mịt mờ sương. Sau khi hâm nóng cơ thể bằng bát phở gà đen với tương ớt cay xè, tôi vội vã xuôi dốc xuống Cán Cấu vì không thể bỏ lỡ cơ hội đi thăm chợ trâu lớn nhất vùng Tây Bắc. Qua dốc Sán Chải, từng tốp người hiện ra trong sương mờ, tiếng mõ trâu lốc cốc.
Sáng sớm nay, chị Giàng Thị Mỷ từ bản Hòa Sử Pán, xã Sán Chải đã thức dậy từ 4 giờ cùng chồng lùa 3 con trâu vượt hàng chục km xuống chợ phiên Cán Cấu. Mùa này trâu không phải cày bừa nên chị Mỷ đem trâu xuống chợ, nếu gặp khách trả giá cao thì bán một con để lấy tiền mua cái ti vi, chiếc xe máy chơi Tết.
Không chỉ chị Mỷ, trên đường xuống chợ phiên Cán Cấu, cứ cách một đoạn, tôi lại gặp một đoàn người đang lùa hàng chục con trâu chen nhau xuôi dốc. Đàn trâu có vẻ đã quen đường vì tuần nào cũng được cùng chủ đi chợ phiên, nên thủng thẳng bước trên đường nhựa, chẳng cần ai dắt dây thừng.
7 giờ sáng, chợ phiên Cán Cấu đã rực rỡ sắc màu. Dưới khu vực chợ trâu, hàng trăm con trâu đã “tụ” về, đứng đen cả khu đất rộng mới được san gạt. Giữa “rừng” trâu, người đến bán, kẻ đến mua, cả những người dân và du khách hiếu kỳ cũng đến xem nhộn nhịp.
Anh Sùng A Dùng, một người dân xã Cán Cấu có mặt ở chợ trâu bảo: Bà con mang trâu xuống chợ để bán, nếu bán được giá thì tốt, còn không bán được cũng chẳng ai buồn, họ coi đó là dịp để khoe đàn trâu của gia đình. Vì thế, có nhà không chỉ dắt một con trâu đi, mà thứ 7 nào cũng lùa cả đàn trâu tới chục con xuống chợ để “triển lãm”.
Trâu ở Si Ma Cai xuống, trâu ở Bắc Hà ngược dốc lên, trâu ở Mường Khương sang, thậm chí, đồng bào Mông bên huyện Sín Mần (Hà Giang) cũng dắt trâu sang chợ trâu Cán Cấu. Những con trâu mộng to khỏe, lực lưỡng, thân hình đen bóng, tướng mạo dữ tợn, đứng cứ lừng lững, cặp sừng vênh vênh nhọn hoắt.
Đang mải mê ngắm một con trâu mộng, tôi giật mình vì có tiếng hô lớn: Trâu đực nhà ai đứt dây chọi nhau kia kìa! Giữa bãi đất lầy lội, 2 con trâu đực đang hăng máu lao vào nhau, mắt vằn lên tia máu.
Chúng quần nhau không rời, cặp sừng nhọn hoắt ngoắc bên nọ, vặc bên kia phát ra âm thanh “khục! khục”! Bên trên ta luy dương, đám người hiếu kỳ kéo đến xem trâu chọi mỗi lúc một đông, hò reo cổ vũ. Một đôi vợ chồng người Mông từ đâu hớt hải chạy đến, miệng la hốt hoảng: “Trâu nhà ai kia, bắt lại đi không đánh trâu tôi đứt mũi bắt đền bây giờ!”. Thấy hai con trâu đang hăng nên chẳng ai dám vào. Một lúc sau, con trâu của anh người Mông yếu thế nên bỏ chạy.
Anh này lại hớt hải chạy theo, miệng lầm bầm chủi rủa. Chỉ khổ chị vợ mặc váy Mông lòe xòe, lếch thếch xách váy chạy theo chồng, bùn đất bắn lên tung tóe. Mọi người được phen cười vỡ bụng. A Dùng nói thêm: Trâu ở đây chủ yếu là trâu đực, hăng lắm. Phiên chợ nào chẳng có mấy con trâu mộng tuột dây xổng ra húc nhau với trâu khác. Mình đi chợ trâu Cán Cấu cũng vì muốn xem chọi trâu mà.
Vỗ mông, bẹo bụng, nhìn răng
Tuy không ồn ào, náo nhiệt như ở khu chợ trên, nhưng chợ trâu lại có sự sôi động riêng. Người đến bán trâu, kẻ đến mua trâu, nhiều người đến chợ chỉ để ngắm trâu cho thích mắt. Họ tụ tập thành từng nhóm quanh những chú trâu để ngắm nghía, bình phẩm, trao đổi với nhau.
Giữa “sàn giao dịch” trâu Cán Cấu, không khó để nhận ra cánh lái trâu qua vẻ bề ngoài. Người nào cũng đeo cái ba lô hay khoác túi thổ cẩm chéo vai, hoặc thắt túi đựng tiền xề xệ trước bụng. Mỗi phiên chợ, cánh lái buôn mang theo hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để mua trâu.
Thào Seo Lử - một người bán trâu, nhà ở xã Quan Thần Sán ghé tai tôi: “Lái buôn trâu ở đây một số là người Mông Bắc Hà, Si Ma Cai, nhiều người Mông bên kia biên giới có quan hệ thân cận với người dân bên này cũng lặn lội sang đây tìm mua trâu về bán. Một số ít là người Kinh ở các tỉnh miền xuôi lên mua trâu giá rẻ để cung cấp cho các lò mổ dưới ấy…”.
Tôi đến xem một đám đông đang quây quanh con trâu đực to lớn. Một lái trâu tên là A Sùng, người gầy nhẳng, nhỏ thó, mặt quắt lại, đôi mắt một mí lim dim, săm soi con trâu trước mặt. Nghe mấy người đi bán trâu bảo gã này đã có “thâm niên” cả chục năm buôn trâu ngang dọc khắp các chợ phiên vùng cao Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, nên nổi tiếng về kỹ nghệ chọn trâu.
Tiến lại gần, nhanh tay vỗ mông trâu bồm bộp, lái trâu A Sùng lại xoa xoa, bẹo cả một nắm da dưới bụng con trâu. Thoắt cái, gã đi ra phía sau, tay trái kéo đuôi, chân phải đạp mạnh vào khuỷu chân sau con trâu, khiến con vật nhảy lồng lên như “điện giật”.
Chưa xong, ông ta rút dây thừng ghì tay vào tận mõm trâu, chưa đầy hai giây đã vạch mõm con trâu ra, nhìn xoáy vào hàm răng của nó. Con trâu sùi bọt mép trắng xóa, thở phì phì nghênh sừng lùi lại phía sau. Xong xuôi, người này phủi phủi tay rồi ngắm nghía con trâu từ đầu đến chân, chẳng còn thiếu bộ phận nào.
Tôi hỏi làm thế nào để chọn được con trâu tốt? Người lái trâu nhìn tôi như “người ngoài hành tinh”, rồi liến thoắng: “Trâu tốt thì to khỏe, béo tốt chứ sao. Ông đi chợ trâu mà không biết à?”. Mấy người bên cạnh vẫn xì xồ bàn tán. Một anh bán trâu mách nhỏ tôi: “Lái trâu giấu mánh đấy. Chọn trâu cũng phải biết cách. Vỗ mông, bẹo bụng để biết trâu gầy hay béo, xem răng để đoán tuổi trâu”. Thì ra là thế!
Đồng ý thì bắt tay, trả vé
Càng gần trưa, chợ trâu Cán Cấu càng đông. Bãi đất phía trên đã chật kín tới vài trăm con trâu, nhiều người phải dắt trâu xuống buộc ở khoảnh đất phía dưới. Phía cuối chợ, cảnh trao đổi, mua bán trâu diễn ra khá náo nhiệt. Theo các chủ trâu, năm nay giá trâu thấp hơn năm ngoái.
Con trâu đực to năm trước bán được 45 triệu đồng thì năm nay chỉ bán được khoảng 43 triệu đồng. Xung quanh chuyện mua bán trâu ở chợ Cán Cấu, tôi để ý thấy người mua, người bán có những quy ước, mật hiệu riêng. Sau khi xem kỹ và chọn được con trâu ưng ý, một lái buôn hỏi giá chủ trâu.
Anh này quả quyết 37 triệu đồng mới bán. Lái trâu bảo đắt và chê con trâu “mi mí” (bé), chỉ trả 32 triệu đồng. Hai người xì xồ trao đổi, chủ trâu cố giữ giá, lái trâu thì “cò kè bớt 1 thêm 2”. Chủ trâu chìa tay phải ra, thái độ dứt khoát: 35 triệu đồng, không bớt một nghìn. Mua thì bắt tay! Lái trâu ý chừng rất muốn mua, nhưng vẫn ra vẻ lừng khừng, hết ngắm nghía con trâu, quay đi rồi quay lại, hất hàm: “34 triệu đồng, bán thì bắt tay!”.
Thấy chủ trâu có vẻ kiên quyết không hạ giá và trong bụng biết tỏng với giá đó mình cũng “bỏ túi” được bạc triệu tiền lãi rồi, nên lái buôn đồng ý mua con trâu với giá 35 triệu đồng và bắt tay chủ trâu. Trước khi mở túi rút ra cọc tiền toàn tờ 500 ngàn đồng mới cóng để trả, anh này xòe tay về phía chủ trâu rồi bảo: “Phải có vé qua đò chứ?”. Hiểu ý, chủ trâu rút ra tờ 20.000 đồng đưa cho lái trâu.
Hai người giao tiền rồi bắt tay thêm cái nữa. Lái trâu lấy ra hộp sơn, xịt vào mông trâu số 8 có thêm dấu hai chấm (:) làm ký hiệu “trâu đã có người mua” rồi dắt trâu ra chỗ khác cọc. Trên bãi, những chú trâu được đánh số mỗi lúc một nhiều hơn. Theo dấu hiệu, có thể thấy ở chợ trâu Cán Cấu, trong một buổi chợ, có lái buôn mua được tới 20 con trâu. Với số lượng hàng chục lái trâu, thì mỗi phiên chợ, lượng trâu ở chợ Cán Cấu bán ra khá nhiều và số tiền cộng lại có khi lên tới cả tỷ đồng.
Chợ trâu Cán Cấu kéo dài đến tận quá trưa. Khi cánh lái buôn đã gom đủ số trâu và lùa lên ô tô thì người dân cũng tranh thủ mua sắm những thứ cần thiết rồi đưa đàn trâu về bản. Người bán được trâu rủng rỉnh tiền rủ bạn bè vào quán thắng cố nhâm nhi mấy chén rượu ngô, hẹn thứ 7 tuần sau lại gặp nhau ở chợ trâu Cán Cấu.
Có thể bạn quan tâm
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh vừa phối hợp với Trạm KNKN huyện và UBND xã Phước Thuận huyện Xuyên Mộc đã tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình nuôi tôm càng xanh tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuậnvới sự tham gia của hơn 20 hộ nuôi thủy sản trong vùng.
Sau gần 1 năm thực hiện thí điểm mô hình nuôi lươn không bùn trong hồ xây tại hộ anh Lê Văn Hoàng, ở khối Thiết Ðính Bắc, thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng mới cho người nông dân trong nuôi trồng thủy sản.
Ông Kim Ngọc Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt lịch thời vụ thả nuôi một số đối tượng thủy sản mùa vụ 2015 – 2016 (Công văn số 3294/UBND-NN ngày 13/10/2015).
Hiện tại, giá cá tra nguyên liệu đang giảm rất sâu, thấp hơn giá thành sản xuất từ 2,5 - 3 ngàn đồng/kg, nhiều hộ nuôi ở Đồng Tháp đứng trước nỗi lo treo ao.
9 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tôm Việt Nam chỉ đạt trên 1,9 tỷ USD, giảm 28,4% so với cùng kì 2014.