Chuyện Về Vua Bò Ở Pác Nặm (Bắc Kạn)
Có những thời điểm, ông Hoàng Văn Thân ở thôn Thôm Mèo, xã Xuân La (Pác Nặm - Bắc Kạn) nuôi tới gần 100 con bò sinh sản. Bà con trong vùng khâm phục tài nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình nên đã trìu mến đặt cho ông Thân biệt danh là “vua bò”.
Từ chuyện vươn lên làm giàu
Sinh ra ở Cao Bằng, những năm 70 của thế kỷ trước, vì không có đất canh tác nên gia đình ông Hoàng Văn Thân đã di cư đến đỉnh núi cao Nặm Nhả, thuộc thôn Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Ba Bể (nay là Pác Nặm) để sinh sống. Thời ấy, vì đến khai hoang sau, không còn đất màu mỡ để canh tác, nên gia đình ông trồng cây gì năng suất cũng thấp, cảnh nhà quanh năm túng thiếu. Năm 1975, hưởng ứng vận động của Đảng và Nhà nước, gia đình ông Thân hạ sơn để định canh định cư. Ruộng đất ít nên kinh tế gia đình vẫn bị đói nghèo đeo bám. Đến năm 1996, khi Nhà nước có chủ trương tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Thân về bàn với vợ con vay vốn để mua bò sinh sản.
Sau vài năm, đàn bò của gia đình ông Thân ngày một nhiều. Đến kỳ trả cả lãi và gốc cho ngân hàng, ông bán hơn chục con bò mà vẫn dư tiền để mua thêm đất ruộng cấy lúa, trồng ngô. Ông Thân khoe, có những thời điểm đàn bò của ông lên tới gần trăm con, giá trị vài tỷ bạc. Nhờ có tiền từ chăn nuôi bò, gia đình ông đã cất được nhà, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và sản xuất. Có vốn, ông còn đầu tư kinh doanh vật tư nông nghiệp; nuôi thêm lợn ta, lợn rừng và nhím... Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Đến chuyện giúp đỡ bà con
Khâm phục tài phát triển kinh tế của ông Thân, bà con trong thôn Thôm Mèo đã bầu ông làm trưởng thôn. Đã 7 năm đảm nhiệm cương vị này, ông Thân luôn trăn trở cách giúp bà con trong thôn thoát nghèo. Bằng kinh nghiệm làm ăn của mình cũng như sẵn có đồng vốn, ông Thân đã giúp đỡ những hộ gia đình nghèo muốn vươn lên làm giàu. Tiêu biểu là gia đình ông Lý Văn Sinh, được ông Thân cho vay vốn để mua đất, mua giống trồng ngô. Riêng năm 2012, gia đình ông Sinh trồng ngô đồi đã thu về trên 100 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, đến nay hộ ông Sinh đã vươn lên trở thành hộ khá trong thôn. Hay gia đình ông Hoàng Văn Vàng, nhà đông con lại không có ruộng sản xuất, cũng được ông Thân cho vay tiền mua đất để trồng ngô. Nhờ vậy, gia đình ông Vàng đã thoát nghèo cách đây mấy năm.
Ngoài được giúp đỡ về giống, vốn sản xuất, những hộ nghèo còn được trưởng thôn nhiệt tình truyền thụ kinh nghiệm làm ăn. Nhận thấy đất nông nghiệp của thôn phù hợp trồng cây ngô đồi, ông Thân đã đứng ra nhận làm đại lý giống và phân bón cho đồng bào ở địa phương. Những hộ nghèo không có vốn thường được ông giúp cho vay giống, phân bón để sản xuất, cuối vụ mới phải hoàn trả. Đến nay đã có hơn 300 người ở 6 xã trong huyện được ông giúp đỡ, với tổng số tiền vay lên tới trên một tỷ đồng. Ông Thân cho biết, mấy năm nay, thôn Thôm Mèo đã khấm khá hơn rất nhiều. Nếu như trước đây, thôn có đến phân nửa là hộ nghèo thì nay cả thôn chỉ còn 5 hộ nghèo, số hộ khá giả ngày càng tăng.
Trong làm ăn, tiếp cận được với đồng vốn vay ưu đãi là một cơ hội để phát triển kinh tế. Hiện ông đang làm trong tổ tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tổ tín dụng đã giúp cho 110 hộ trong thôn được vay, với số vốn trên 3 tỷ đồng. Ông Thân cho biết thêm, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên hiện đang nghiên cứu giống bò mà gia đình ông đang chăn nuôi để nghiên cứu, nhân rộng phục vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc cho đồng bào vùng cao. Đây là giống bò địa phương, có ưu điểm khoẻ mạnh, leo dốc tốt… phù hợp nuôi ở những vùng đồi có độ dốc cao. Nếu dự án được triển khai, sẽ có thêm cơ hội tốt để bà con trong thôn làm giàu.
Có thể bạn quan tâm
Chợ trâu Cán Cấu (Si Ma Cai - Lào Cai) từ lâu đã là phiên chợ nổi tiếng khắp vùng Tây Bắc. Có người còn gọi vui đây là “sàn giao dịch” trâu, bởi mỗi phiên chợ có tới hàng trăm con trâu từ khắp các thôn, bản vùng cao Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thậm chí từ huyện Sín Mần (Hà Giang) tụ hội về đây. Đến thăm phiên chợ độc đáo này, chúng tôi “mắt thấy, tai nghe” nhiều mẩu chuyện vui.
Năng suất thấp, giá thành sản xuất cao, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh… là những hạn chế của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay. Nếu không khắc phục những tồn tại này, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Trong đó, dự kiến, thuế suất nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu bằng 0%.
Dọc quốc lộ 1 tại khu phố Lương Hòa (thị trấn Lương Sơn - Bắc Bình - Bình Thuận) dễ dàng nhận thấy đàn bò béo tròn bên ruộng cỏ voi xanh mơn mởn thay cho ruộng hoa màu kém hiệu quả trước đây. Đó là mô hình trồng cỏ nuôi bò của các hộ dân nơi đây.
Huyện Đơn Dương là nơi nghề chăn nuôi bò sữa lớn nhất tỉnh Lâm Đồng với hơn 8.600 con. Trên địa bàn huyện này có 3 doanh nghiệp đang thu mua sữa nguyên liệu. Tuy nhiên, từ cuối năm 2014, các doanh nghiệp đồng loạt ngừng ký thêm hợp đồng thu mua sữa nguyên liệu đối với những gia đình nuôi bò sữa mới phát sinh.
Anh Liêm chia sẻ: "Nuôi gà tre thương phẩm vấn đề quan trọng là phải đảm bảo được khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, khi thị trường tiêu thụ đặc sản gà tre ngày càng rộng mở, anh sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi theo nhu cầu của thị trường".