Chuyển Đổi Đất Trồng Hoa Màu Sang Trồng Cỏ Nuôi Bò Ở Bắc Bình (Quảng Trị)
Trồng cỏ nuôi bò nhốt không còn xa lạ gì với người dân nông thôn các xã vùng gò đồi huyện Cam Lộ (Quảng Trị) như Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, nhưng với bà con nông dân thôn Bắc Bình, xã Cam Tuyền, câu chuyện chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu sang trồng cỏ nuôi bò vẫn là đề tài nóng hổi rất được quan tâm và trông đợi hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại.
Cũng như nhiều hộ khác trong thôn, những ngày này, gia đình ông Trần Viết Hiền đang tập trung thợ để khẩn trưởng xây chuồng bò. Ông Hiền vừa trở về sau một chuyến đi dài vào tận Bình Thuận để tham quan mô hình trồng cỏ chăn nuôi bò nhốt. Vẫn vẹn nguyên cảm xúc từ chuyến đi mở mang tầm nhìn và cách làm ăn của người dân tỉnh bạn, ông hồ hởi chia sẻ: “Có đi mới thấy dân người ta làm ăn quy mô lắm. Diện tích chuồng nuôi bò của họ gấp mấy lần ngôi nhà của mình, nhà nào cũng nuôi hàng chục con trở lên, hiệu quả kinh tế lớn lắm, người nông dân sở hữu trong tay tiền tỉ là không hiếm”.
Tận mắt chứng kiến cách làm của nông dân các tỉnh, ông Hiền càng thêm quyết tâm với mô hình mà mình tham gia. Không phải dễ dàng mà người dân thôn Bắc Bình chấp nhận hi sinh một phần diện tích đất trồng hoa màu truyền thống từ lâu nay để trồng các giống cỏ nuôi bò. Tháng 10/2012, khi Trường Đại học Nông lâm Huế về triển khai thí điểm mô hình trồng cỏ nuôi bò nhốt, không ít người còn e ngại về tính khả thi của dự án. Nhưng với sự mạnh dạn hưởng ứng của một số người như ông Trần Viết Bỉnh, Trần Viết Hiền, Phạm Văn Dơn... đã cùng các giáo viên trồng thử nghiệm hơn 3,5 ha cỏ các loại như cỏ voi, cỏ sả, cỏ mô- la- tô...
Thuận lợi lớn nhất của bà con nông dân thôn Bắc Bình khi triển khai mô hình chăn nuôi bò thâm canh là bước đầu, Trường Đại học Nông lâm Huế đầu tư cho bà con giống cỏ để trồng, hỗ trợ 50% lượng thức ăn tinh cho số bò trong thời kỳ được chọn vỗ béo cũng như quy trình kỹ thuật trồng cỏ, chăm sóc bò. Hiện tổng số đàn bò toàn thôn Bắc Bình có khoảng 130 con, trong đó số bò trong thời kỳ vỗ béo là 29 con, bò sinh sản 21 con. Ngoài nguồn thức ăn là bột, cỏ trồng, bà con còn tận dụng thân cây sắn, cây ngô có sẵn làm thức ăn phụ thêm.
Ông Phạm Văn Dơn, Phó Chủ nhiệm CLB chăn nuôi bò theo mô hình thâm canh chia sẻ: “Trước đây người dân chăn nuôi theo hình thức thả rông, hiệu quả mang lại không cao. Từ khi được nuôi nhốt, được vỗ béo một cách khoa học, bài bản, trọng lượng của bò tăng nhanh đáng kể. Bà con đã bắt đầu tin tưởng vào hiệu quả mô hình mang lại và dần dần chuyển đổi diện tích đất màu để trồng cỏ nuôi bò”.
Giải thích thêm về kỹ thuật chăn nuôi bò theo mô hình đã được các cán bộ và sinh viên Trường Đại học Nông lâm Huế hướng dẫn, ông Dơn cho biết, về cơ bản phương pháp chăn nuôi này không có gì khó, chỉ cần bà con tuân thủ đúng theo tài liệu hướng dẫn là được. Những con bò được khoảng hai năm tuổi hoặc bò thải loại (tức là những con bò đã già không còn khả năng cày bừa sản xuất) sẽ được đưa vào diện vỗ béo tập trung. Thức ăn cho bò là thức ăn hỗn hợp gồm cỏ, trộn thêm cây chuối, cám, khoai, cám Con Cò.
Tỷ lệ thức ăn mỗi ngày căn cứ vào khả năng hấp thu của bò, nếu để ý thấy phân bò nhão thì phải giảm bớt lượng thức ăn tinh bột. Nuôi bò nhốt thâm canh kết hợp với vỗ béo đem lại nhiều cái lợi thu nhập cao nhưng không tốn thời gian chăn dắt, các thành viên trong gia đình ai cũng chăm sóc được cho đàn bò, đặc biệt là nuôi bò vỗ béo rất dễ bán, giá cao. Ngoài nguồn lợi về kinh tế, bà con còn được thêm nhiều cái lợi khác như không mất đi nguồn phân bón cho các loại cây nông nghiệp; đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, hoa màu ngoài đồng không có trâu bò thả rông phá hoại.
Là một trong những thành viên chủ chốt của câu lạc bộ, ông Dơn băn khoăn và trăn trở nhất là cho đến hiện tại, qua hơn nửa năm đi vào hoạt động nhưng CLB vẫn chưa được xét duyệt để làm các thủ tục công nhận tư cách pháp nhân, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình hoạt động. Nhiều cơ hội được các tổ chức nước ngoài hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án nhưng đều lở dở vì CLB không có tài khoản, con dấu và cơ sở pháp lý để tiếp nhận vốn hỗ trợ. Thêm vào đó, nhiều người dân muốn tham gia thực hiện mô hình này nhưng khó khăn về vốn để đầu tư mua bò nên hiện tại có tình trạng “cỏ thì nhiều mà bò thì ít”.
“Mong muốn lớn nhất của các hộ dân thôn Bắc Bình là nhà nước có chính sách cho vay vốn ưu đãi để bà con có điều kiện đầu tư mua thêm bò để nuôi theo hình thức này. Bây giờ nhìn thấy hiệu quả rất khả quan đó nhưng không có điều kiện mua con giống thì bà con cũng chỉ có khả năng làm mô hình nhỏ lẻ thôi”, ông Dơn tâm tư.
Dù mới đưa vào thử nghiệm chưa lâu nhưng sự tin tưởng của bà con thôn Bắc Bình đối với một mô hình đã được áp dụng thành công ở nhiều địa phương là rất lớn. Đối với người nông dân, một con bò bán ra đáng được coi là tài sản lớn nên việc đầu tư chăm sóc bò với giá trị kinh tế cao khiến bà con rất phấn khởi.
Nói như ông Dơn, con cái được ăn học đến nơi đến chốn, mua được ti vi, xe máy hay thậm chí làm nhà cửa cũng trông đợi cả vào số tiền bán bò. Nay mai, có thể những đồng lạc, bãi ngô của Bắc Bình đều trở thành vùng trồng cỏ, vừa để chăn nuôi đàn bò trong thôn , vừa làm vùng nguyên liệu bán cho các nơi khác.
Ông tỏ ra rất tin tưởng và kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng cho người dân thôn mình, khi CLB đã đi vào hoạt động ổn định và người dân sẽ được tiếp cận nhiều hơn về khoa học kỹ thuật cũng như hướng phát triển mô hình chăn nuôi hiệu quả này. Đó có lẽ cũng là tâm nguyện và quyết tâm của những người nông dân thôn Bắc Bình, một thôn đã được công nhận là điểm sáng trong áp dụng thực hiện dự án “Thôn ứng dụng khoa học- công nghệ” của huyện Cam Lộ.
Có thể bạn quan tâm
Được sự hỗ trợ của Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh, những năm qua, một số thôn, bản trên địa bàn xã miền núi Trường Sơn nói chung và bản Trung Sơn nói riêng đã phát triển chăn nuôi lợn, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc Vân Kiều.
Mới khởi nghiệp được khoảng 6 năm nhưng mô hình nuôi ba ba đã giúp gia đình anh Đinh Công Thủ, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân trở thành triệu phú. Mà không chỉ có gia đình anh Thủ, hiện nay có rất nhiều hộ nuôi ba ba ở Thạnh Xuân cũng “phất” lên từ con ba ba.
Mong muốn làm kinh tế tại quê hương, nên ngay khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia đình chị Phạm Thị Loan (xã Ngô Quyền, Tiên Lữ) đã hăng hái tham gia. Từ khoảng 2 mẫu đất ruộng, gia đình chị Loan đã cải tạo thành vườn, ao và một số dãy chuồng trại chăn nuôi.
Trong những năm qua phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần đáng kể vào công cuộc xoá đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Bảo Yên. Gia đình anh Phạm Văn Hậu ở bản Sáo xã Xuân Hòa (Bảo Yên- Lào Cai) là một điển hình, nhờ phát triển kinh tế trang trại mà kinh tế gia đình anh không ngừng được nâng lên.
Câu lạc bộ (CLB) trồng lúa ấp Long Hòa B, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang tuy mới thành lập trên năm nhưng tinh thần đoàn kết rất cao. CLB được thành lập trên tinh thần tự nguyện của các thành viên và được sự trợ giúp về kỹ năng sinh hoạt nhóm và sự hướng dẫn kỹ trồng lúa an toàn của Công ty Bayer Việt Nam.