Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Theo Hướng Tích Cực
Bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất, những năm gần đây, huyện Phụng Hiệp trở thành một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Chỉ tay về tuyến kênh thủy lợi dài trên 800m được nạo vét trong năm 2014, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, cho biết: “Nơi đây vốn là vùng đất trũng, nhiều phèn, mấy chục năm nay việc canh tác của nông dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự lên xuống của con nước. Tuy nhiên, từ khi có tuyến kênh thủy lợi này, nông dân trong ấp rất chủ động trong sản xuất”.
Chỉ tính trong năm 2014, xã Hòa Mỹ triển khai thực hiện 12 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, tổng chiều dài gần 14km, kinh phí gần 475 triệu đồng. Đặc biệt, điều đáng ghi nhận là người dân hoàn toàn tự nguyện đóng góp tiền của, công sức vào xây dựng các công trình. Ông Nguyễn Hoàng Khai, ngụ ấp Mỹ Hiệp, bộc bạch: “Nếu như trước đây một năm chỉ làm được 2 vụ lúa, thì giờ đây tụi tui làm được 3 vụ, nhờ vậy mà tăng thêm thu nhập. Giờ có điều kiện thuận lợi rồi, bà con trong xã chuyển sang trồng cây ăn trái nhiều lắm”.
Tuy gắn bó với cây mía gần nửa đời người, nhưng ông Nguyễn Văn Cần, ngụ ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, vẫn quyết định chuyển 8 công đất mía sang trồng mãng cầu gai gần một năm nay. Nhìn vườn mãng cầu xanh tốt, ông Cần trầm ngâm: “Phải chi giá mía ổn định hơn thì tụi tui bớt khổ rồi. Hy vọng với loại cây trồng mới này sẽ giúp tôi và bà con trong xã vươn lên”.
Ông Dương Minh Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Mỹ, chia sẻ: “Ngay từ khi có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chúng tôi đã xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng, củng cố các công trình thủy lợi. Bởi khi có điều kiện sản xuất tốt, người dân mới mạnh dạn chuyển đổi nhằm nâng cao thu nhập cho mình”.
Cũng theo lãnh đạo xã Hòa Mỹ, ngoài việc xây dựng các tuyến kênh thủy lợi, đê bao khép kín, địa phương còn đẩy mạnh tuyên truyền; thật sự gần dân, sát dân để hiểu dân, góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Và địa phương này luôn xác định, đây không chỉ đơn thuần giúp người dân có điều kiện sản xuất mà còn khẳng định tinh thần đoàn kết giữa chính quyền địa phương với bà con trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Nếu như xã Hòa Mỹ có sự đồng bộ trong việc tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, thì xã Phương Phú lại đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi diện tích mía ngoài vùng nguyên liệu hay vườn tạp sang trồng cây có múi và các loại cây ăn trái khác. Đến nay, người dân trong xã đã bắt đầu hái được những “quả ngọt” đầu tiên.
Ông Nguyễn Vũ Do, ngụ ấp Phương Bình, xã Phương Phú, khoe: “Vườn cam sành của tôi chỉ vỏn vẹn 1.500m2, nhưng đợt trái này ước tính khoảng 7-8 tấn. Thương lái đặt cọc rồi, giá 12.000 đồng/kg. Năm nay, gia đình tôi chắc chắn có một cái tết ấm cúng”. Trước đây, vườn cam của ông Do chỉ là vườn cây tạp um tùm. Khi được địa phương vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông đã mạnh dạn thực hiện và nay đang dần thu lợi nhuận ổn định.
Ấp Phương Bình hiện nay còn là nơi thực hiện việc chuyển đổi diện tích mía sang trồng cây có múi. Vừa thu về gần 80 triệu đồng từ vườn quýt đường, trong suốt buổi trò chuyện, nụ cười của ông Dương Văn Quang luôn thường trực trên môi. “Mấy năm trước trồng mía vất vả cả năm nhưng cuối cùng thì chỉ… tiền cũ đổi tiền mới thôi. Từ khi chuyển qua trồng quýt, mới năm đầu thu hoạch, tôi đã thu lại vốn. Tin chắc rằng đây sẽ là cơ hội để cuộc sống gia đình tôi phát triển ổn định”, ông Quang nói.
Được biết, ông Quang đã chuyển 10 công mía sang trồng cam sành và quýt đường từ năm 2011. Ông Bùi Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, đánh giá: “Năm 2014, huyện Phụng Hiệp đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra, trong đó điểm nổi bật là chỉ tiêu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn.
Đến nay, những cánh đồng mía (ngoài vùng nguyên liệu) hay các vườn cây tạp kém hiệu quả đang dần được thay thế bằng những vườn cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Đây sẽ là bước đệm quan trọng góp phần nâng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân huyện nhà trong thời gian tới”.
Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE18321E/Chuyen_doi_co_cau_cay_trong_theo_huong_tich_cuc.aspx
Có thể bạn quan tâm
Khoảng 1 tuần nay, trên sông Nhuệ đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Hà Nam bỗng nhiên xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, nổi trắng cả một khúc sông.
Hai tháng sau khi đưa ra một nghiên cứu về Hội chứng tôm chết sớm (EMS), Chủ tịch Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) George Chamberlain cho biết, EMS tiếp tục gây thiệt hại cho tôm nuôi toàn cầu, tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn nhờ những nỗ lực trong việc nghiên cứu và tìm hiểu đại dịch này.
Tổng giá trị xuất khẩu (XK) nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trong 4 tháng đầu năm lên hơn 23,4 triệu USD, nhưng con số này vẫn giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm 2013.
Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Cá tra Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị Phổ biến quy định của các thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2014.
Vài năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả rõ rệt. Mô hình nuôi chim cút của gia đình anh Nguyễn Văn Tình, ở thôn An Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh là một minh chứng cho điều đó.