Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cứu Con Cá Tra

Cứu Con Cá Tra
Ngày đăng: 16/08/2013

Từ giữa năm 2012 đến nay, con cá tra liên tục bị “mắc cạn”. Ngành công nghiệp chế biến cá tra đang gặp khó khi phải bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất. Hàng loạt hộ nuôi cá tra ở các tỉnh, thành vùng ĐBSCL “treo ao”, bỏ ao kéo dài. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lại bấp bênh…

* Khó trăm bề

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 6 tháng đầu năm 2013 toàn vùng ĐBSCL đã thả nuôi cá tra được 4.341 ha, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2012, sản lượng ước đạt 545.718 tấn. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang dao động ở mức rất thấp, từ 19.500 đến 20.000 đồng/kg khiến người nuôi bị lỗ từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Khó khăn, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL buộc phải giảm mạnh diện tích nuôi. An Giang hiện còn 779ha, giảm 18%; Vĩnh Long 434 ha giảm 10,6%. Theo Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, năm 2012 có 1.200ha nuôi cá tra, nay số hộ “treo ao” lên tới 30 - 40%. TP Cần Thơ hiện thả nuôi khoảng 810 ha, (trong đó diện tích thả nuôi mới năm 2013 là 408 ha, 402 ha có sẵn từ năm 2012), giảm 11% diện tích so cùng kỳ...

Thực thế, nông dân vất vả nuôi con cá tra trong vòng 7 tháng trời, thu hoạch cũng chỉ mong có lời từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, nhưng các đối tượng thu mua cá cho doanh nghiệp (DN) lại ép người dân phải trả chi phí vận chuyển từ 1.000 - 2.000 đồng/kg cho quãng đường vận chuyển chỉ 1 – 2km, là điều bất hợp lý. Ngoài ra, không ít trường hợp nông dân phải “bôi trơn” cho đối tượng thẩm định chất lượng để thu mua thì mới bán được cá. Không hiếm trường hợp cá bị neo quá lứa, phải bán với giá thấp vì không… chịu chi(!).

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú, tỉnh An Giang, chia sẻ: “Sắp tới, HTX chuẩn bị thu hoạch khoảng 10 ha cá tra với sản lượng dự kiến khoảng 5.000 tấn. Nếu DN mua với giá 20.000 đồng/kg thì các xã viên phải “ngậm đắng” chịu lỗ từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, điều đó cũng không đáng lo bằng việc hiện nay gần đến lúc thu hoạch mà DN và thương lái không thấy đâu...”.

Lý giải nguyên nhân khiến con cá tra gặp cảnh khó, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Sự gắn kết giữa các DN với nhau và DN với người nuôi cá chưa chặt chẽ. Các DN cạnh tranh không lành mạnh, vượt tầm kiểm soát của ngành chức năng. Nhiều nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu tạm ngưng hoạt động, giảm sức tiêu thụ kéo theo giá cá sụt giảm…Vừa qua, Đồng Tháp đã kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ cho phép DN xuất khẩu cá tra khi có nhà máy chế biến hay vùng nguyên liệu nhằm loại bỏ những DN thiếu uy tín, phá giá, gây rối làm mất uy tín cá tra Việt Nam.

Trước thực trạng cá tra “mắc cạn”, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang giao cho các quận, huyện tìm hướng xử lý. Theo số liệu điều tra của ngành nông nghiệp Cần Thơ, một số hộ chuyển cho DN thuê lại diện tích ao nuôi; một số ít lâu nay làm cá tra giống, hiện đang thả nuôi cầm chừng; một số ít cải tạo lại mặt nước để nuôi thủy sản khác…

Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ khuyến cáo người dân đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản khác, không nhất thiết phải “bám” lấy con cá tra. Mùa nước nổi tới đây người dân có thể kết hợp nuôi cá, nuôi tôm trên ruộng. Riêng một số hộ cố gắng duy trì nuôi cá theo hình thức gia công cho DN để trả nợ ngân hàng, nuôi cầm cự, chờ cơ hội mới để đầu tư...

* Đề xuất mô hình chuỗi cung ứng cá tra bền vững

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thới An, quận Ô Môn, chia sẻ: “Do “cung” vượt “cầu”, DN chỉ sản xuất cầm chừng với vùng nguyên liệu sẵn có cũng đáp ứng được, nên giảm liên kết với nông dân, từ đó số xã viên bỏ nuôi, kéo theo diện tích giảm mạnh.

Theo ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ khuyến cáo người nuôi cá tra phải theo hợp đồng, nhưng DN thì lại không thể ký hợp đồng với cá nhân vì không có cơ sở pháp lý. Để thực hiện được điều này, nhất thiết người nuôi phải tham gia vào các tổ hợp tác hay hợp tác xã. Thành phố đang thực hiện và xem cách nào hợp lý nhất để bảo vệ quyền lợi cho người nuôi cá từng bước ổn định, DN chế biến cá tra tồn tại và tạo được công ăn việc làm cho người lao động...

Theo ngành nông nghiệp các tỉnh, thành trong vùng đề xuất, để con cá tra phát triển bền vững, cần thực hiện mô hình liên kết. Tùy theo điều kiện của từng địa phương mà xây dựng mô hình liên kết phù hợp, có hiệu quả và đảm bảo được quyền lợi của các bên tham gia, cùng thúc đẩy nghề cá phát triển. Bài toán liên kết sản xuất - tiêu thụ là khởi đầu để hướng đến quan hệ sản xuất mới hài hòa giữa các bên.

Mới đây, dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” tại khu vực ĐBSCL, kéo dài đến năm 2017 đã triển khai, là tín hiệu vui cho người nuôi cá và ngành công nghiệp chế biến cá tra. Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: “Thời gian qua có một số dự án về chuỗi cá tra, nhưng các chuỗi bị phân đoạn. Riêng dự án này là dự án đầu tiên thực hiện từ sản xuất cho tới tiêu dùng.

Đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu lại ngành hàng cá tra, từng bước nâng tầm ngành hàng cá tra lên tầm thế giới”. Những ngày cuối tháng 7-2013, trong chuyến công tác về các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Thống đốc NHNN Việt Nam - Nguyễn Văn Bình sau khi lắng nghe những đề đạt của người nuôi cá tra đã nhận định: Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, cân đối số liệu cụ thể và từ đó triển khai giải pháp khoanh nợ, giảm lãi hoặc miễn lãi... Nông dân nuôi cá ĐBSCL mong chủ trương của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sớm thành hiện thực để cùng giải cứu cá tra…


Có thể bạn quan tâm

Thực Hiện Đúng Quy Định Về Nuôi, Chế Biến, Xuất Khẩu Cá Tra Thực Hiện Đúng Quy Định Về Nuôi, Chế Biến, Xuất Khẩu Cá Tra

Bộ NN&PTNT vừa có văn bản trả lời ý kiến đề xuất của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) về việc tổ chức đối thoại với doanh nghiệp liên quan đến Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra.

05/09/2014
Năng Suất Lúa Giống Đạt 7 Tấn/ Ha Năng Suất Lúa Giống Đạt 7 Tấn/ Ha

Nhờ áp dụng hiệu quả mô hình "1 phải, 5 giảm", năng suất lúa bình quân đạt 7 tấn/ ha, cá biệt có những hộ đạt tới 9 tấn/ ha. Hiện nay, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam đang thu mua lúa giống với giá 5.850 đồng/ kg, cao hơn giá thị trường 650 đồng/ kg.

03/09/2014
Đồng Nai Hơn 600 Hécta Tiêu Bị Sâu Bệnh Đồng Nai Hơn 600 Hécta Tiêu Bị Sâu Bệnh

Tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh có hơn 600 hécta tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm phần lớn ở giai đoạn kinh doanh. Nguyên nhân dẫn đến loại dịch bệnh trên là do đang trong mùa mưa, nhiều nhà vườn không chú ý để nước mưa đọng lâu trong vườn khiến nấm bệnh lây lan nhanh.

03/09/2014
Cà Mau Thêm Nguồn Giống Mới Cà Mau Thêm Nguồn Giống Mới

Hằng năm, trại giống luôn tổ chức khảo nghiệm và chọn ra những giống lúa tốt, giống mới, có triển vọng để bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa sản xuất của tỉnh Cà Mau, đồng thời phục tráng những giống lúa đã bị thoái hoá nhằm cung ứng kịp thời nhu cầu bà con nông dân trong tỉnh.

05/09/2014
Thanh Long Và Nỗi Lo Của Người Trồng Thanh Long Và Nỗi Lo Của Người Trồng

Thanh long là loại cây trồng có tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu đứng đầu của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có tỉnh Tiền Giang. Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, năm 2012 kim ngạch xuất khẩu thanh long đạt 181 triệu USD, tăng 175 triệu USD so với năm 2003. Tuy vậy, nông dân trồng thanh long không hẳn “dễ thở” hơn trồng các loại cây khác mà vẫn thường xuyên gặp khó khăn vì giá bán không ổn định “lúc lên, lúc xuống”.

03/09/2014