Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Theo Hướng Tích Cực

Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Theo Hướng Tích Cực
Publish date: Thursday. November 27th, 2014

Bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất, những năm gần đây, huyện Phụng Hiệp trở thành một trong những địa phương đi đầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao cho nông dân.

Chỉ tay về tuyến kênh thủy lợi dài trên 800m được nạo vét trong năm 2014, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, cho biết: “Nơi đây vốn là vùng đất trũng, nhiều phèn, mấy chục năm nay việc canh tác của nông dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự lên xuống của con nước. Tuy nhiên, từ khi có tuyến kênh thủy lợi này, nông dân trong ấp rất chủ động trong sản xuất”.

Chỉ tính trong năm 2014, xã Hòa Mỹ triển khai thực hiện 12 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, tổng chiều dài gần 14km, kinh phí gần 475 triệu đồng. Đặc biệt, điều đáng ghi nhận là người dân hoàn toàn tự nguyện đóng góp tiền của, công sức vào xây dựng các công trình. Ông Nguyễn Hoàng Khai, ngụ ấp Mỹ Hiệp, bộc bạch: “Nếu như trước đây một năm chỉ làm được 2 vụ lúa, thì giờ đây tụi tui làm được 3 vụ, nhờ vậy mà tăng thêm thu nhập. Giờ có điều kiện thuận lợi rồi, bà con trong xã chuyển sang trồng cây ăn trái nhiều lắm”.

Tuy gắn bó với cây mía gần nửa đời người, nhưng ông Nguyễn Văn Cần, ngụ ấp Mỹ Phú, xã Hòa Mỹ, vẫn quyết định chuyển 8 công đất mía sang trồng mãng cầu gai gần một năm nay. Nhìn vườn mãng cầu xanh tốt, ông Cần trầm ngâm: “Phải chi giá mía ổn định hơn thì tụi tui bớt khổ rồi. Hy vọng với loại cây trồng mới này sẽ giúp tôi và bà con trong xã vươn lên”.

Ông Dương Minh Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Mỹ, chia sẻ: “Ngay từ khi có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chúng tôi đã xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng, củng cố các công trình thủy lợi. Bởi khi có điều kiện sản xuất tốt, người dân mới mạnh dạn chuyển đổi nhằm nâng cao thu nhập cho mình”.

Cũng theo lãnh đạo xã Hòa Mỹ, ngoài việc xây dựng các tuyến kênh thủy lợi, đê bao khép kín, địa phương còn đẩy mạnh tuyên truyền; thật sự gần dân, sát dân để hiểu dân, góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Và địa phương này luôn xác định, đây không chỉ đơn thuần giúp người dân có điều kiện sản xuất mà còn khẳng định tinh thần đoàn kết giữa chính quyền địa phương với bà con trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Nếu như xã Hòa Mỹ có sự đồng bộ trong việc tuyên truyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, thì xã Phương Phú lại đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi diện tích mía ngoài vùng nguyên liệu hay vườn tạp sang trồng cây có múi và các loại cây ăn trái khác. Đến nay, người dân trong xã đã bắt đầu hái được những “quả ngọt” đầu tiên.

Ông Nguyễn Vũ Do, ngụ ấp Phương Bình, xã Phương Phú, khoe: “Vườn cam sành của tôi chỉ vỏn vẹn 1.500m2, nhưng đợt trái này ước tính khoảng 7-8 tấn. Thương lái đặt cọc rồi, giá 12.000 đồng/kg. Năm nay, gia đình tôi chắc chắn có một cái tết ấm cúng”. Trước đây, vườn cam của ông Do chỉ là vườn cây tạp um tùm. Khi được địa phương vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông đã mạnh dạn thực hiện và nay đang dần thu lợi nhuận ổn định.

Ấp Phương Bình hiện nay còn là nơi thực hiện việc chuyển đổi diện tích mía sang trồng cây có múi. Vừa thu về gần 80 triệu đồng từ vườn quýt đường, trong suốt buổi trò chuyện, nụ cười của ông Dương Văn Quang luôn thường trực trên môi. “Mấy năm trước trồng mía vất vả cả năm nhưng cuối cùng thì chỉ… tiền cũ đổi tiền mới thôi. Từ khi chuyển qua trồng quýt, mới năm đầu thu hoạch, tôi đã thu lại vốn. Tin chắc rằng đây sẽ là cơ hội để cuộc sống gia đình tôi phát triển ổn định”, ông Quang nói.

Được biết, ông Quang đã chuyển 10 công mía sang trồng cam sành và quýt đường từ năm 2011. Ông Bùi Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, đánh giá: “Năm 2014, huyện Phụng Hiệp đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra, trong đó điểm nổi bật là chỉ tiêu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn.

Đến nay, những cánh đồng mía (ngoài vùng nguyên liệu) hay các vườn cây tạp kém hiệu quả đang dần được thay thế bằng những vườn cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao. Đây sẽ là bước đệm quan trọng góp phần nâng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân huyện nhà trong thời gian tới”.

Nguồn bài viết: http://baohaugiang.com.vn/newsdetails/1D3FE18321E/Chuyen_doi_co_cau_cay_trong_theo_huong_tich_cuc.aspx


Related news

Nghệ An nuôi tôm an toàn sinh học theo quy trình VietGAP Nghệ An nuôi tôm an toàn sinh học theo quy trình VietGAP

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng FITES đã triển khai dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm chân trắng theo VietGAP” tại huyện Diễn Châu và huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An với nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án Khuyến nông trung ương năm 2014.

Saturday. April 18th, 2015
Nghêu chết vẫn chưa rõ nguyên nhân Nghêu chết vẫn chưa rõ nguyên nhân

Hiện chưa có con số thống kê chính xác những thiệt hại do nghêu chết gây ra. Nhưng chắc chắn một điều rằng đó sẽ là những con số không nhỏ. Bởi theo thống kê sơ bộ của UBND xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), vụ nghêu năm nay người dân thả nuôi khoảng 1.500 ha, đến ngày 9 - 4 đã có 220 sân nghêu của 170 hộ dân bị chết, với tỷ lệ thiệt hại bình quân 50%, cá biệt có sân nghêu bị chết đến 90%, tổng sản lượng thiệt hại dự kiến lên đến 13.000 tấn.

Saturday. April 18th, 2015
Phát triển bền vững ngành thủy sản trong tương lai Phát triển bền vững ngành thủy sản trong tương lai

Ngành thủy sản Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh và toàn diện, sản lượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) và giá trị sản xuất hằng năm đều tăng trưởng.

Saturday. April 18th, 2015
Cá lóc nuôi nhiễm bệnh, nổi trắng mặt ao Cá lóc nuôi nhiễm bệnh, nổi trắng mặt ao

Các hộ nuôi cá lóc trên địa bàn xã Hòa Lạc (Phú Tân - An Giang) đang lo lắng trước tình trạng cá bệnh trắng mình và xuất huyết. Cụ thể, đuôi cá xuất hiện vết trắng rồi lan dần về phía đầu làm cho cá mất nhớt, bong da… dẫn đến chết hàng loạt.

Saturday. April 18th, 2015
Cá lăng sông Hồng đem đến giàu có Cá lăng sông Hồng đem đến giàu có

Chuyện nuôi cá trên sông Hồng bao đời nay chưa ai dám nghĩ, bởi không ô nhiễm nhưng dòng nước lại quá mênh mông.

Saturday. April 18th, 2015