Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chuyện buồn thị trường gạo

Chuyện buồn thị trường gạo
Ngày đăng: 17/09/2015

Đưa gạo xuất khẩu xuống tàu

Vừa đối mặt với những khó khăn về thị trường, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam lại đang gặp phải phiền phức từ chính một số nhà giám định trong nước. 

Từ khi Philippines công bố sẽ mở cuộc đấu thầu nhập khẩu 750 ngàn tấn gạo (giao hàng cuối năm nay và đầu năm sau), đến nay đã hơn 1 tuần trôi qua, nhưng giá gạo hàng hóa ở ĐBSCL vẫn chưa nhích lên được 1 đồng nào. 

Thậm chí, có thời điểm đã giảm xuống một chút. Điều này trái ngược hẳn với những lần đấu thầu trước đây của Philippines, khi mà vừa có thông tin Việt Nam sẽ tham gia đấu thầu, là giá gạo ở ĐBSCL đã tăng ngay thêm 100 đồng/kg. 

Thông tin từ một số doanh nghiệp chuyên cung ứng gạo xuất khẩu, cho thấy, thương lái và các doanh nghiệp cung ứng hầu như không kỳ vọng gì ở đợt đấu thầu lần này, vì thế dù đã có thông tin về đợt đấu thầu nhưng các thương lái gần như không đẩy mạnh thu mua lúa gạo. 

Một doanh nhân ngành gạo cho biết, sở dĩ các thương lái, doanh nghiệp cung ứng không kỳ vọng ở đợt đấu thầu, là vì các thông tin về tham gia đấu thầu lần này không được đưa ra rầm rộ. 

Mặt khác giá gạo trên thị trường thế giới hiện đang khá thấp, khiến cho giá gạo Việt Nam đã giảm xuống rất nhiều. Như gạo 5% tấm hiện chỉ còn 330 USD/tấn nhưng vẫn rất khó bán. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, lượng gạo mà Việt Nam đã xuất khẩu mới chỉ gần 4 triệu tấn (tính đến hết tháng 8), tức là vẫn còn nhiều gạo trong kho của các doanh nghiệp. 

Đến thời điểm này, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng rất khó khăn, ảm đạm. Các loại gạo xuất khẩu chính như 5% tấm, 15% tấm, 25% tấm… đều khó bán. Chỉ có mặt hàng tấm là lại đang hút hàng. 

Nguyên nhân do trong khi cấp phép có giới hạn cho các thương nhân nhập khẩu các loại gạo nói trên, thì phía Trung Quốc lại cho phép thương nhân nước họ được nhập khẩu tấm mà không cần giấy phép. 

Do đó, thay cho gạo trắng trong những năm trước đây, tấm lại đang trở thành mặt hàng được bán chạy nhất sang thị trường Trung Quốc. Chỉ riêng một Chi nhánh của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, đến thời điểm này đã xuất khẩu được tới 40 ngàn tấn tấm. 

Mà khách hàng Trung Quốc vẫn đang có nhu cầu mua thêm tấm, tiếc là các nhà xuất khẩu Việt Nam đang rất khó tìm được tấm. Bởi tấm là phụ phẩm trong quá trình xay xát gạo hạt dài, nên khi gạo 5% tấm không bán được thì tấm cũng không có nhiều. 

Không chỉ gặp khó về thị trường xuất khẩu, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam còn đang phải đối mặt với những rắc rối, phiền toái do chính doanh nghiệp trong nước gây ra, mà họ gọi là “nội gián”. 

Đó là việc một số công ty giám định, do muốn có mối quan hệ tốt, được hiện diện thường xuyên trong tâm trí của các nhà nhập khẩu để được ưu tiên chỉ định làm giám định chất lượng cho những lô hàng gạo Việt Nam mà họ sẽ mua, nên đã thường xuyên cung cấp tình hình giá gạo ở Việt Nam cho họ. 

Giá lên hay xuống công ty giám định đều cung cấp hết cho nhà nhập khẩu. Do đó, nhiều nhà nhập khẩu thường xuyên nắm rõ diễn biến giá gạo ở Việt Nam. 

Dĩ nhiên các nhà nhập khẩu không còn nhiều kênh khác để nắm bắt thông tin giá gạo tại Việt Nam, nhưng những thông tin mà các công ty giám định cung cấp luôn khiến cho họ tin tưởng vì những công ty này thường xuyên tiếp xúc với các nhà cung ứng, xuất khẩu gạo Việt Nam. 

Và đã xảy ra nhiều trường hợp, nhà nhập khẩu dùng chính những thông tin đó để ép giá nhà xuất khẩu gạo Việt Nam. Có những nhà xuất khẩu đã thống nhất giá cả với nhà nhập khẩu. Nhưng để chờ nhà nhập khẩu tiến hành ký hợp đồng, mở L/C…, thì phải mất ít nhất vài ngày, có khi tới hơn 10 ngày. 

Trong quãng thời gian ấy, nhà nhập khẩu nhận được thông tin giá cả về thị trường gạo Việt Nam do công ty giám định nào đó gửi đến. Nếu giá lên thì nhà nhập khẩu không nói gì. Còn nếu giá xuống, họ sẽ yêu cầu ngay tới nhà xuất khẩu Việt Nam phải giảm ngay giá xuống. 

Để bán được hàng trong bối cảnh đầu ra khó khăn, nhà xuất khẩu Việt Nam đành phải chấp nhận yêu cầu đó của nhà nhập khẩu. Thậm chí có công ty giám định còn thông báo cho nhà nhập khẩu giá gạo ở Việt Nam thấp hơn so với giá thực tế trên thị trường, khiến cho nhà xuất khẩu phải “khóc dở mếu dở”.


Có thể bạn quan tâm

Diện Tích Nuôi Cá Tra Tăng Không Đáng Kể Diện Tích Nuôi Cá Tra Tăng Không Đáng Kể

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong năm qua khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 102 cơ sở sản xuất cá tra giống, với sản lượng từ 25 - 28 tỉ con cá tra bột. Các địa phương có nhiều cơ sở sản xuất giống cá tra bột như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và Tiền Giang.

26/01/2015
Lào Cai Năm 2014, Sản Lượng Thủy Sản Đạt 5.700 Tấn Lào Cai Năm 2014, Sản Lượng Thủy Sản Đạt 5.700 Tấn

Đến hết năm 2014, diện tích mặt nước, ao nuôi thủy sản toàn tỉnh đã đạt 1.875 ha, tăng 59 ha so với năm 2013, thủy sản Lào Cai không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn mở rộng ra một số địa phương lân cận như Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái... Cùng với mở rộng diện tích, người nuôi thủy sản đã chú trọng chuyển đổi hình thức nuôi quảng canh sang nuôi bán thâm canh, thâm canh...

26/01/2015
Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cua Xanh Thương Phẩm Kết Hợp Với Tôm Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Cua Xanh Thương Phẩm Kết Hợp Với Tôm

Hiện nay, cua xanh thương phẩm được coi là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả. Những năm gần đây, bà con vùng nuôi trồng thủy sản xã Xuân Hải, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên đã đưa vào nuôi bằng hình thức nuôi đơn hoặc nuôi ghép đối tượng khác, đem lại hiệu quả khá cao.

26/01/2015
Cá Ngừ Đại Dương Tín Hiệu Tích Cực Cho Năm Mới Cá Ngừ Đại Dương Tín Hiệu Tích Cực Cho Năm Mới

Lâu nay, cách câu cá ngừ đại dương truyền thống của ngư dân bằng vàng câu, thẻo câu và thậm chí câu bằng đèn cao áp, do đó cá ngừ sau khi đưa lên tàu đã không còn giữ được sắc đỏ của thịt nên thường chỉ làm được đông lạnh hoặc đóng hộp. Đây là lý do giải thích vì sao, Việt Nam hiện chỉ xuất khẩu cá ngừ ở dạng đông lạnh hay đóng hộp.

26/01/2015
Kết Quả Bước Đầu Của Mô Hình Lúa - Cá Ở Hoa Lư (Ninh Bình) Kết Quả Bước Đầu Của Mô Hình Lúa - Cá Ở Hoa Lư (Ninh Bình)

Trên địa bàn huyện Hoa Lư (Ninh Bình), diện tích đất nông nghiệp ở một số xã của huyện nằm trong vành đai đê bảo vệ của các con sông, từ tháng 7 đến tháng 10 thường xuyên chịu tác động của mưa lũ, mực nước dâng cao dễ gây nên ngập úng trên diện rộng.

26/01/2015