Cần Nâng Cao Hiệu Quả Khai Thác Ao Nuôi Thủy Sản Nước Lợ
Mặc dù đang ở chính vụ nhưng nhiều ao nuôi thủy sản nước lợ vẫn chưa được nông dân cải tạo, thả giống do điều kiện nuôi không thuận lợi. Lựa chọn con giống và kỹ thuật thả nuôi phù hợp là biện pháp cần thiết để nông dân có thể tận dụng những diện tích ao “bỏ hoang”, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đang là vụ chính nuôi tôm nước lợ trong năm nhưng nhiều cánh đồng tôm dọc sông Trường Giang qua địa bàn Thăng Bình, TP.Tam Kỳ, Núi Thành (Quảng Nam) vẫn thưa thớt bóng người. Nhiều ao nuôi bỏ hoang vài năm qua, bờ bao đã bị sạt lở nham nhở; một số khác vẫn còn các dụng cụ như sục khí, máy nổ… để trong các chòi canh tôm nhưng ao trơ đáy, phơi nắng lâu ngày. Nhiều ao nuôi thu hoạch vụ vừa qua nhưng vẫn chưa được nông dân cải tạo, thả giống. Thực trạng nhiều diện tích nuôi thủy sản nước lợ bỏ hoang trong thời gian qua đang… lãng phí tài nguyên đất và gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cho các ao nuôi trong khu vực.
Ông Trần Văn Khôi, một người nuôi tôm ở xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) chia sẻ: “Nghề nuôi tôm nước lợ vùng triều ở địa phương đã đi đến “giai đoạn cuối”. Chỉ một số ít hộ nuôi còn gắn bó, mỗi năm thả một vụ chính nhưng được chăng hay chớ bởi họ không dám đầu tư vì thua lỗ nhiều vụ liên tiếp. Nuôi tôm nước lợ bây giờ chủ yếu phát triển mô hình nuôi tôm chân trắng trên cát nhưng không phải ai cũng làm được vì vốn đầu tư lớn, lại thiếu đất sản xuất… Trong khi đó nhiều ao nuôi vùng triều bỏ hoang, không được cải tạo”.
Theo thống kê, hiện nay diện tích thả nuôi các đối tượng nước lợ trên địa bàn tỉnh là 1.625/2.200 ha theo kế hoạch, đạt 74%. Hiện vẫn còn 575ha diện tích vùng triều chưa được người dân thả giống thủy sản để nuôi, trong đó chủ yếu là các ao nuôi tôm nước lợ. Diện tích chưa nuôi này chủ yếu là những vùng có điều kiện nuôi chưa tốt như nguồn nước không chủ động, không đảm bảo chất lượng, hệ thống ao nuôi chưa đảm bảo, ao nuôi tôm thường bị bệnh, việc cải tạo ao nuôi không triệt để, người nuôi thiếu vốn đầu tư…
Để tận dụng tối đa diện tích nuôi thủy sản, hạn chế bệnh xảy ra trong ao nuôi những vùng này, theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, đối với ao nuôi có nhiều đặc điểm không thuận lợi cho việc nuôi thâm canh như bờ bao dễ thẩm lậu, mực nước nuôi thấp dưới 1m, không giữ được nước cao khi triều thấp, chất đáy bùn, bùn cát có độ dày lớn hơn 20cm, trao đổi nước phụ thuộc lớn vào thủy triều… thì nên áp dụng mô hình nuôi ghép tôm sú với cua, cá. Hình thức nuôi này tạo sự cân bằng sinh thái, hạn chế ô nhiễm, phì dưỡng trong quá trình nuôi, giảm dịch bệnh, tăng sản lượng thu hoạch, có thể đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Đối với những ao nuôi đảm bảo các điều kiện để có thể nuôi thâm canh, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam cũng khuyến cáo người nuôi có thể nuôi chuyên canh tôm sú hoặc tôm thẻ nhưng mật độ chỉ nên thả từ 10 - 12 con/m2 (đối với tôm sú) và từ 40 - 60 con/m2 (đối với tôm thẻ).
Tuy nhiên chỉ nuôi 1 vụ và thu hoạch vào trước tháng 10 để tránh lụt, bão. Ngoài ra, đối với những diện tích đã thả nuôi tôm nước lợ theo thời vụ được 1 - 2 tháng, người nuôi cần tăng cường quản lý ao nuôi, kịp thời phát hiện hiện tượng bất thường xảy ra trong ao nuôi như tôm nổi đầu, dạt bờ, kém ăn… để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế rủi ro trong quá trình thả nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Sau 4 tháng triển khai thực hiện mô hình trồng bắp lai thương phẩm, đến nay người dân xã Phước Đại (Bác Ái) đã thu hoạch với năng suất và hiệu quả kinh tế đạt cao.
Vụ mùa năm nay, gia đình anh nuôi 1,7 sào ốc hương. Sau 5 tháng, anh thu hoạch hơn 2 tấn ốc, trị giá gần 200 triệu đồng. Anh thu hoạch ốc bằng máy hút ốc, tránh được thất thoát từ 30- 40% và giảm được công lao động. Đây là một mô hình mới thu hoạch ốc hương bằng việc đưa cơ giới vào sản xuất góp phần phát triển nông thôn mới.
Trong một vài năm trở lại đây, mô hình cá lăng nha đuôi đỏ nuôi trong bè nổi tại các hồ lớn, hồ thủy điện… trong tỉnh Dak Lak đã chứng tỏ được giá trị kinh tế của loài cá đặc sản được xếp bậc nhất trong họ cá da trơn trên dòng sông Mê Kông.
Thực hiện lịch thời vụ trong nuôi trồng thủy sản, trong tháng 7/2013 ở Bạc Liêu, nông dân đã tập trung thả giống hơn 96.830ha, nâng tổng diện tích tôm nuôi đến nay lên hơn 124.590ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp khoảng 11.570ha, còn lại là diện tích nuôi quảng canh, hoặc quảng canh cải tiến kết hợp với các loại thủy sản khác như: cá, cua...
Nếu như trước đây 90% giống dâu, tằm có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ thì nay người trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chuyển sang nuôi trồng giống dâu, tằm nội địa. Giống dâu, tằm này do Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng (TTNCTNNLN) nghiên cứu và đưa vào sản xuất đại trà thời gian gần đây.