Chú Trọng Khâu Bảo Quản, Nâng Cao Chất Lượng Rau Màu
Hằng năm, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cung cấp ra thị trường trên 850 tấn rau màu các loại. Tuy nhiên, khâu đóng gói, bảo quản rau màu của HTX còn hạn chế nên sản phẩm của HTX giá bán còn bấp bênh. Việc đầu tư hoàn thiện quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản được xem là yêu cầu cấp bách để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm rau màu của HTX.
Hiện HTX Rau an toàn phường Long Tuyền có 16 xã viên, diện tích đất trồng rau màu trên 11ha. Ông Triệu Công Định, xã viên HTX Rau an toàn phường Long Tuyền, cho biết: “Dưa hấu và dưa lê là 2 loại màu chủ lực của HTX vì cho hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ, nhất là vào dịp Tết.
Vụ Tết vừa rồi, tôi trồng 3 công dưa lê với sản lượng thu hoạch hơn 3 tấn trái. Thương lái thu mua tại ruộng giá 20.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, tôi còn lãi hơn 20 triệu đồng. Nếu như làm tốt khâu sơ chế, đóng gói, bảo quản và bán vào các siêu thị, lợi nhuận chắc sẽ cao hơn”. Là thành viên HTX Rau an toàn phường Long Tuyền, ông Huỳnh Long Quân có gần 1ha chuyên canh tác dưa hấu, dưa leo, bí cô tiên...
Với sản lượng thu hoạch hằng năm hơn 20 tấn rau màu các loại, trừ các khoản chi phí, ông Quân thu lãi trên 60 triệu đồng. “Ngoài việc đầu tư cho HTX về khép kín đê bao, đầu tư trạm bơm, Trạm khuyến nông quận còn thường xuyên hỗ trợ xã viên các giống rau màu đang được thị trường ưa chuộng, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, hướng dẫn luân canh theo mùa vụ. Nhờ nắm vững kỹ thuật canh tác nên vụ màu nào cũng trúng mùa, cho năng suất cao.
Lượng rau màu thu hoạch nhiều nhưng không được sơ chế, bảo quản và phải bán ngay cho thương lái nên giá cả rất bấp bênh, dễ bị thương lái ép giá”- ông Huỳnh Long Quân chia sẻ.
Theo định hướng quy hoạch chung của quận Bình Thủy và ngành nông nghiệp TP Cần Thơ, vùng sản xuất của HTX Rau an toàn phường Long Tuyền nằm trong vành đai xanh chuyên cung cấp các sản phẩm rau màu sạch cung cấp cho khu vực nội ô, đặc biệt là tiêu thụ qua hệ thống siêu thị trên địa bàn.
Do đó, quận đặc biệt quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng, đê bao khép kín quanh khu vực sản xuất của HTX và đầu tư trạm bơm điện để các xã viên có thể canh tác rau màu quanh năm, không lo ảnh hưởng khi đến mùa mưa bão hoặc triều cường.
UBND quận Bình Thủy cùng Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông quận đã tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp thành phố để đầu tư xây dựng nhà sơ chế nông sản, giúp HTX hoạt động sản xuất hiệu quả. Ngành nông nghiệp thành phố vận động tài trợ được 1 máy sục Ozon cho HTX để sơ chế, đóng gói sản phẩm với điều kiện HTX phải xây dựng được nhà sơ chế để có nơi lắp đặt máy móc thiết bị.
Ông Triệu Công Đỉnh, Chủ nhiệm HTX rau an toàn phường Long Tuyền cho biết: “Dự kiến tổng kinh phí đầu tư nhà sơ chế nông sản khoảng 300 triệu đồng. Trừ phần máy móc, thiết bị do thành phố hỗ trợ, phần đầu tư hạ tầng nhà sơ chế do HTX phối hợp với Phòng kinh tế quận đầu tư.
Bước đầu triển khai, HTX cũng gặp không ít khó khăn, mặc dù HTX đã chuẩn bị được mặt bằng nhưng do nguồn vốn điều lệ hạn chế nên thiếu kinh phí xây dựng nhà sơ chế. Nhờ sự tác động UBND với Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội quận, nên HTX đã tiếp cận được nguồn vốn xây dựng nhà sơ chế. Dự kiến nhà sơ chế sẽ xây dựng trong quý III/2014 để kịp lắp đặt thiết bị phục vụ sơ chế, đóng gói do thành phố hỗ trợ”.
Khuyến khích xã viên nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra và tăng sức cạnh tranh cho HTX, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng Phòng kinh tế quận Bình Thủy cho biết: Phòng Kinh tế và Trạm Khuyến nông quận đã hướng dẫn HTX đề ra kế hoạch sản xuất cụ thể gắn với việc đa dạng hóa các chủng loại rau màu phù hợp với nhu cầu thị trường nhằm tránh hiện tượng sản xuất cung vượt cầu, khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, không đạt được hiệu quả kinh tế cao như mong muốn.
Có thể bạn quan tâm
Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Nguyễn Hữu An thông tin: “Thời gian nghỉ Tết hàng năm, cán bộ, kỹ thuật viên của đơn vị vẫn đảm bảo công tác trực nhật và ra đồng cùng nông dân. Các trạm BVTV huyện đã phân công cán bộ xuyên suốt tại cơ quan, đồng thời nhắc nhở anh em kỹ thuật viên phải phối hợp cùng nông dân thăm đồng dịp Tết vì khả năng xảy ra sâu bệnh cao trong thời gian này”.
Gia đình anh Trần Đình Vân ở thôn 2, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Dak Lak) hiện có 3 ha cà phê kinh doanh. Mỗi đợt tưới, với 2 máy bơm tiêu hao khoảng 160 lít dầu, chi phí khoảng 3 triệu đồng. Anh Vân cho biết, thời điểm năm ngoái, gia đình anh phải tốn khoảng 5 triệu đồng để mua dầu chạy máy bơm/đợt tưới. Nhưng đến nay, giá dầu giảm sâu, giúp người dân tiết kiệm khá nhiều.
Những ngày cuối năm âm lịch này, nông dân trồng khoai mỡ ở Phú Mỹ rất phấn khởi, vì thu hoạch khoai mỡ bán được giá cao. Anh Lê Văn Hồng, ấp Phú Thạnh, một trong những hộ trồng khoai mỡ lâu năm trong ấp, phấn khởi cho biết, anh có 8 công trồng khoai mỡ, qua 3 đợt thu hoạch vừa qua được trên 17 tấn khoai mỡ lớn nhỏ.
Trong khi nhiều nông dân ở các địa phương khác phải đốt rơm rạ ngay tại ruộng sau khi thu hoạch xong lúa để chuẩn bị dọn đồng, làm đất xuống giống cho vụ mùa tới thì tại các xã Vĩnh Xuân, Thiện Mỹ (Trà Ôn - Vĩnh Long), nhiều nông dân phấn khởi vì rơm rạ ngoài đồng được thương lái đến thu mua với giá khá cao, từ 1 triệu đồng/ha trở lên.
Những ngày qua, sau khi có thông tin về Công ty TNHH Sản xuất Chế biến rau an toàn (RAT) Ba Chữ (gọi tắt là Công ty Ba Chữ), xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội lấy rau không rõ nguồn gốc bán cho các siêu thị, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, làm rõ sự việc.