Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Lúng Túng Xây Dựng Mô Hình Sản Xuất Vùng Rau An Toàn

Lúng Túng Xây Dựng Mô Hình Sản Xuất Vùng Rau An Toàn
Ngày đăng: 13/06/2014

Với lợi thế về đất đai và thị trường tiêu thụ, những năm qua, Thành phố Vinh đã chú trọng đầu tư phát triển diện tích rau màu an toàn. Đây là hướng đi mới nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm hàng hóa và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP được thành phố quy hoạch đến năm 2017 có quy mô tối thiểu 50 ha trên địa bàn 4 xã Nghi Ân, Nghi Liên, Nghi Kim và Hưng Đông; mang lại thu nhập tối thiểu 150 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, người dân đang lúng túng với mô hình sản xuất này.

Tiềm năng và thách thức

Sản xuất rau là nghề truyền thống và thế mạnh của xã Nghi Liên. Qua sản xuất, nông dân đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong luân canh, xen canh rau màu, từ đó tăng hệ số sử dụng đất trồng rau lên đến 4 - 5 vụ/năm, và việc quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP là định hướng phát triển bền vững của nông nghiệp xã.

Hiện tổng diện tích đất trồng rau của toàn xã là 50 ha, sản lượng đạt trung bình từ 1.500 - 1.700 tấn rau/năm; riêng diện tích rau an toàn (RAT) là 25ha tập trung tại các xóm 2, 3, 4, 5; trong đó có 19 hộ đầu tư xây dựng 7.042m2 nhà lưới.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Văn Cần - ở xóm 3: “Trồng rau xanh vất vả hơn các loại cây trồng khác, nhưng do vòng đời của rau ngắn nên có thể luân canh được nhiều vụ.  So sánh về lợi nhuận thì trồng rau hiệu quả kinh tế khá cao. Gần đây, nhờ có chính sách hỗ trợ đường điện tưới, bể chứa nước, giếng khoan nên việc sản xuất rau thuận lợi hơn nhiều”.

Sau khi triển khai mô hình sản xuất RAT tại xã Nghi Liên, thành phố cũng đã cung ứng một số địa chỉ để người trồng rau Nghi Liên có thể tiếp cận khâu tiêu thụ, như các siêu thị, trường học mầm non và bếp ăn tập thể. Nhưng hợp đồng giao dịch chỉ kéo dài được khoảng nửa năm.

Có nhiều lý do cản trở sự hợp tác, như đối với các trường học, vì nhu cầu của trẻ ăn tinh bột nhiều, nên các trường đều yêu cầu cung ứng các loại củ, quả như cà rốt, khoai tây, cà chua… trong khi Nghi Liên chủ yếu chỉ sản xuất các loại rau ăn lá.

Hay khi đưa rau lên giới thiệu ở Siêu thị Metro, với đầy đủ các loại giấy chứng nhận tiêu chuẩn do các cơ quan có uy tín chứng nhận như: Chi cục Đo lường và Chất lượng, Chi cục Bảo vệ thực vật… hai bên đã đi đến thỏa thuận mỗi ngày Nghi Liên sẽ cung cấp cho siêu thị 3 tạ rau.

Tuy số lượng chỉ rất nhỏ so với sản lượng thu hoạch được hàng ngày, nhưng bà con ai cũng phấn khởi vì có nơi “ăn hàng” ổn định, nhưng mới được dăm tháng hợp đồng đã phải hủy bỏ. Nguyên nhân là rau Nghi Liên vụ chính thường chỉ có từ tháng 11 đến khoảng tháng 4 năm sau, trong khi đó siêu thị yêu cầu phải có nguồn hàng cung cấp quanh năm.

Trao đổi về việc này, ông Trần Đức Oanh- Trưởng ban Nông nghiệp xã Nghi Liên cho hay: “Trên thực tế xã Nghi Liên có truyền thống trồng rau, nhưng lâu nay bà con vẫn trồng theo lối tự phát, theo thói quen chứ chưa theo nhu cầu của thị trường. Do đó, vào mùa chính vụ thì trồng quá nhiều như rau cải, bắp cải, su hào dẫn đến thừa, trong khi các loại rau cao cấp, đòi hỏi giống tốt thì lại không có.

Ngoài ra, nguyên nhân chính là khâu tiêu thụ sản phẩm kém. Khi xây dựng dự án, việc thu mua sản phẩm là do thành phố đảm nhận, nhưng hiện tại trên thành phố chưa có một địa điểm nào bày bán rau an toàn. Thậm chí bao bì sản phẩm để chứng minh đây là rau sạch cũng chưa ai nghĩ tới. Vì thế, rau an toàn bị đánh đồng với các loại rau khác cũng là một lẽ dĩ nhiên”.

Năm 2012, TP Vinh đã  triển khai Dự án trồng rau sạch trong nhà lưới trên địa bàn 3 xã Nghi Kim, Nghi Ân và Nghi Liên, với kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn rau sạch cho người dân trên địa bàn TP và vùng phụ cận.

Tại xã Nghi Ân và Nghi Kim, nông dân sản xuất dưới sự hỗ trợ của Trạm Bảo vệ thực vật TP Vinh và Doanh nghiệp tư nhân Phú Tứ, còn tại xã Nghi Liên do chính quyền đảm nhận. Để thực hiện dự án này, UBND Thành phố Vinh đã hỗ trợ cho nông dân 100.000 đồng/m2 nhà lưới, kinh phí còn lại để đầu tư cơ sở hạ tầng nông dân tự bỏ ra.

Tuy nhiên, do thiết kế nhà lưới chưa phù hợp, quy trình thâm canh và đầu ra cho rau chưa rõ nên hai vụ rau vừa qua các hộ trồng rau trong nhà lưới đang lúng túng trong trồng, chăm sóc, quản lý dịch hại và bán sản phẩm…

Ông Nguyễn Đình Trúc - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho hay: “Tại xã Nghi Ân, 43 hộ nông dân trồng rau tại các xóm Kim Bình và Kim Trung được hưởng lợi từ chương trình rau sạch nhà lưới, với diện tích hơn 11.000 m2.

Nông dân cũng hào hứng tham gia khi được chính doanh nghiệp hỗ trợ và các ban, ngành liên quan đảm bảo sẽ có được sản phẩm sạch hoàn toàn, được thu mua đến tận ruộng rau. Thế nhưng, sau vụ sản xuất đầu tiên, nông dân đã kém hào hứng bởi sản phẩm làm ra cũng không được doanh nghiệp thu mua nên người dân không mặn mà với phương thức sản xuất mới này”.

Giải pháp phát triển bền vững

Từ năm 2008 đến nay, thành phố đã triển khai xây dựng nhiều mô hình an toàn theo hướng VietGAP trên địa bàn các xã Nghi Ân, Hưng Đông, Nghi Liên, Nghi Kim. Song song với đó, UBND thành phố cũng đã có cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ cho sản xuất.

Như năm 2011, thành phố đã đầu tư cho vùng sản xuất rau sạch 5,5 ha tại xóm 2 (xã Nghi Liên) gồm hệ thống nhà trực, đường điện phục vụ tưới, mương thoát là đường ống chôn ngầm, hệ thống tưới gồm giếng khoan, bể chứa nước 12m3 với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng.

Trong năm 2014, TP Vinh tiếp tục hỗ trợ vốn sản xuất từ nguồn Nông thôn mới cho xã Nghi Liên 250 triệu đồng để đầu tư giếng khoan, giếng thùng tại xóm 2, 3, 4; xã Nghi Kim 50 triệu đồng làm 3 giếng đất và hệ thống tiêu thoát nước bằng mương đất tại vùng sản xuất ở xóm 10; xã Hưng Lộc 140 triệu đồng làm nhà lưới; xã Nghi Ân 50 triệu đồng cải tạo đường điện phục vụ sản xuất rau an toàn…

Hiện trên địa bàn Thành phố Vinh có hơn 19.000 m2 rau trồng trong nhà lưới, nhưng vì hiệu quả kém nên một số hộ đã dỡ bỏ mái che nhà lưới. Nguyên nhân do xây dựng nhà lưới không đồng bộ, nông dân chưa biết cách vận hành bảo quản, sử dụng nhà lưới và chưa chú trọng đầu tư vào mô hình trồng rau trong nhà lưới.

Theo ông Trần Quang Lâm - Trưởng phòng Kinh tế UBND Thành phố Vinh:  TP  đã có nhiều chương trình, dự án, mô hình đầu tư hỗ trợ sản xuất nông - ngư nghiệp hàng hóa. Trong đó ưu tiên cho chương trình sản xuất mở rộng và phát triển vùng sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGap và tiêu thụ sản phẩm nhưng hiệu quả đạt được chưa cao.

Nguyên nhân là do các mô hình, chương trình chưa tính đến hiệu quả kinh tế theo định hướng thị trường và chưa tính đến khả thi khi người dân tách khỏi sự hỗ trợ của Nhà nước.

Từ đó dẫn đến mô hình sử dụng vốn ngân sách có sẵn không thực sự đặt ra mục đích hiệu quả kinh doanh gắn liền với hiệu quả đầu tư, nếu có đặt ra thì  cũng chưa tính đến khả năng đảm bảo của từng nông dân cá thể.

Riêng đối với mô hình sản xuất trong nhà lưới, người dân vẫn chưa chịu khó, chưa đầu tư dày công thực hiện đúng quy trình kỹ thuật canh tác; còn thiếu năng động, nhạy bén trong việc ứng dụng và tìm kiếm các loại rau, củ quả thị trường cần ở từng thời điểm, từng mùa vụ, người dân còn mang tư tưởng độc canh…

Hiện nay, một số hộ dân ở xóm 3, xã Nghi Liên, như hộ anh Nguyễn Đình Kỳ, anh Nguyễn Bá Đức, anh Nguyễn Văn Cầu… năng động trồng các chủng loại rau quả, áp dụng đúng kỹ thuật sản xuất trong nhà lưới, quan tâm đầu tư hệ thống chiếu sáng, tưới tiêu để có sản phẩm quanh năm, nhất là các loại rau trái vụ.

Trong tiêu thụ, họ tự tìm đến khách hàng riêng như các trường học, nhà hàng, khách sạn và đảm bảo cho khách hàng về chất lượng cũng như độ tin cậy về sản phẩm. Chỉ trong diện tích 500m2 nhà lưới, một tháng họ đã có thể thu hoạch được 4 - 5  triệu đồng…

Để tháo gỡ những khó khăn và mở ra hướng phát triển cho rau an toàn, Thành phố Vinh đã xây dựng đề án Phát triển bền vững các vùng rau an toàn, có tính đến năm 2017.

Mục tiêu đề án đến tháng 6/2017 sẽ tạo ra vùng sản xuất RAT ổn định theo hướng VietGAP có quy mô tối thiểu 50ha trên địa bàn 4 xã vùng triển khai đề án, đảm bảo bao tiêu toàn bộ hàng hóa sản xuất với đầy đủ hệ thống sơ chế, chế biến, bảo quản và phân phối; xây dựng thành công thương hiệu “Rau an toàn Thành phố Vinh” được người tiêu dùng chấp thuận và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 7,5 tỷ đồng, trong đó nguồn huy động từ dân là gần 5 tỷ đồng.

Mặc dù đề án được kỳ vọng rất lớn trong đẩy mạnh phát triển bền vững rau an toàn của TP. Vinh, song thách thức đặt ra để đề án thành công không phải ít, nếu TP. Vinh không tìm ra được nguyên nhân thất bại của những lần đầu tư trước và có giải pháp khắc phục.


Có thể bạn quan tâm

Lợi Ích Kép Từ Trồng Rau An Toàn Lợi Ích Kép Từ Trồng Rau An Toàn

Trồng rau an toàn khác với cách làm truyền thống. Để nông dân trồng rau đạt chất lượng, Hội ND xã Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) đã phối hợp với trung tâm dạy nghề huyện mở lớp trồng rau an toàn, quảng bá sản phẩm…

22/02/2014
Chị Nguyễn Thị Năm, Tỷ Phú Nuôi Dê, Cừu Trên Đồng Đất Quán Thẻ Chị Nguyễn Thị Năm, Tỷ Phú Nuôi Dê, Cừu Trên Đồng Đất Quán Thẻ

Hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi dê, cừu với bao vất vả, thăng trầm, đến nay chị Nguyễn Thị Năm, thôn Quán Thẻ 1 (xã Phước Minh, Thuận Nam) đã xây dựng cho mình trang trại nuôi cừu, với tổng đàn lên đến 1.000 con. Lợi nhuận hàng năm từ chăn nuôi cừu đã giúp chị trở thành một trong số ít phụ nữ giàu có trên đồng đất Quán Thẻ.

20/03/2014
Cá Tra Việt Nam Vào ASEAN Tiếp Tục Tăng Cá Tra Việt Nam Vào ASEAN Tiếp Tục Tăng

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), ASEAN được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng về nhập khẩu cá tra của Việt Nam trong những năm gần đây.

22/02/2014
Anh Phạm Vĩnh Phúc Trúng Mùa Tôm Thẻ Chân Trắng Anh Phạm Vĩnh Phúc Trúng Mùa Tôm Thẻ Chân Trắng

Đầu tháng 12-2013, anh Phạm Vĩnh Phúc 52 tuổi ở thôn Sơn Hải1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) đầu tư 200 triệu đồng nuôi 2 sào tôm thẻ chân trắng.

20/03/2014
Kiếm Tiền Tỷ Từ Nuôi Con Đặc Sản Kiếm Tiền Tỷ Từ Nuôi Con Đặc Sản

Hơn 20 năm về trước, khi nghề nuôi con đặc sản còn chưa phổ biến thì ông Vũ Cao Thăng ở xóm 2, xã Ân Hòa (Kim Sơn, Ninh Bình) đã mạnh dạn nuôi ếch da xanh, cá sấu, tắc kè…

22/02/2014