Chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ trong nuôi trồng thuỷ sản

Theo báo cáo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có 1.392,44ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ngập lụt, 946 lồng bè nuôi cá biển và nhuyễn thể bị ảnh hưởng. Ước thiệt hại lên tới hơn 150 tỷ đồng.
Đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra tình hình thiệt hại trong nuôi trồng thuỷ sản tại xã Bản Sen (Vân Đồn).
Trước những diễn biến về tình hình mưa lũ, Sở NN&PTNT đã chủ động kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi trồng thuỷ sản khắc phục bị thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các địa phương.
Cùng với đó, ngành đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản khu vực miền Bắc kiểm tra môi trường một số vùng nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trong việc khắc phục môi trường, khôi phục sản xuất thuỷ sản sau mưa lũ và nuôi trồng thuỷ sản vụ 2 năm 2015.
Đến nay, đa số các diện tích bị thiệt hại tại các địa phương Vân Đồn, Đông Triều, Uông Bí, Móng Cái… đã được người dân tiến hành cải tạo, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, vệ sinh môi trường ao nuôi, vùng nuôi để đầu tư sản xuất trở lại.
Cụ thể ở Hạ Long có 137,32ha nuôi cá nước ngọt, nuôi tôm bị ngập lụt, thành phố đã kịp thời hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, sửa chữa ao đầm, bãi nuôi và lồng nuôi trồng thuỷ sản để khôi phục sản xuất. Huyện Vân Đồn có 300ha và 946 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, trong đó xã Bản Sen 800 bè nuôi hàu, xã Thắng Lợi 71 bè cá, xã Hạ Long 75 bè hàu.
Huyện đã hỗ trợ giống để bà con khôi phục sản xuất với mức 500 dây hàu giống/lồng nuôi, tối đa 1 bè/hộ. Đối với ngao giá, hỗ trợ con giống 60 con giống/lồng nuôi, tối đa 500 lồng/hộ. Sau khi môi trường ổn định trở lại người dân đã tiến hành cải tạo môi trường, dụng cụ nuôi và thả giống nhuyễn thể ở hầu hết các diện tích bị thiệt hại.
Riêng khu vực bị thiệt hại nặng tại xã Bản Sen, diện tích khoảng 500ha mặt nước, huyện đang tiếp tục theo dõi sát các thông số môi trường đến khi ổn định trở lại sẽ tiếp tục khuyến cáo người nuôi thả giống. Huyện Đông Triều có 202,31ha nuôi thuỷ sản bị ngập lụt.
Huyện đã rà soát, thống kê cụ thể các mức thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn, tổ chức hỗ trợ nhân dân bị thiệt hại đảm bảo công khai, kịp thời, đầy đủ, đảm bảo kê khai đúng đối tượng bị thiên tai. Chỉ đạo các trạm bơm tiêu úng và khơi thông mương máng, khắc phục ngập úng.
Hướng dẫn hộ nuôi vệ sinh vùng nuôi, ao nuôi để phục hồi sản xuất và hạn chế bệnh dịch. Một số diện tích ao nuôi cá nước ngọt bị ngập hoàn toàn, hiện nay người dân đang cải tạo và thả giống lại (diện tích khoảng 50ha) dự kiến thả giống xong trước 15-9.
TP Cẩm Phả có 95,42ha nuôi cá nước ngọt và nuôi tôm bị ngập lụt, thành phố đã thành lập hội đồng hỗ trợ khắc phục hậu quả và các tổ triển khai kịp thời hỗ trợ đúng đối tượng, đúng quy định.
Theo đó, đối với nuôi cá nước ngọt hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/ha và tối đa 30 triệu đồng/ha đối với nuôi cá nước ngọt và nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến nay, số diện tích bị thiệt hại đang được người dân cải tạo và đưa vào sản xuất trở lại với trên 20 ha nuôi tôm đã được thả giống.
Hiện nay, bà con nông dân nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh vẫn đang chủ động cải tạo ao đầm, khôi phục lại sản xuất. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ đối với người dân bị thiệt hại về thuỷ sản vẫn còn chậm. Ông Vương Văn Oanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản cho biết:
Cùng với việc kiểm tra, hướng dẫn bà con nông dân về biện pháp kỹ thuật để khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất, Sở NN&PTNT đã có công văn đề nghị các cơ sở, đơn vị cung ứng giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh tập trung sản xuất giống cũng như hạ giá bán để hỗ trợ cho người nuôi.
Căn cứ điều kiện thực tế và chia sẻ khó khăn với người nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại nhưng không đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ theo chính sách quy định của tỉnh (trong đó có điều kiện người nuôi thuỷ sản phải có hoá đơn, chứng từ khi mua giống thuỷ sản), Sở NN&PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh xin chủ trương hỗ trợ.
Đến nay, ngành đã xây dựng xong dự thảo hướng dẫn, trình tự, thủ tục hồ sơ và phương pháp đánh giá xác định thiệt hại trong nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại do mưa lớn trên địa bàn tỉnh năm 2015 và gửi Sở Tài chính tổng hợp. Tuy nhiên, đến thời điểm này việc hỗ trợ người dân bị thiệt hại về thuỷ sản vẫn chưa được triển khai.
Để tạo điều kiện cho các hộ nuôi trồng thuỷ sản ổn định sản xuất, đề nghị các cơ quan, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua.
Có thể bạn quan tâm

Cụ thể, tổng hạn ngạch năm 2015 của thóc và gạo các loại là 70.000 tấn quy gạo (Tỷ lệ quy gạo: 2 thóc = 1,2 gạo). Lá và cọng thuốc lá có tổng hạn ngạch là 3.000 tấn, trong đó gồm: Lá thuốc lá chưa tước cọng loại Virginia đã sấy bằng không khí nóng; lá thuốc lá chưa tước cọng, loại Virginia chưa sấy bằng không khí nóng; lá thuốc lá chưa tước cọng, loại Burley...

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, trong tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, tại nhiều nhà máy chế biến điều công nhân chưa tập trung đầy đủ nên dự kiến phải từ tuần đầu tháng 3-2015 mọi giao dịch mới bắt đầu bình thường trở lại, về phía người mua cũng trong tâm lý quan sát và chờ đợi.

Bà Lê Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết: “Năm nay, xã Hiệp An có khoảng 50 ha hoa lay-ơn bị nở sớm, không thu hoạch được. Nguyên nhân của việc này là do thời tiết không thuận lợi. Còn hoa lay-ơn liên tục bị rớt giá là do năm nay bà con tại xã xuống giống quá nhiều khiến “cung vượt cầu”.

Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,87 tỷ USD, giảm 5,3%; giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt 907 triệu USD, giảm 9,4%, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1.046 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, tại vùng biển miền Trung như Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên đến các vùng biển Nam Bộ như Kiên Giang, Cà Mau… ngư dân phấn khởi khi trúng đậm mùa tôm, cá biển. Thêm vào đó, một số loại hải sản được giá như: Cá cơm, cá nục, cá thu, cá ngừ, tôm, nhuyên thể…giúp các tàu đánh bắt tăng thêm thu nhập.