Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn nuôi an toàn sinh học

Chăn nuôi an toàn sinh học
Ngày đăng: 21/08/2015

Để thực hiện tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học, cần thực hiện các biện pháp kỹ thuật như sau:

1. Cách ly:

Là khoảng cách cần thiết giữa cơ sở chăn nuôi với khu dân cư, đường giao thông, chợ...; khoảng cách giữa các chuồng nuôi, các khu chăn nuôi, nhà chứa thức ăn, khu tiêu hủy phân....

a. Địa điểm:

- Vị trí xây dựng chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương và điều kiện thực tế của từng hộ.

- Cách xa đường giao thông, khu dân cư, công nghiệp, công sở, trường học, khu chế biến sản phẩm chăn nuôi, bệnh viện, khu chăn nuôi khác, xa hệ thống kênh mương thoát nước thải của khu vực theo quy định hiện hành. Cụ thể, cách khu dân cư tối thiểu 500m; cách đường quốc lộ 1.000m; cách chợ 3.000m.

- Ở cuối và cách xa nơi ở và nguồn nước sinh hoạt của con người, có đủ nước sạch cung cấp cho chăn nuôi.

- Khu xử lý phân và nước thải, rác thải cần cách xa chuồng nuôi và nguồn nước sinh hoạt.

b. Vành đai thú y: phải có hàng rào bao quanh khu chăn nuôi nhằm ngăn cách khu chăn nuôi với khu vực xung quanh, qua đó tránh được khách tham quan và động vật vào khu vực chăn nuôi.

c. Khu vực chăn nuôi: Có các khu vực chăn nuôi riêng lẻ từng lứa tuổi gia súc nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan từ đàn này sang đàn khác.

2. Giám sát vệ sinh thú y

a. Cổng ra vào khu vực chăn nuôi: Phải có hố sát trùng ở cửa ra vào chuồng nuôi. Tất cả người và phương tiện đi lại khi vào khu vực chăn nuôi đều phải qua hố sát trùng. Thường xuyên thay thuốc sát trùng của hố khử trùng ở cổng ra vào ít nhất 1 ngày/lần.Việc thay mới bao gồm loại bỏ thuốc sát trùng cũ, làm sạch hố sát trùng rồi mới cho chất sát trùng mới vào.

b. Nhà sát trùng thay quần áo bảo hộ: Nên có phòng thay quần áo, sát trùng và nhà tắm cho công nhân và người ra vào khu vực chăn nuôi. Tuy nhiên, phải hạn chế khách tham quan để tránh lây lan mầm bệnh.

c. Vệ sinh thức ăn: Nơi chế biến, bảo quản thức ăn phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, hàng tuần phải được khử trùng và diệt côn trùng...

d. Vệ sinh nước uống: Nguồn nước cho gia súc uống phải đảm bảo sạch sẽ, hợp vệ sinh và phải được kiểm tra định kỳ...

đ. Vệ sinh chuồng trại, trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn thả:

- Hàng ngày phải vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi và chuồng nuôi; định kỳ (1 tuần/lần) tổng tẩy uế khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc thuốc sát trùng. Sử dụng chế phẩm sinh học (BEST CLEAN) phun xịt xung quanh chuồng nuôi để khử mùi chuồng trại hoặc ủ phân nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Có thể bổ sung các chế phẩm vi sinh (NUTRI BESTZYME) vào thức ăn, nước uống để giảm mùi hôi của phân và nước tiểu.

- Sau mỗi đợt nuôi phải cọ rửa nền chuồng, máng ăn, máng uống, dụng cụ chăn nuôi; quét vôi tường, nền chuồng; rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, hệ thống cống rãnh và phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng, dụng cụ chăn nuôi trước khi nuôi mới. Có thể sử dụng 2 nhóm thuốc sát trùng như sau: Nhóm thuốc phun trực tiếp vào vật nuôi, vào kho thức ăn và dụng cụ chăn nuôi như: Virkon S, Iodine, TH4 có phổ diệt khuẩn rộng, độ an toàn cao. Nhóm thuốc phun gián tiếp, sát trùng lối đi nơi xử lý xác heo chết, nơi chứa phân, rác như: Longlife, Farm Fluids, Formol.

3. Chuồng nuôi: phải thông thoáng tự nhiên, trên nền đất cao ráo, sạch sẽ. Xung quanh chuồng có rèm che mưa, nắng, gió.

4. Thức ăn: phải đảm bảo đủ dinh dưỡng phù hợp với từng giống, từng giai đoạn nuôi. Thức ăn phải được bảo quản nơi khô ráo, sạch sẽ; bảo đảm không bị ẩm mốc, quá hạn sử dụng, nhiễm khuẩn, độc tố...

5. Đối với gia súc:

- Gia súc đưa vào trại phải khỏe mạnh, được nhập từ cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh (có giấy chứng nhận kiểm dịch đầy đủ), được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin, cho uống thuốc phòng bệnh đúng lịch.

- Gia súc mới mua về trước khi nhập đàn phải nuôi cách ly và theo dõi ít nhất 3 tuần.

6. Đối với phương tiện vận chuyển:

- Bố trí phương tiện vận chuyển nội bộ riêng trong trại.

- Các xe vận chuyển trước khi vào trại phải phun thuốc khử trùng.

7. Đối với dụng cụ chăn nuôi: Mỗi khu vực nuôi phải có dụng cụ riêng, nếu luân chuyển thì dụng cụ phải được vệ sinh và khử trùng.

8. Công tác xử lý khi có dịch bệnh:

- Khi có gia súc chết hoặc chết hàng loạt phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y biết để xử lý kịp thời.

- Không bán chạy gia súc bệnh; Không vứt xác gia súc bừa bãi ra khu vực ao hồ xung quanh trại; Không ăn thịt gia súc bệnh.

- Cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc và sản phẩm gia súc khi có dịch.

- Bao vây, khống chế, tiêu hủy xác gia súc chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm bằng cách chôn, đốt theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

- Vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh ổ dịch bằng vôi bột hoặc hóa chất.

- Tiêm phòng cho toàn bộ gia súc xung quanh vùng có dịch.


Có thể bạn quan tâm

Rơm Rạ Thành Phân Bón Rơm Rạ Thành Phân Bón

Hỗ trợ nông dân (ND) xử lý rơm rạ tươi thành phân bón hữu cơ là chương trình được Hội Nông dân huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) thực hiện từ 2 năm nay.

22/02/2014
Ào Ạt Xây Trại Gà Cho Thuê Ào Ạt Xây Trại Gà Cho Thuê

Gần 3 năm nay giá gà thịt bấp bênh, dịch bệnh lại luôn đe dọa nên một số chủ trang trại không còn vốn để “liều”. Ngày càng nhiều chủ trang trại gà chọn giải pháp cho thuê chuồng trại hoặc nuôi gia công.

20/03/2014
Trồng Cam “Rinh” Được Cả Ô Tô Trồng Cam “Rinh” Được Cả Ô Tô

Ông Tạ Đình Đào - người mua được xe ô tô nhờ cây cam, phấn khởi cho hay, vụ cam năm ngoái, ông trúng đậm vì cam được mùa, được giá, đã bỏ ra 1,3 tỷ đồng mua xe Camry 2.4 làm phương tiện đi lại.

22/02/2014
Tái Đàn Chăn Nuôi Phải Chú Ý Phòng Chống Dịch Tái Đàn Chăn Nuôi Phải Chú Ý Phòng Chống Dịch

Chiều 18/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm tiếp tục họp giao ban công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên cả nước.

20/03/2014
Cà Chua Quả Cà Chua Quả "Khủng" Ở Lạc Dương (Lâm Đồng)

Gia đình bà Phạm Thị Thu Cúc, thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đang đưa ra thị trường loại cà chua có kích cỡ “khủng” chưa từng có từ trước tới nay tại Đà Lạt.

20/03/2014