Chủ Động Bảo Vệ Thuỷ Sản
Thực tế cho thấy, trong đợt rét đậm, rét hại của những năm trước, một số hộ nuôi cá trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có kinh nghiệm chống rét hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng có những hộ do chủ quan đã bị thiệt hại không nhỏ. Vì vậy, chống rét cho thuỷ sản cần được cơ quan chuyên môn và người dân quan tâm.
Những cách làm hay
Thời điểm này, tại xã Hoàng Lương (Hiệp Hoà), nông dân đang tất bật chuyển cá bố mẹ, cá giống từ ao nuôi ngoài đồng vào ao và bể trong nhà để tránh rét. Toàn xã có 800 hộ làm cá giống trên tổng diện tích hơn 100 ha, mỗi năm cung cấp hàng triệu cá giống các loại cho người dân trong tỉnh và một số tỉnh khác như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh.
Anh Nguyễn Văn Nhật, thôn Thanh Lâm cho biết: "Hơn 10 năm nuôi cá giống, trong đó có một năm tôi chủ quan khi nhiệt độ xuống thấp nên đàn cá bố mẹ bị chết, thiệt hại lớn. Vì vậy, 3 năm gần đây, tôi xây bể cá trong nhà, lợp mái chắn gió để nuôi cá trong mùa đông.
Mỗi ngày bơm nước giếng khoan vào bể từ 1-2 lần để giữ ấm và cung cấp oxy; cho cá ăn tăng lượng thức ăn tinh, bảo đảm dinh dưỡng để cá chịu rét tốt”. Theo anh Nhật thì biện pháp này tuy đầu tư tốn kém và mất công nhưng nhờ vậy mà đàn cá ít bệnh, khoẻ mạnh trong những ngày giá rét. Với hơn một mẫu ao, gia đình anh xuất bán hàng triệu cá giống mỗi năm.
Được biết, những năm trước nhờ kinh nghiệm chống rét, bảo vệ đàn cá an toàn qua mùa đông nên nông dân Hoàng Lương luôn bán được giá cá giống cao ở vụ nuôi năm sau do thị trường khan hiếm nguồn giống. Bởi thế, trong xã có hàng trăm hộ thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.
Cùng với người nuôi cá giống, những hộ nuôi cá thương phẩm thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hoà) cũng đang tất bật bảo vệ đàn cá để thu hoạch vào cuối năm. Trên diện tích mặt nước 20 ha, gia đình ông Phạm Văn Chép chia làm 7 ao nuôi thâm canh nhiều loại cá như rô phi đơn tính, chim trắng, trê, chép lai. Sản lượng đạt gần 100 tấn mỗi năm. Từ đầu năm đến nay, gia đình ông đã thu được một nửa. Dự kiến lứa cá còn lại sẽ thu hoạch trước Tết.
Để bảo đảm đàn cá sinh trưởng tốt, ông dành riêng một ao rộng hơn 1 ha, sâu 3 m để dồn cá khi nhiệt độ xuống thấp, vận hành thường xuyên hai máy sục khí trong nước. Ông Chép cho biết: "Hai năm trước, cá đến kỳ thu hoạch nhưng tôi nấn ná đợi giá lên mới thu. Ai dè, rét đậm rét hại xảy ra đã khiến hơn 4 tấn cá bị chết, thất thu hơn 100 triệu đồng. Rút kinh nghiệm, ngay từ khi thả tôi chọn giống có kích cỡ đủ lớn để bảo đảm được thu trước tiết rét đậm, rét hại”.
Khắc phục bệnh chủ quan
Toàn tỉnh hiện có hơn 12 nghìn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi thâm canh khoảng 3 nghìn ha, tập trung ở Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng. Theo Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), mùa đông năm ngoái mặc dù nhiệt độ ấm hơn nhưng một số nơi cá vẫn bị chết rét, nhất là cá chim trắng. Thời gian tới, theo dự báo miền Bắc còn có nhiều đợt rét đậm, rét hại. Đợt rét đậm đầu tiên trong năm chưa có dấu hiệu chấm dứt, có nguy cơ cao gây thiệt hại và bất lợi cho sự sinh trưởng của cá.
Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì nhiều nơi trong tỉnh như Song Mai (TP Bắc Giang), Xuân Hương (Lạng Giang), người dân vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm chống rét cho thuỷ sản vì cho rằng rét thế này "chưa ăn nhằm gì”. Một số người có tâm lý "được ăn cả, ngã về không” hoặc đánh bắt cá "non” để tránh rét. Đơn cử, vụ rét năm 2012, gia đình ông Nguyễn Văn N, thôn Bùi, xã Song Mai (TP Bắc Giang) đã bị chết hơn 1 tấn cá chim trắng, thế nhưng hiện nay, khi nhiệt độ xuống thấp ông vẫn không áp dụng biện pháp nào để chống rét dù trong ao còn nhiều cá sắp thu hoạch.
Để phòng chống rét cho cá, Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã khuyến cáo đến người dân và các cơ sở, đơn vị sản xuất cá giống. Theo đó, ao nuôi cá chống rét cần bảo đảm độ sâu và mực nước ổn định từ 2 m trở lên; phủ bèo tây 1/3-1/2 diện tích mặt ao về hướng đông bắc, căng bạt trên bề mặt ao; dìm các sọt hoặc bó rơm rạ ở dưới đáy ao để cá trú ẩn, tránh rét… Ngày nắng ấm nhiệt độ hơn 20 độ C tranh thủ cho cá ăn thức ăn tinh trộn với vitamin C để tăng sức đề kháng. Không đánh bắt cá trong những ngày trời quá lạnh.
“Trong mùa đông, cá tăng trọng kém, giảm khả năng kháng bệnh nên ngoài chống rét cần bảo đảm khẩu phần ăn cho cá, thường xuyên khử độc tố trong ao, làm sạch môi trường nước để phòng bệnh” - Ông Đoàn Bá Thiêm, Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản.
Có thể bạn quan tâm
Vụ Hè Thu năm nay, được sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình thâm canh lúa cải tiến tại các địa phương trong tỉnh, kết quả rất khả quan.
Trong 2 ngày (21và 22-8), Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Pleiku tổ chức thả trên 116 ngàn con cá giống ra hồ B công trình thủy lợi Biển Hồ, thuộc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai.
Vào đầu tháng 7 (âm lịch) hằng năm, nhiều nông dân lâu nay quen sản xuất 2 lúa kết hợp 1 vụ cá hoặc những nơi vùng đất trũng không thể sạ lúa vụ 3 (Thu đông) lại bắt đầu thả nuôi cá trên ruộng lúa, nhằm kiếm thêm nguồn thu nhập trong những tháng mùa nước nổi.
Người chăn nuôi gia cầm đang phải chịu nhiều rủi ro vì giá thức ăn, dịch bệnh, đầu ra cho sản phẩm… Để tránh những rủi ro này, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ngày càng nhiều hộ gia đình chuyển hướng sang chăn nuôi gia công cho DN trong và ngoài nước. Đây đang là mô hình chăn nuôi ít rủi ro do được bao tiêu sản phẩm.
Từ kết quả này, trong thời gian tới, Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản Phú Yên tiếp tục thả nuôi nhiều đối tượng thủy sản nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại đầm Ô Loan nhằm góp phần cải thiện môi trường sinh thái và ổn định sinh kế cho người dân 5 xã sống quanh đầm.