Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chủ Động Bảo Vệ Thuỷ Sản

Chủ Động Bảo Vệ Thuỷ Sản
Publish date: Wednesday. December 25th, 2013

Thực tế cho thấy, trong đợt rét đậm, rét hại của những năm trước, một số hộ nuôi cá trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có kinh nghiệm chống rét hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng có những hộ do chủ quan đã bị thiệt hại không nhỏ. Vì vậy, chống rét cho thuỷ sản cần được cơ quan chuyên môn và người dân quan tâm.

Những cách làm hay

Thời điểm này, tại xã Hoàng Lương (Hiệp Hoà), nông dân đang tất bật chuyển cá bố mẹ, cá giống từ ao nuôi ngoài đồng vào ao và bể trong nhà để tránh rét. Toàn xã có 800 hộ làm cá giống trên tổng diện tích hơn 100 ha, mỗi năm cung cấp hàng triệu cá giống các loại cho người dân trong tỉnh và một số tỉnh khác như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Ninh.

Anh Nguyễn Văn Nhật, thôn Thanh Lâm cho biết: "Hơn 10 năm nuôi cá giống, trong đó có một năm tôi chủ quan khi nhiệt độ xuống thấp nên đàn cá bố mẹ bị chết, thiệt hại lớn. Vì vậy, 3 năm gần đây, tôi xây bể cá trong nhà, lợp mái chắn gió để nuôi cá trong mùa đông.

Mỗi ngày bơm nước giếng khoan vào bể từ 1-2 lần để giữ ấm và cung cấp oxy; cho cá ăn tăng lượng thức ăn tinh, bảo đảm dinh dưỡng để cá chịu rét tốt”. Theo anh Nhật thì biện pháp này tuy đầu tư tốn kém và mất công nhưng nhờ vậy mà đàn cá ít bệnh, khoẻ mạnh trong những ngày giá rét. Với hơn một mẫu ao, gia đình anh xuất bán hàng triệu cá giống mỗi năm.

Được biết, những năm trước nhờ kinh nghiệm chống rét, bảo vệ đàn cá an toàn qua mùa đông nên nông dân Hoàng Lương luôn bán được giá cá giống cao ở vụ nuôi năm sau do thị trường khan hiếm nguồn giống. Bởi thế, trong xã có hàng trăm hộ thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm.

Cùng với người nuôi cá giống, những hộ nuôi cá thương phẩm thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hoà) cũng đang tất bật bảo vệ đàn cá để thu hoạch vào cuối năm. Trên diện tích mặt nước 20 ha, gia đình ông Phạm Văn Chép chia làm 7 ao nuôi thâm canh nhiều loại cá như rô phi đơn tính, chim trắng, trê, chép lai. Sản lượng đạt gần 100 tấn mỗi năm. Từ đầu năm đến nay, gia đình ông đã thu được một nửa. Dự kiến lứa cá còn lại sẽ thu hoạch trước Tết.

Để bảo đảm đàn cá sinh trưởng tốt, ông dành riêng một ao rộng hơn 1 ha, sâu 3 m để dồn cá khi nhiệt độ xuống thấp, vận hành thường xuyên hai máy sục khí trong nước. Ông Chép cho biết: "Hai năm trước, cá đến kỳ thu hoạch nhưng tôi nấn ná đợi giá lên mới thu. Ai dè, rét đậm rét hại xảy ra đã khiến hơn 4 tấn cá bị chết, thất thu hơn 100 triệu đồng. Rút kinh nghiệm, ngay từ khi thả tôi chọn giống có kích cỡ đủ lớn để bảo đảm được thu trước tiết rét đậm, rét hại”.

Khắc phục bệnh chủ quan

Toàn tỉnh hiện có hơn 12 nghìn ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi thâm canh khoảng 3 nghìn ha, tập trung ở Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng. Theo Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), mùa đông năm ngoái mặc dù nhiệt độ ấm hơn nhưng một số nơi cá vẫn bị chết rét, nhất là cá chim trắng. Thời gian tới, theo dự báo miền Bắc còn có nhiều đợt rét đậm, rét hại. Đợt rét đậm đầu tiên trong năm chưa có dấu hiệu chấm dứt, có nguy cơ cao gây thiệt hại và bất lợi cho sự sinh trưởng của cá.

Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên thì nhiều nơi trong tỉnh như Song Mai (TP Bắc Giang), Xuân Hương (Lạng Giang), người dân vẫn còn chủ quan, chưa quan tâm chống rét cho thuỷ sản vì cho rằng rét thế này "chưa ăn nhằm gì”. Một số người có tâm lý "được ăn cả, ngã về không” hoặc đánh bắt cá "non” để tránh rét. Đơn cử, vụ rét năm 2012, gia đình ông Nguyễn Văn N, thôn Bùi, xã Song Mai (TP Bắc Giang) đã bị chết hơn 1 tấn cá chim trắng, thế nhưng hiện nay, khi nhiệt độ xuống thấp ông vẫn không áp dụng biện pháp nào để chống rét dù trong ao còn nhiều cá sắp thu hoạch.

Để phòng chống rét cho cá, Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã khuyến cáo đến người dân và các cơ sở, đơn vị sản xuất cá giống. Theo đó, ao nuôi cá chống rét cần bảo đảm độ sâu và mực nước ổn định từ 2 m trở lên; phủ bèo tây 1/3-1/2 diện tích mặt ao về hướng đông bắc, căng bạt trên bề mặt ao; dìm các sọt hoặc bó rơm rạ ở dưới đáy ao để cá trú ẩn, tránh rét… Ngày nắng ấm nhiệt độ hơn 20 độ C tranh thủ cho cá ăn thức ăn tinh trộn với vitamin C để tăng sức đề kháng. Không đánh bắt cá trong những ngày trời quá lạnh.

“Trong mùa đông, cá tăng trọng kém, giảm khả năng kháng bệnh nên ngoài chống rét cần bảo đảm khẩu phần ăn cho cá, thường xuyên khử độc tố trong ao, làm sạch môi trường nước để phòng bệnh” - Ông Đoàn Bá Thiêm, Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản.


Related news

Bất An Với Các “Lâu Đài” Dụ Yến Bất An Với Các “Lâu Đài” Dụ Yến

Bất chấp ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch cúm gia cầm, nhiều người ở ĐBSCL vẫn bỏ ra hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng, để xây nhà dụ chim yến giữa khu dân cư

Tuesday. February 11th, 2014
Ngành Chăn Nuôi Việt Nam Đổi Mới Để Tự Cứu Mình Ngành Chăn Nuôi Việt Nam Đổi Mới Để Tự Cứu Mình

Năm 2014 được dự báo là một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành chăn nuôi Việt Nam trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu với khu vực và thế giới. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải đẩy mạnh tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng sức cạnh tranh.

Tuesday. February 11th, 2014
Phát Sinh Ổ Dịch Lở Mồm Long Móng Phát Sinh Ổ Dịch Lở Mồm Long Móng

Tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), dịch lở mồm long móng type A đang xảy ra tại 12 xã của 3 huyện Trùng Khánh, Trà Lĩnh và Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng với 217 gia súc mắc bệnh.

Tuesday. February 11th, 2014
Cấp Cho Người Dân Hơn 600 Con Gia Súc Và 3.000 Con Gia Cầm Cấp Cho Người Dân Hơn 600 Con Gia Súc Và 3.000 Con Gia Cầm

Đã có hơn 600 hộ dân tại 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhận được con giống hỗ trợ. Đối tượng được nhận con giống lần này là các hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ có điều kiện chăn nuôi ở vùng đặc biệt khó khan.

Tuesday. February 11th, 2014
Heo Hơi Giảm Giá Heo Hơi Giảm Giá

Tin từ các các chủ trại nuôi heo trên địa bàn huyện Long Thành (Đồng Nai) cho biết, so với thời điểm giáp tết, giá heo hơi bán tại trại đã giảm từ 5 triệu đồng/tạ xuống còn 4,9 triệu đồng/tạ.

Tuesday. February 11th, 2014