Chống Rét Cho Lúa Đông Xuân
Toàn tỉnh hiện gieo cấy được hơn 7.500ha lúa đông xuân, đạt trên 90% tổng diện tích. Trước diễn biến thời tiết phức tạp, rét đậm rét hại có thể tiếp tục xảy ra, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, nhiều giải pháp chống rét cho lúa được chủ động triển khai thực hiện.
Ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Căn cứ điều kiện khí hậu từng tiểu vùng trong toàn tỉnh để ngành bố trí khung thời vụ phù hợp, đảm bảo cơ cấu giống để lúa trỗ an toàn, tránh nguy cơ mất mùa cục bộ. Việc áp dụng lịch gieo cấy đối với lúa gieo thẳng, trà xuân sớm bắt đầu từ 25 - 31/12/2014; xuân chính vụ gieo trong tháng 1/2015 và xuân muộn gieo trong tháng 2/2015.
Đối với lúa cấy (áp dụng cho các tiểu vùng có khí hậu lạnh), gieo mạ có che phủ ni lông vào đầu tháng 1/2015, cấy đầu tháng 2/2015 khi mạ được 3 - 4 lá. Tuy nhiên, do tâm lý của người dân sốt ruột do đã hoàn thành các khâu làm đất, có giống nên không ít các hộ gieo sớm, dẫn đến diện tích lúa gieo sớm vụ này tăng khá cao so với các vụ trước, khoảng 900ha, trong đó tập trung ở huyện Tuần Giáo, Điện Biên...
Hiện lúa trà sớm trong giai đoạn sinh trưởng từ 3 - 4 lá, trà chính vụ đang trong giai đoạn mũi chông. Trong tháng 1 do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ xuống thấp kèm theo sương mù vào buổi sáng khiến các trà lúa gieo cấy sớm sinh trưởng, phát triển chậm hơn vì ảnh hưởng rét.
Huyện Điện Biên có diện tích lúa gieo cấy vụ đông xuân lớn nhất trong tỉnh với trên 4.700ha, đến thời điểm này nông dân trên địa bàn gieo cấy hơn 4.130ha, đạt 88% so với kế hoạch. Do đặc thù tiểu vùng khí hậu nên các xã: Mường Phăng, Pá Khoang, Nà Tấu và Nà Nhạn chưa gieo cấy.
Dự kiến, toàn huyện sẽ hoàn thành gieo cấy trước ngày 15/2. Các trà lúa gieo và cơ cấu giống tại các xã cơ bản bám sát quy trình chung của huyện, tuy nhiên một số xã: Thanh Nưa, Hua Thanh, Thanh Luông, Mường Pồn, Pa Thơm, Núa Ngam và Na Tông gieo cấy sớm (trước lịch chung của huyện 15 - 20 ngày) với hơn 170ha.
Ông Phạm Văn Kiên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm nhiều trà lúa gieo cấy trong toàn huyện bị chết và phát triển kém. Đợt rét đã giảm, nhiệt độ tăng lên nhưng dự báo sẽ có đợt không khí lạnh nữa tiếp tục.
Vì vậy, để nhanh chóng phục hồi các trà lúa vụ đông xuân, phòng đã phối hợp chính quyền địa phương, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp các xã chỉ đạo bà con chăm sóc các trà lúa; đồng thời tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăm bón giúp giữ ấm chân cây lúa.
Đối với các trà lúa gieo sớm tiến hành tỉa giặm, xới xáo làm cỏ sục bùn, chăm sóc, bón phân, tăng cường sử dụng phân hữu cơ hoai mục kết hợp với phân vô cơ để bón, đồng thời sử dụng các loại phân bón lá chuyên dùng để phun lên lá, giúp cho cây lúa phục hồi nhanh sau rét, tăng sức đề kháng để có thể vượt qua các đợt rét tiếp theo. Đối với diện tích mới gieo tăng cường bón thêm tro bếp để giữ ấm cho lúa.
Chị Nguyễn Thị Thủy, đội 11, xã Thanh An (huyện Điện Biên) cho biết: Vụ đông xuân năm nay gia đình tôi gieo hơn 3.000m2 lúa Bắc thơm số 7 trà chính vụ. Lúa đang giai đoạn mũi chông. Để giữ ấm cho lúa phát triển, những ngày rét gia đình tôi bón thêm tro bếp và tăng cường thêm phân chuồng hoai mục.
Chủ động chống rét cho lúa vụ đông xuân, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo bà con dẫn nước vào ruộng ngập 2/3 chiều cao của cây lúa vào 16 - 17 giờ hàng ngày và giữ mực nước cho đến 8 - 9 giờ sáng ngày hôm sau thì tháo cạn phơi mặt ruộng.
Tuy nhiên biện pháp này chỉ áp dụng trong những ngày có nắng, không áp dụng trong những ngày rét đậm, rét hại, trời âm u, không nắng. Còn đối với những ruộng gieo xong gặp rét nên dùng tro bếp hoặc dùng phân chuồng hoai mục trộn đều cùng phân vô cơ, lượng dùng cho 1.000m2 sử dụng từ 5 - 7kg lân supe, 3 - 5kg ka li với 100kg phân chuồng để bón cho lúa. Sau khi lúa gieo vãi được 3 - 4 lá tiến hành tỉa giặm, với khoảng cách cây cách cây 10 - 12cm hoặc mật độ từ 70 - 100 khóm/m2 (đối với các giống lúa thuần); khoảng cách cây cách cây 13 - 15cm (mật độ từ: 45 - 55 khóm/m2) đối với các giống lúa lai.
Tuy nhiên khi nhiệt độ dưới 150C không tỉa giặm và bón phân đạm, phân tổng hợp NPK cho lúa. Đối với diện tích gieo cấy sớm so với khung thời vụ, bà con nông dân cần tích cực thăm đồng để phát hiện kịp thời những diễn biến bất thường, sâu bệnh gây hại, thông báo cho ơ quan chức năng để có biện pháp theo dõi, xử lý.
Có thể bạn quan tâm
Sau buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi ếch thương phẩm tại xã Kim Long, huyện Châu Đức vào ngày 23/6/2015 vừa qua, chúng tôi có dịp tham quan mô hình nuôi ếch trong bể của hộ anh Ngô Văn Bài ở tổ 14, ấp Hưng Long, xã Kim Long.
Ngay từ đầu năm 2015, Quảng Xương (Thanh Hóa) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy hiệu quả khai thác, đầu tư mạnh cho phát triển hậu cần nghề cá; chỉ đạo các chủ đồng cải tạo đồng nuôi, tăng cường quản lý con giống, chuyển hướng theo hình thức nuôi đa con, đa thời vụ và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng và chế biến thủy sản, triển khai các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản; khuyến khích nâng cấp, cải tạo, đóng mới tàu khai thác xa bờ...
Những năm gần đây cua đồng trở thành món ăn ưa chuộng của người dân thành phố. Nhiều người dân các vùng quê Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… (Nghệ An) đổ xô đi bắt cua đồng và có khá nhiều điểm thu gom cua để đưa ra Hà Nội tiêu thụ.
Thông tin từ Sở Công thương TPHCM, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy hải sản Việt Nam sang các thị trường truyền thống như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ đang giảm mạnh.
Theo số liệu của của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhu cầu gỗ cứng của Trung Quốc không ngừng tăng, đặc biệt là gỗ cứng từ Mỹ.