Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vụ Lúa Hè Thu 2014 Những Điều Đọng Lại

Vụ Lúa Hè Thu 2014 Những Điều Đọng Lại
Ngày đăng: 12/09/2014

Bình diện chung toàn tỉnh, vụ sản xuất lúa hè thu 2014 thành công. Thế nhưng bên cạnh đó vẫn có những ưu phiền, nhất là khi một bộ phận nông dân bị thất bát, khiến niềm vui chưa được trọn vẹn…

Vụ hè thu này, nhiều hộ nông dân “bể bồ” lúa, khi ở Mộ Đức năng suất bình quân ước 64 tạ/ha, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành 63 tạ/ha…Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui chung thì nông dân một số địa phương cũng có những nỗi buồn riêng. Ấy là nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang vì thiếu nước hoặc sa bồi thủy phá do cơn lũ hồi giữa tháng 11.2013, nông dân “xé” quy trình kỹ thuật khiến kết quả sản xuất ở một số cánh đồng mẫu lớn (CĐML) không như mong đợi…

Nỗi buồn… thất thu

Trong khi nông dân trong huyện hồ hởi, phấn khởi vì lúa được mùa, thì bà con các thôn Phú Khương, Trũng Kè của xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) lại rầu lòng vì cả hai vụ đông xuân và hè thu, họ đều…bỏ ruộng! Lý do là vụ đông xuân, ruộng bị sa bồi thủy phá do trận lũ hồi giữa tháng 11.2013 gây ra nên không thể gieo sạ, đến vụ hè thu thì lại thiếu nước nên 62 ha trên cũng được… “nghỉ ngơi”. Điều này khiến bà con nông dân nơi đây, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Hrê ở thôn Trũng Kè đối mặt với nguy cơ thiếu ăn ngay trong mùa gặt. 

Dù không gieo sạ được nhưng xem ra, bà con ở Phú Khương, Trũng Kè vẫn còn “may mắn” hơn nông dân thôn Ruộng Vỡ và Trường Lệ vì họ chưa phải mất “cả công lẫn tiền”. Bởi dù gieo sạ được, nhưng hơn 18ha lúa ở hai thôn Ruộng Vỡ và Trường Lệ lại thiếu nước nên cháy nắng, mất trắng hoàn toàn. Thiệt hại này khiến bà con điêu đứng. Vì “chắt bóp mãi cây lúa mới lớn, đến khi gần được ăn thì bị khô hạn chỉ thu được rạ. Đúng là trời hại”, bà Đinh Thị Rơn, ngụ thôn Ruộng Vỡ nói như than.

Không riêng gì Hành Tín Tây mà vụ hè thu 2014, huyện Nghĩa Hành có gần 163ha diện tích ruộng ở các xã Hành Tín Đông, Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Minh… không gieo sạ được hoặc mất trắng hoàn toàn do thiếu nước. Vậy nên hiện giờ, khi nông dân các nơi trong tỉnh đang hồ hởi gặt, phơi cất lúa thì bà con các địa phương trên lại thấp thỏm lo…đói và mong nhận được sự hỗ trợ của cấp trên (chủ yếu là gạo) để đảm bảo cái ăn khi mùa mưa sắp tới.     

…và “xé” quy trình kỹ thuật

Thật ra, CĐML lúa là bước nối dài của kỹ thuật sản xuất IPM “3 giảm, 3 tăng” mà nhiều năm nay, bà con nông dân đã được ngành khuyến nông hướng dẫn và thực hiện. Nếu khác, có chăng chỉ là diện tích sản xuất tập trung lớn hơn, số hộ tham gia nhiều hơn.

Biết thế nhưng vụ hè thu vừa rồi, nhiều CĐML lúa lại chưa thật sự đạt được kết quả như mong đợi. Đó là tình trạng ruộng mô hình không đồng nhất (gieo sạ dày, mỏng) khiến nơi được lúa, chỗ ngã đổ; CĐML “lõm”-tức ngay giữa 15-20 ha lúa chung giống của CĐML lại lọt vào những đám ruộng…khác giống! Điều đáng nói là tình trạng này lại xảy ra tại những nơi đã từng được triển khai thí điểm sản xuất lúa theo mô hình IPM “3 giảm, 3 tăng” từ 3-4 năm về trước.

Do vậy, khi tham gia đánh giá kết quả những CĐML này, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh (TT) Lê Văn Việt thẳng thắn: “Rất nhiều nông dân khu vực đồng bằng khi tham gia sản xuất CĐML đã tự ý thêm giống, “xé” quy trình kỹ thuật, còn bà con khu vực miền núi thì “mình không biết mua giống này (VN121-PV) ở đâu chứ nếu biết, mình cũng thêm chứ giống cán bộ cấp… ít quá”. Nghe vậy, chúng tôi cũng hết cách. Chỉ buồn là không biết đến bao giờ, nông dân trong tỉnh mới tiến được đến sản xuất lúa hàng hóa”. 

Còn Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cũng không khỏi bất ngờ sau khi trực tiếp kiểm tra một số cánh đồng lúa mẫu của các địa phương. Đó là sự chênh lệch quá lớn về mật độ cây, sâu bệnh, tỷ lệ ngã đổ và năng suất lúa giữa các đám ruộng. “Điều này thể hiện “tay nghề” của từng hộ nông dân, bởi chung giống, cùng quy trình chăm sóc, rồi thổ nhưỡng ruộng cũng tương đối giống nhau nên không thể có chuyện lúa “vênh” nhiều đến thế”, ông Tô nhấn mạnh.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Cá Trong Ruộng Lúa, Mô Hình Làm Kinh Tế Cho Nông Dân Ít Vốn Nuôi Cá Trong Ruộng Lúa, Mô Hình Làm Kinh Tế Cho Nông Dân Ít Vốn

Nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Mô hình này đã được một số địa phương thực hiện theo tập quán cũ, tuy nhiên, chỉ khi các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng, hình thức nuôi cá-lúa mới thực sự phát huy hiệu quả.

19/07/2013
Ông Tư Đại Ba Ba Ở Mỹ Tú Ông Tư Đại Ba Ba Ở Mỹ Tú

Ông Hồ Văn Đại mà mọi người ở ấp Mương Khai, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) thường quen gọi ông với cái tên rất thân thiện là Tư Đại ba ba, ông là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, nhờ việc nuôi ba ba hiệu quả, đến nay ông đã có được một cơ ngơi đáng để nhiều người mơ ước.

19/07/2013
Vực Dậy Nghề Trồng Dâu Nuôi Tằm Vực Dậy Nghề Trồng Dâu Nuôi Tằm

Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của người dân Hoài Ân. Riêng ở xã Ân Hảo Đông (Bình Định), hiện có khoảng 90 ha dâu và gần 200 hộ nuôi tằm. Vài năm trở lại đây giá kén tằm ở mức cao, đặc biệt từ đầu năm 2013 đến nay kén tằm được mùa, được giá, nên người nuôi tằm rất phấn khởi.

20/07/2013
Nông Dân Thâm Canh Xoài Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Đạt Hiệu Quả Cao Nông Dân Thâm Canh Xoài Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Đạt Hiệu Quả Cao

Ban quản lý dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Bình Định vừa tổ chức tổng kết dự án: “Xây dựng mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với cây xoài Bình Định”.

20/07/2013
Rà Soát Để Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Rà Soát Để Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng

Tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), ngày 18.7 Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (DHNTB-TN).

20/07/2013