Nông Sản Được Giá
Nhà nông trồng khóm, bưởi Năm Roi ở đồng bằng sông Cửu Long những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9 đang tiếp tục thắng lớn vì trúng mùa, trúng giá.
Đi trên cánh đồng khóm Cầu Đúc ở xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang vào những ngày này, nhìn đâu cũng thấy nụ cười của người trồng khóm. Ông Vu Suổi, Chủ nhiệm Hợp tác xã trồng khóm Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, cho biết: Giá khóm tại rẫy được các thương lái thu mua dao động từ 5.500-6.300 đồng/trái (loại hơn 1kg/trái). Đây là mức giá kỷ lục từ trước đến nay.
Anh Vương Minh Bình, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, chia sẻ: “Từ xưa đến nay, người trồng khóm ở Hỏa Tiến này chưa từng bán được giá cao như năm nay. Mọi năm, giá khóm chỉ ở mức 3.000-3.500 đồng/trái. Còn năm nay, giá khóm ở mức cao suốt khoảng 1 tháng, đã làm cho nhiều người trồng khóm phấn khởi. Ngay lúc này, hộ nào có khóm thu hoạch sau khi trừ chi phí, thu lợi nhuận gần trăm triệu đồng/ha”.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang, cho biết, diện tích trồng khóm của tỉnh khoảng 1.680ha, năng suất trung bình 20-22 tấn/ha. Cây khóm Cầu Đúc đã nổi tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh vì trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, thịt vàng sậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn, ngọt thanh, thời gian bảo quản có thể từ 10-15 ngày.
Đặc biệt, đầu ra của trái khóm Cầu Đúc đang rất ổn định, là nhờ có ông Dương Văn Thanh, ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh vừa là chủ trang trại khóm Cầu Đúc trên 100ha, vừa là Doanh nghiệp tư nhân Dương Thanh thu mua khóm nguyên liệu bán cho các nhà máy chế biến ở Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh trên 15.000 tấn/năm.
Hiện tại, khóm Cầu Đúc đang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã và đang tạo thế đứng của thương hiệu khóm Cầu Đúc vươn xa. Cây khóm Cầu Đúc là cây trồng chủ lực giúp cho địa phương trong việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương, nâng cao thu nhập trong từng nông hộ.
Ông Phạm Văn Sừng, canh tác 10ha khóm ở xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước (Tiền Giang) cũng vui ra mặt khi 3 tuần trở lại đây giá khóm tại ruộng liên tục tăng mạnh từ mức dưới 2.000 đồng/kg lên hơn 6.000 đồng/kg (khóm loại 1). Với mức giá này, nhà nông thu hoạch khóm đạt năng suất 25 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, thu về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha.
Ông Sừng tâm sự: “Đây là mức giá cao nhất kể từ ngày tôi biết trồng khóm cho đến nay. Hy vọng mức giá này sẽ giữ ổn định trong một thời gian dài, thì người trồng khóm ở Tân Phước sẽ nhanh chóng thoát nghèo, làm giàu”.
Ông Huỳnh Văn Bườn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phước, cho biết: Tân Phước thuộc vùng Đồng Tháp Mười là vùng khóm chuyên canh của tỉnh Tiền Giang đã phát triển được trên 15.000ha, sản lượng trên 200.000 tấn trái/năm. Cây khóm đã nhiều năm bén rễ trên vùng đất nhiễm phèn, là nguồn nguyên liệu phục vụ cho tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.
Để xây dựng được vùng nguyên liệu khóm chuyên canh chủ lực trên Đồng Tháp Mười như hiện tại, thì trong nhiều năm qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã liên tục đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ cho việc rửa phèn, tháo úng, đê bao ngăn lũ... Nhờ vậy, cây khóm mới bám đất phát triển thành vùng chuyên canh, nông dân luôn học hỏi những tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất đạt năng suất và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho từng nông hộ.
Không chỉ cây khóm, mà người trồng bưởi Năm Roi ở Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang... cũng đang hốt bạc lớn với mùa bưởi nghịch vụ. Ông Võ Thanh Nam, canh tác hơn 5.000m2 bưởi Năm Roi ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang), cho biết: Thời điểm này là mùa nghịch của cây bưởi Năm Roi và giá cả đang đứng ở mức 20.000 đồng/kg loại 1,2kg trở lên; giá 15.000 đồng/kg loại 1kg trở lên. Mức giá này so với cùng kỳ năm trước là cao gấp đôi.
Ông Nguyễn Văn Măng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hậu Giang, cho biết: Đến nay, nhà vườn trong địa bàn tỉnh đã trồng được gần 3.000ha bưởi Năm Roi, sản lượng cung cấp thị trường hơn 31.000 tấn/năm. Tuy nhiên, giải pháp phát triển cây bưởi Năm Roi từ nay đến năm 2020 là sẽ ổn định ở mức khoảng 2.500ha. Theo đó, vùng chuyên trồng tập trung được ngành nông nghiệp quy hoạch ở huyện Châu Thành với 1.500ha và thị xã Ngã Bảy 500ha.
Sở dĩ bưởi Năm Roi đến thời điểm này vẫn giữ được giá cao là vào tháng 6-2014 vừa qua, cơ sở thu mua trái cây Hương Miền Tây ở xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) đã xuất khẩu 20 tấn bưởi Năm Roi sang Hà Lan.
Giá xuất khẩu tuy không cao và chỉ hơn 1 USD/kg, nhưng đã giải quyết được bài toán ứ đọng nguồn hàng, nên kìm được giá trong nước ổn định ở mức cao đến hôm nay. Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở Hương Miền Tây, cho hay: Việc cơ sở xuất khẩu 20 tấn bưởi Năm Roi là để giải quyết sản lượng thừa và cũng là giải pháp bình ổn giá trong nước.
Hiện tại, cơ sở đang lên kế hoạch liên kết với các HTX bưởi Năm Roi đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ở Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang tổ chức sản xuất để chủ động đủ nguồn nguyên liệu xuất khẩu. Mục tiêu của cơ sở là điều tiết thị trường sao cho giá bưởi Năm Roi đứng được mức 20.000 đồng/kg là cách giúp nhà vườn làm giàu.
Có thể bạn quan tâm
Đến thôn Dục Quang những ngày này, xe tải tấp nập chở đầy mía tím đi tiêu thụ. Anh Nguyễn Văn Thêm, một trong những chủ hộ có diện tích mía lớn trong thôn cho biết: “Trước đây, với 2 sào ruộng chân vàn cao, luôn thiếu nước, vợ chồng tôi cấy lúa nhưng thường mất mùa. Năm 2003, qua tìm hiểu và trồng thử nghiệm thấy cây mía tím phù hợp với đồng đất, cho hiệu quả kinh tế cao nên tôi quyết định chuyển hẳn sang trồng mía”.
SX nông nghiệp đang ghi nhận những tín hiệu vui trở lại sau thời gian dài ảm đạm. Sáu tháng đầu năm 2014, SX nông nghiệp khá thuận lợi khi không có thiên tai, dịch bệnh, toàn ngành chỉ có mối lo lớn là tiêu thụ nông sản.
Tham gia dự án có 19 hộ, mỗi hộ được vay gần 30 triệu đồng trong hai năm, mức phí 0,7%/tháng (8,4%/năm) và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến nay, Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương đã giải ngân được 22 lượt dự án với tổng số quỹ gần 10 tỷ đồng, giúp hàng trăm hội viên có thêm vốn phát triển sản xuất.
Vụ thu hoạch cà phê của Việt Nam không được như kỳ vọng có thể đẩy giá cà phê thế giới tăng cao do mức thâm hụt cà phê trên toàn thế giới lớn nhất 9 năm.
Bộ NN-PTNT vừa nhận được thông tin, phía Trung Quốc đang muốn tăng cường giám sát hoạt động xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Thậm chí từ nay đến hết năm, một số cửa khẩu có thể phải đóng cửa một thời gian để họ chấn chỉnh lại các quy định.