Chiêm Hóa (Tuyên Quang) phát triển chăn nuôi thủy sản
Chiêm Hóa đã có nhiều chính sách đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm khai thác, sử dụng tốt tiềm năng mặt nước góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chiêm Hóa, toàn huyện hiện có trên 930 ha mặt nước. Nuôi thủy sản ở ao hồ đã gắn bó với bà con nhân dân trên địa bàn huyện từ nhiều năm nay, đối tượng nuôi là các loài cá truyền thống như trắm cỏ, chép, rô phi... 6 tháng đầu năm 2015, sản lượng thủy sản toàn huyện đạt gần 310 tấn, gồm cá trôi 96 tấn; cá trắm, chày 71 tấn; cá chép 51,4 tấn; cá mè 37,5 tấn...
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển thủy sản trên địa bàn, huyện đã và đang triển khai thí điểm nhiều dự án chăn nuôi thủy sản, đưa vào nhiều con giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào nuôi trồng như: Nuôi cá chép ruộng vụ đông, nuôi cá xen lúa vụ xuân, nuôi cá rô phi đơn tính, cá bỗng, cá chiên... Huyện tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi cá ao, cá lồng, cá ruộng theo hướng thâm canh, hiện nay huyện có 330 lồng cá nuôi các loài cá chiên, cá bỗng, cá rô phi đơn tính và các loại cá khác.
Huyện phối hợp với Chi cục Thủy sản và Trung tâm Thủy sản tỉnh thực hiện mô hình nuôi cá ruộng gắn với chế biến mắm cá ruộng tại xã Kim Bình và Tân An, mô hình nuôi cá chép ruộng tại xã Thổ Bình, mô hình nuôi cá ao thâm canh cao tại xã Tân An để rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Huyện quy hoạch vùng nuôi ươm cá giống tại các xã Tân An, Minh Quang, Hòa An, Ngọc Hội… Sản lượng cá giống tại các xã này đạt hơn 1,72 triệu con. Đồng thời huyện chuyển các diện tích ruộng trồng lúa kém hiệu quả tại các xã Tân An, Hà Lang, Trung Hà, Hùng Mỹ, Xuân Quang, Minh Quang, Thổ Bình, Bình An để nuôi cá chép ruộng. UBND huyện giao các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện các dự án nuôi cá lồng; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khuyến ngư, cán bộ kỹ thuật thủy sản, đáp ứng yêu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản.
Đồng chí Triệu Văn Luyến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Nguyên cho biết, xã có hơn 12 ha diện tích ao, hồ, qua vận động bà con phát triển nuôi trồng thủy sản, đến nay xã có 48 lồng cá chiên tập trung nhiều ở thôn Hợp Long 2. Năm 2015, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, xã hỗ trợ cho 2 hộ gia đình mỗi hộ 15 triệu đồng để nuôi cá lồng, và hỗ trợ lãi suất cho các hộ có nhu cầu vay vốn phát triển nuôi trồng thủy sản theo Nghị quyết 12 ngày 22-7-2014 của HĐND tỉnh. Chăn nuôi cá chiên lồng tạo điều kiện cho các hộ có thu nhập bình quân từ 50 - 70 triệu đồng/lồng, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Từ năm 2011 trở lại đây, hồ thủy điện Chiêm Hóa bắt đầu tích nước với tổng diện tích mặt hồ là 446,57 ha, là một điều kiện lý tưởng để phát triển chăn nuôi thủy sản. Ông Nguyễn Văn Phủ, thôn Nà Tiệng, xã Yên Lập là một trong những hộ dân tham gia dự án nuôi thí điểm cá bỗng trên hồ thủy điện Chiêm Hóa. Ngoài được hỗ trợ về con giống, một phần thức ăn... gia đình ông đã tự đầu tư đóng 3 lồng sắt nuôi cá với tổng trị giá trên 70 triệu đồng.
Hiện nay, huyện Chiêm Hóa ưu tiên nuôi trồng thủy sản theo hình thức kinh tế hộ gắn với chế biến, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm; nuôi các loài cá đặc sản; thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân kiến thức nuôi trồng thủy sản, tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương, phát triển chăn nuôi thủy sản theo hướng bền vững và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 23/10, Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức lễ tổng kết chiến dịch ra quân tiêu hủy rệp sáp bột hồng hại sắn.
Giống lúa nếp Anh Đào do TS Đào Xuân Tân, nguyên Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 lai tạo và chọn lọc.
Với hơn 14 triệu ha rừng, lâm sản ngoài gỗ (LSNG) bao đời nay đã gắn với sinh kế của hàng triệu nông dân gắn với nghề rừng. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng, tiến tới xây dựng một số sản phẩm LSNG thành ngành hàng lớn thì còn là vấn đề nan giải.
Nhiều kế sách hay đã được các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo các đơn vị khai thác công trình thủy lợi (CTTL) đưa ra để ngăn ngừa, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ CTTL.
Xoài là một trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp chọn, để phát triển ổn định bền vững, vì vậy đòi hỏi có sự liên kết chặt chẽ giữa DN và nông dân.