Chị Mạch Thị Trường Xuân Làm Giàu Nhờ Nuôi Bò Sữa
Năm 2007, sau khi dự lớp tập huấn chăn nuôi bò sữa do Hội Nông dân xã tổ chức và tham quan các trại nuôi bò ở TP. Hồ Chí Minh, chị Mạch Thị Trường Xuân (ngụ ấp Tân Tỉnh A, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã quyết định chuyển hướng từ nuôi heo, bò thịt sang nuôi 5 con bò sữa.
Nhờ chịu khó chăm sóc và được cán bộ kỹ thuật của trạm Khuyến nông TP. Mỹ Tho hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăn nuôi, cách xây dựng chuồng trại, xử lý môi trường… sau 2 năm đã mang lại hiệu quả khá. Trung bình mỗi ngày, chị thu lãi 500 ngàn đồng từ nuôi bò sữa.
Để có thêm thu nhập, chị mua thức ăn tinh, xác bia, bột mì để cho bò ăn và bán cho các hộ chăn nuôi. Năm 2009, chị trả hết nợ vay mua bò và thuê 2.000m2 đất trồng cỏ để làm thức ăn cho 5 con bò mẹ và 4 con bê. Áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chị trang bị 2 máy vắt sữa vừa giảm công lao động, vừa bảo đảm chất lượng sữa.
Năm 2011 chị Xuân trang bị thêm máy cắt và xay cỏ, với máy này có thể xay và pha trộn thức ăn bảo đảm bò ăn nhiều, đủ chất mang lại năng suất cao. Diện tích đất trồng cỏ hàng năm cũng được thuê thêm từ 0,2 ha đến nay lên đến 1 ha. Năm 2013 đàn bò của chị tăng lên 30 con (11 mẹ, 9 hậu bị, 10 con bê), thu nhập từ bán sữa bò 450 triệu đồng.
Hàng tuần chị phun thuốc sát trùng chuồng trại, 6 tháng mời bác sĩ thú y đến khám tổng quát, tiêm ngừa tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò sữa, chị Xuân cho biết: “Khi nuôi bò sữa cần chọn con giống tốt và tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh định kỳ cũng như thời gian cho ăn, nghỉ ngơi hàng ngày; trong thời gian thu hoạch sữa, phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bò. Hiện nay, nhờ có những thiết bị hiện đại hỗ trợ, nên thời gian cắt cỏ, hút sữa cũng rút ngắn hơn rất nhiều, nuôi bò sữa không còn vất vả như trước nữa”.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho nhiều nông dân khác. Hàng năm chị ủng hộ mì gói và tiền cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn 10 triệu đồng; tạo điều kiện cho một số hộ chăn nuôi bằng hình thức đầu tư trả chậm thức ăn và con giống. Chị còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, các công trình giao thông nông thôn, xây dựng đường bê tông trong xóm, ấp góp phần hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Với những thành quả lao động, 6 năm liền chị được bình chọn là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, được UBND tỉnh tặng 5 Bằng khen.
Có thể bạn quan tâm
Một thời, cây quế Trà My là “cây vàng cây bạc” của người dân Quảng Nam. Thế nhưng, do phát triển ồ ạt cây quế lai tại vùng này nên 10 năm qua, cây quế Trà My trở thành... củi. Gần đây, người dân và chính quyền đã nhân lại giống với kỳ vọng tìm lại hương quế Trà My một thời.
Đề án Tái cơ cấu ngành chăn nuôi đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định 984/QĐ-BNN-CN ngày 9/5/2014.
Chiều ngày 27/4, Chi cục Thú Y tỉnh đã lập biên bản xử phạt Lê Kim Quang (trú tại Tân Ninh, Tân Thạnh, Long An) khi ông này đang bán giống gà Đông Tảo giả tại địa bàn xã Phú Thượng (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Vài năm lại đây, nghề nuôi vịt biển phát triển, đem lại nguồn thu lớn cho người chăn nuôi ở một số địa phương ven biển. Vịt biển là loại thủy cầm có giá trị kinh tế cao, chịu dịch bệnh tốt, thích nghi môi trường nước ngọt, mặn và lợ. Loài này không cần đầu tư nhiều, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên giàu dưỡng chất, tỷ lệ đẻ trứng cao.
Trong không khí của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi về xã Phương Viên - một xã còn gặp nhiều khó khăn của huyện miền núi Hạ Hòa (Phú Thọ) để tìm hiểu về trang trại chăn nuôi lợn thịt lớn nhất nơi đây. Đó là mô hình chuồng trại chăn nuôi lợn thịt trị giá hơn 4 tỷ đồng mỗi năm của gia đình anh Nguyễn Đình Vân ở khu 9.