Chè Sạch Từ Ý Thức Đến Sản Phẩm

Vài năm trở lại đây, đặc biệt từ sau Festival Chè lần thứ nhất, nhận thức về làm nghề chè của người dân Thái Nguyên đã có một sự thay đổi lớn, ý thức rất rõ ràng tầm quan trọng của việc bảo vệ thương hiệu chè sạch.
Tại xã Hồng Thái 2 (Tân Cương), một trong những vùng chè ngon nhất Thái Nguyên, tất cả hộ dân trồng chè, chế biến và kinh doanh chè đều không xa lạ với các tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm nông nghiệp như VietGap, UTZ Certified (tiêu chuẩn về sản xuất các sản phẩm nông sản tốt trên quy mô toàn cầu).
Một hộ dân trồng chè ở đây cho biết, không cần đến cơ quan quản lý, ở đây chính những người trồng chè tự quản lý, tẩy chay những hộ làm chè bẩn, phun thuốc trừ sâu hóa học và thu hái chè không đúng quy trình.
Còn tại xóm Chũng Na (Bá Xuyên, Thị xã Sông Công) có gần 100% số hộ chuyển sang sản xuất chè an toàn. Bà Trần Thị Hồng, Trưởng xóm chè Chũng Na, chia sẻ: “Bên cạnh lợi nhuận từ cây chè, chúng tôi ý thức được việc sản xuất chè an toàn là rất cần thiết, trước tiên là bảo vệ sức khỏe của chính những người làm chè. Bởi, khi chăm bón và sao chè người làm chè phải hứng chịu những tác động xấu từ thuốc hóa học trước tiên”.
Cũng theo bà Hồng, ngoài việc chỉ thu hái chè khi đã đủ thời gian cách ly (tối thiểu sau khi phun thuốc 15 ngày), hiện người dân Chũng Na đã dùng các loại phân bón sinh học, phân hữu cơ thay cho phân đạm, dùng thuốc trừ sâu thảo mộc thay thuốc trừ sâu hóa học.
Anh Vũ Văn Nhâm, xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ), chia sẻ: Chúng tôi luôn cố gắng sản xuất ra những sản phẩm trà đặc sắc nhất, đảm bảo an toàn vệ sinh nhất. Chúng tôi hiểu chính nhờ chất lượng, an toàn mà thương hiệu Trà Thái Nguyên mới có thể phát triển bền vững.
Không chỉ người trồng chè mà bản thân các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh chè cũng kiên quyết bỏ qua một số nguồn nguyên liệu vì phát hiện mùi thuốc trừ sâu trên trà còn cao do thu hoạch chưa đúng cách.
Chính nhờ nhận thức đúng, ý thức cao của những người làm chè trong việc sản xuất chè sạch, giữ gìn danh tiếng cho sản phẩm của mình, mà thương hiệu chè Thái Nguyên ngày càng phát triển, bền vững.
Đến các vùng chè trọng điểm của Thái Nguyên như Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên); Phúc Tân, Phúc Thuận (Phổ Yên); Minh Lập, Hòa Bình, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ); La Bằng, Hoàng Nông (Đại Từ); Vô Tranh, Tức Tranh (Phú Lương); chúng tôi thấy từ người dân đến doanh nghiệp đều cố gắng hết mình để xây dựng hình ảnh chè Thái Nguyên sao cho xứng đáng với những kỷ lục mới được xác lập, với thương hiệu chè mà lâu nay người Thái Nguyên đã nỗ lực xây dựng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Đặng Viết Thuần cho biết ngoài việc sản xuất chè sạch, ngành chè Thái Nguyên cũng rất chú trọng công tác bảo quản. Hiện các doanh nghiệp, hộ sản xuất chè Thái Nguyên hầu như đều đã trang bị máy hút chân không. Một túi trà thay vì chỉ sử dụng trong một vài tháng nay đã có thể để được từ 3-5 năm. Đặc biệt như doanh nghiệp chè Vạn Tài đã có thể cho ra những gói chè để 7 năm chất lượng vẫn không thay đổi.
Hiện trường ĐH Thái Nguyên đã nghiên cứu, chế tạo ra loại phân vi sinh đặc dụng cho cây chè. Với loại phân vi sinh này, cây chè sẽ sinh trưởng tốt, cho năng suất cao nhưng không gây hại cho sức khỏe. Chưa kể, với loại phân này thì hương vị nguyên bản của cây chè không chỉ được bảo tồn mà còn dậy hương hơn nữa. Với chính sách khuyến nông, khuyến công ưu đãi dành cho ngành chè, Sở NNPTNT Thái Nguyên cho biết sẽ ưu tiên hỗ trợ đến tận tay người trồng loại phân mới này. Chưa kể, chính doanh nghiệp, để tự bảo vệ thương hiệu của mình, cũng hỗ trợ vùng nguyên liệu bằng phân vi sinh và giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Thời gian gần đây, Trung tâm khuyến công tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức rất nhiều lớp học tập huấn cho doanh nghiệp, hộ cá nhân, hợp tác xã làm chè về xây dựng thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, kỹ năng tiếp cận thị trường, công nghệ, kỹ năng chế biến, bảo quản chè. Trung bình mỗi lớp học có 150 học viên. Lớp học nào cũng đông và học viên đi dự rất đầy đủ. Như vậy, bên cạnh việc được trang bị kiến thức kỹ năng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè thì tinh thần, thái độ ý thức nâng cao chất lượng, bảo vệ thương hiệu chè của người làm chè Thái Nguyên rất cao.
Related news

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, tính đến đầu tháng 7.2013, toàn tỉnh có 1.142,6ha/29.572ha mì bị nhiễm rệp sáp bột hồng. Trong đó, phân theo mức độ hại như sau: 694,7ha nhiễm dưới 30%; 345ha nhiễm 30-70%; 102,9ha nhiễm trên 70%. Diện tích mì nhiễm rệp sáp bột hồng còn lại trên đồng là 1.095,6ha, trong đó có 648,7ha nhiễm dưới 30%; 344ha nhiễm 30-70%, 102,9ha nhiễm trên 70%.

Chỉ tính riêng số tiền mua thức ăn cho cá chẽm đã lớn nhưng chưa có người mua đã tốn của 100 hộ nuôi ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh số tiền khoảng 250 triệu đồng/ngày. Và không một ai biết được đến bao giờ mới bán được số cá nuôi trên.

Năm 2012 Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ triển khai mô hình trang trại vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) tại hai xã Ba Tiêu và Ba Vinh. Mô hình này đã giúp hộ gia đình biết quản lý, sử dụng tiềm năng sẵn có tại địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cty CP Dịch vụ kỹ thuật hậu cần nghề cá Biển Đông đang lập đề án vay vốn 776 tỷ đồng để đóng mới 33 tàu vỏ sắt.

“Giấc mơ” làm giàu từ chồn nhung đen của hàng chục hộ dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến nay thực sự đã kết thúc. Tiền mất, công sức bỏ ra “trôi xuống sông, xuống biển” và điều mà các hộ dân này nhận được là một bài học đắt giá. Đây cũng là vấn đề cần được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương nhìn nhận một cách toàn diện để đúc rút kinh nghiệm trong quá trình quản lý công tác chăn nuôi hiện nay.