Nhiều Nông Dân Giàu Từ Trồng Sơn
Là loại cây công nghiệp rất kén đất, nhưng đã hợp đất rồi thì phát triển rất nhanh, cho sản phẩm nhiều, giá trị kinh tế cao... cây sơn ta đã được khẳng định ở xã Ngọc Hội (Chiêm Hóa) khi ngày càng nhiều nông dân giàu lên nhờ trồng cây này....
Cây sơn ta không xa lạ gì đối với người dân xã Ngọc Hội, thậm chí nó còn gắn bó từ hơn 20 năm nay đối với đời sống người dân xã này. Khi ấy người ta trồng sơn lấy nhựa phục vụ nghề mộc, quét nhựa lên bề mặt gỗ để vật dụng sử dụng lâu bền hoặc đôi khi trồng chỉ để cho đỡ trống đất, chống xói mòn nên giá trị cây sơn chưa cao.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, do tiến bộ KHKT, nhựa sơn là nguyên liệu quý dùng trong công nghiệp chế biến lâm sản, giá tăng chót vót, khiến nhiều hộ nông dân trồng sơn có thu nhập rất cao.
Gia đình anh Lý Văn Suất ở thôn Đầm Hồng 1 là một hộ tiêu biểu trồng sơn làm giàu ở Ngọc Hội từ năm 2007. Chính anh Suất cũng không ngờ cây sơn lại hợp đất đồi nhà anh đến thế, chăm sóc qua loa nhưng 2 năm sau vườn sơn đã bắt đầu cho thu hoạch nhựa.
Nhựa sơn thu hoạch được tư thương tìm đến tận nhà mua hết ngay và còn hẹn cứ có hàng nhiều hay ít thì cứ “alo” là họ đến mua tất. Thấy nhựa sơn quá dễ bán lại được giá cao nên gia đình anh Suất đã mở rộng diện tích trồng cây sơn lên gần 1 ha. Đến nay, mỗi ngày gia đình anh Suất thu hoạch được 5 kg nhựa sơn, bán với giá 280.000 đến 300.000 đồng/kg.
Ngoài gia đình anh Suất còn có hộ anh Hoàng Văn Hoan ở cùng thôn Đầm Hồng 1, người vừa xây ngôi nhà 2 tầng trị giá trên 500 triệu đồng. Anh Hoan tâm sự: “Tất cả cũng là nhờ cây sơn”. Ban đầu, số hộ trồng sơn ở Ngọc Hội không nhiều, sản lượng ít nhưng sau khi thấy được lợi nhuận từ việc trồng sơn, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi từ những cây ngắn ngày giá trị thấp sang trồng sơn và đều đã thành công; thu nhập cao dần, họ trở thành những hộ có kinh tế khá của xã.
Theo kinh nghiệm của một số hộ trồng sơn lâu năm ở Ngọc Hội thì cây sơn rất kén đất nhưng hợp rồi thì bén nhanh và cho lượng nhựa rất khá với chất lượng tốt (giá thu mua cao có khi lên đến trên 300.000 đồng/kg). Chất đất phù hợp nhất với cây sơn là đất đỏ và vàng, đất có độ chua cao thì cho nhựa loãng như nước lã, kém chất lượng. Chính vì thế mà không phải hộ dân nào muốn là đều có thể trồng sơn được, phải trồng thử thấy hợp mới nhân rộng. Thông thường trồng từ 1.400 đến 1.600 cây sơn/ha diện tích là phù hợp nhất.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Hội cho biết: “Hiện xã Ngọc Hội có trên 80 ha cây sơn. Trồng tập trung nhiều nhất ở thôn Đầm Hồng 1 với diện tích trên 57 ha, còn lại rải rác ở các thôn khác. Việc trồng cây sơn đã đem lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều nông dân thoát nghèo, làm giàu hiệu quả nên trong thời gian tới xã sẽ cân nhắc mở rộng diện tích một cách hợp lý để tăng thêm thu nhập cho người dân...”.
Để đánh giá thực tế hiệu quả cây sơn ta, các cơ quan chuyên môn huyện Chiêm Hóa cần tiến hành nghiên cứu tìm hiểu về điều kiện thích nghi loại cây này, chất đất phù hợp, tìm giải pháp thâm canh làm tăng năng suất... để từ đó có thể hướng tới lập làng nghề, mở rộng diện tích cây sơn giúp tăng thu nhập cho nông dân trong huyện.
Có thể bạn quan tâm
Từ giữa tháng 2, nhiều cánh đồng ở Vĩnh Long vào cao điểm thu hoạch vụ lúa Đông Xuân. Máy gặt đập liên hợp, xe kéo lúa hoạt động rôm rả khắp nơi… Thương lái cũng vào tận đồng mua lúa tươi. Nhiều nông dân hồ hởi: “Chưa năm nào lúa trúng mùa, trúng giá đậm như năm nay”.
Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng thuận lợi kết hợp với hệ thống đê bao hoàn thiện, nhiều năm qua người dân ấp Đông Hòa A, xã Thới Tân đã gắn bó với cây lúa. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, tự phát nên sản lượng lúa luôn ở mức thấp, chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn không cao.
Sau hàng chục năm tìm kiếm, đến nay, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã xác định được một số giống cây trồng chủ lực. Thế nhưng, việc hỗ trợ cho người dân tập trung phát triển những giống cây này còn gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, có khoảng 30 hécta lúa chỉ làm được một vụ do khó khăn về nước tưới nên nông dân mong muốn được chuyển đổi từ cây lúa có hiệu quả thấp sang cây bưởi có giá trị cao. Huyện Vĩnh Cửu đã xây dựng dự án phát triển vùng chuyên canh bưởi tại 3 xã: Tân Bình, Bình Lợi, Tân An với tổng diện tích trồng mới là 205 hécta.
Điển hình như ông Trần Quyết Định, xã Tân Ân Tây. Ông Định đào 3 ao với diện tích trên 1.800 m2, thả 4.000 con cá mú giống. Sau 8 tháng nuôi, bình quân mỗi con đạt trọng lượng từ 800 g trở lên, ông bán ra thị trường giá từ 160.000-180.000 đồng/kg, thu lãi trên 160 triệu đồng.