Người Nuôi Heo, Gà Hồi Hộp Tái Đàn
Sau đợt dịch cúm gia cầm ở huyện Bến Cầu và Thị xã trong tháng 2 và tháng 3.2013 (khiến khoảng 5.000 con gà, vịt bị chết hoặc bị tiêu huỷ), đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn khá ảm đạm.
Ông Nguyễn Văn Mấy – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tây Ninh cho biết, trong đợt “đại hạ giá” vừa qua, các công ty chăn nuôi gà công nghiệp trên địa bàn Tây Ninh lỗ nặng, bởi giá bán gà thịt chỉ bằng 2/3 giá thành. Tình trạng này kéo theo những chủ trại nuôi gia công cho các công ty cũng khốn đốn.
Cùng chung tình trạng này, các trang trại và người nuôi heo cũng lỗ nặng vì giá heo hơi tuột thấp, trong khi chi phí nuôi (chủ yếu là tiền thức ăn) lại tăng.
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tại thời điểm đầu tháng 4.2013, Tây Ninh có khoảng 215.000 con heo (giảm 3,56% so cùng kỳ); đàn gia cầm ước đạt 4,3 triệu con (tăng 8,85% so cùng kỳ). Lãnh đạo chi cục Thú y cho biết, những năm gần đây, lượng gia cầm nuôi trong tỉnh tăng mạnh do mô hình nuôi gà công nghiệp khép kín (trại lạnh) phát triển. Tuy nhiên, hiện tại, lượng gia cầm và heo nuôi đã giảm mạnh, dự báo sẽ không tăng trong vài tháng tới do tác động tiêu cực của thị trường tiêu thụ.
Theo nhiều chủ trại gà công nghiệp, tính đến thời điểm xuất chuồng, mỗi ký gà hơi có giá thành là 30.000 đồng. Để có lãi, tiêu thụ phải trên giá thành ít nhất vài ngàn đồng. Thế nhưng, gần đây, giá gà công nghiệp đưa đi tiêu thụ có lúc chỉ còn… 13.000đồng/kg, sau đó nhích dần lên hơn 20.000 đồng. Hiện giá gà công nghiệp vào khoảng 25.000-28.000 đồng/kg. Giá gà xuống thấp, thị trường tiêu thụ chậm nên nhiều trại gà đành phải gắng gượng nuôi gà quá lứa, dẫn đến tốn kém thêm chi phí thức ăn, nhân công, điện chạy máy lạnh - máy quạt…
Chi phí phát sinh nhiều nhưng tiền nuôi gia công trên mỗi ký gà vẫn không tăng. Chưa hết, khi quá lứa, gà công nghiệp rất dễ phát sinh bệnh, chết nên lượng hao hụt tăng cao. Cho nên, khi các công ty chăn nuôi khốn đốn thì người nuôi gia công (chủ trại lạnh) cũng lao đao, vì sau khi trừ chi phí, có trại chỉ còn được hơn 10 triệu đồng. “Do chi phí đầu tư trại lạnh rất cao nên nhiều người nuôi phải vay vốn ngân hàng để đầu tư.
Thời điểm gà có giá, thị trường tiêu thụ ổn định thì người nuôi gia công có thu nhập khá, có tiền để trả lãi ngân hàng và hy vọng thu hồi vốn đầu tư. Còn tình hình như thế này thì bi đát quá, nếu kéo dài đến cuối năm, chắc nhiều trại gà phải đóng cửa, có khi phá sản vì nợ nần”, một chủ trại gà ở Châu Thành nói.
Theo ông Nguyễn Văn Mấy – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Tây Ninh, người nuôi heo trong mấy tháng qua cũng rầu lo vì giá cả thấp. “Tính chung, giá bán mỗi ký heo hơi mà dưới 40.000 đồng là người nuôi lỗ. Trong mấy tháng đầu năm, không chỉ có gà, heo, mà người nuôi vịt cũng phá huề hoặc lỗ vốn”, ông Mấy cho biết.
Hiện một số công ty chăn nuôi đã cung ứng giống cho các trang trại nhưng với số lượng hạn chế, đồng thời kéo giãn thời gian cách vụ nhằm cố gắng duy trì chăn nuôi nhưng giảm đàn. “Chúng tôi lỡ vay mượn đầu tư tiền tỷ vào đây, chẳng lẽ giờ bỏ trại hoang nên đành bấm bụng nuôi tiếp vụ này xem sao”, một chủ trại băn khoăn nói.
Có thể bạn quan tâm
Cả trăm hộ dân trồng mía ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) vô cùng bức xúc vì bị nhân viên nông vụ của Công ty TNHH Công nghiệp KCP - Việt Nam (Công ty KCP), chiếm đoạt tiền.
Sau Tết Nguyên đán, giá cá tra nguyên liệu tăng nhẹ khiến nhiều hộ nuôi tại khu vực ĐBSCL phấn khởi khi thả vụ mới. Tuy nhiên, chất lượng con giống vẫn khiến hàng trăm hộ lo lắng.
Xã Ngư Thủy (Lệ Thủy- Quảng Bình) anh hùng thời chống Mỹ với đội nữ pháo binh cả nước biết đến. Bây giờ, Ngư Thủy được chia thành 3 xã gồm: Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ Trung và Ngư Thuỷ Nam. Có lẽ cả dải đất ven biển nước Việt, ít có vùng nào lại nuôi cá nước ngọt như ở đây.
Từ nay đến tháng 11-2013, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ được tỉnh Thái Nguyên giao triển khai Dự án “Nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ nuôi cá Tầm” với kinh phí thực hiện là trên 200 triệu đồng, được trích từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh. Theo đó, khu vực được lựa chọn để nuôi cá tầm là vùng nước lạnh thuộc các xã nằm ven dãy núi Tam Đảo của huyện.
Từ những năm 2000, khi người tiêu dùng Hà Nội còn "mù mờ" với khái niệm rau an toàn (RAT), nông dân phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đã bắt đầu làm quen với quy trình sản xuất này. Nghề trồng rau đã làm giàu cho hàng trăm hộ dân.