Chặt Mía Chạy Lũ
Tỉnh Hậu Giang đang có hàng trăm ha mía bị ngập lũ cần được thu hoạch sớm để tránh thiệt hại.
Áp lực đốn mía chạy lũ đã đẩy công thu hoạch tăng thêm 15.000 - 20.000 đ/tấn, trong khi giá thu mua mía lại giảm.
Hậu Giang là tỉnh có vùng mía nguyên liệu lớn nhất ĐBSCL với 12.600 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Phụng Hiệp, hơn 8.300 ha và đây cũng là địa phương có diện tích mía đang bị nước lũ đe dọa nhiều nhất do nền ruộng trũng, thấp.
Chạy xe dọc theo các xã Phương Bình, Phương Phú, Hòa An, Hòa Mỹ vào thời điểm này đâu đâu cũng thấy bà con tất bật chặt mía chạy lũ.
Ông Mười Hoằng (Trần Văn Hoằng) ở ấp 4, xã Hòa Mỹ đang mướn người thu hoạch 1,5 ha mía sau nhà, nói như than: “Mấy ngày qua nước lũ tăng lên khá nhanh, liếp mía của gia đình tôi đã bị ngập gốc cả tuần rồi, trong khi giống ROC 16 chỉ chịu được nước tối đa khoảng nửa tháng là bắt đầu chết. Vì vậy, phải chạy đôn chạy đáo kiếm người thu hoạch”.
Theo ông Hoằng, bình thường kiếm người thu hoạch mía đã khó, giờ bị ngập lũ, ai cũng gấp nên càng khó mướn hơn. Không chỉ vậy mà giá công thu hoạch cũng tăng hơn so với bình thường. “Lúc đầu vụ, công thu hoạch chỉ ở mức 120.000 - 130.000 đ/tấn (tùy đoạn đường vận chuyển), giờ tăng lên đến 150.000 đ/tấn, cũng phải mướn”, ông Hoằng cho biết.
Theo những người chuyên đi đốn mía thuê, không phải họ làm giá mà thực tế đốn mía ngập lũ cực công hơn nhiều so với liếp khô.
Đang đốn mía tại ruộng cho các hộ dân ở ấp 6, xã Hòa Mỹ, anh Nguyễn Văn Thanh chia sẻ: “Để thu hoạch mía phải trải qua nhiều công đoạn, trong đó công đoạn đốn và bó chiếm 50% tiền công, còn lại là vận chuyển, đưa lên bàn cân và vác xuống ghe. Nếu liếp mía bị ngập, côn trùng sẽ bò lên cao, nhất là kiến, khi đốn bị chúng cắn đốt, rất ngứa, tiến độ thu hoạch cũng chậm hơn so với bình thường”.
Nhiều nông dân trồng ở xã Hòa Mỹ mà chúng tôi gặp đều tỏ ra rất buồn vì năm nay mía thất mùa, giá thấp. Ông Ba Đấu (Trần Văn Đấu) vừa thu hoạch xong gần 1 ha mía, năng suất chưa tới 50 tấn, trong khi đó diện tích này năm ngoái đạt hơn 60 tấn mía cây.
Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp, Nguyễn Thế Tự: "Đến thời điểm này toàn huyện đã thu hoạch được 3.400/8.345 ha mía. Hiện nhiều diện tích mía ngoài vùng đê bao đang bị nước lũ đe dọa. Trong đó, đã có khoảng 700 ha mía đang bị ngập cục bộ, nằm rải rác ở các xã Hòa Mỹ, Hòa An, Phương Bình và Phương Phú. Những diện tích này bà con cần tập trung thu hoạch sớm, tránh để mía bị ngập nước lâu ngày dẫn đến thiệt hại".
Theo ông Ba Đấu, nguyên nhân khiến mía của bà con quanh đây đều bị giảm năng suất là do bị sâu ống tấn công lúc khoảng 4 - 5 tháng tuổi, gây gãy đọt khá nhiều. Hơn nữa, mấy năm qua giá mía thấp nên nhiều người ngại đầu tư, giảm bón phân nên cây không đủ sức phát triển. Hệ lụy là mía giảm cả năng suất lẫn chất lượng. Vì vậy mà giá bán cũng giảm theo.
Ông Ba Đấu cho biết: “Hiện nay giá mía thương lái thu mua tại rẫy từ 800 - 820 đ/kg, đó là với mía được đánh giá đạt từ 10 chữ đường trở nên. Còn những hộ mía kém chất lượng, phải bán xô, giá chỉ còn 730 - 750 đ/kg. Với mức giá này thì người nông dân bị thua lỗ nặng”.
Anh Nhâm, một thương lái chuyên đi thu mua mía ở Phụng Hiệp về cân cho NM đường Vị Thanh (Cty CP Mía đường Cần Thơ) cho biết, nguyên nhân giá mía thấp do NM đo chữ đường không đạt.
Lúc đầu vụ còn được 10 - 11 chữ đường, nhưng không hiểu sao càng vào chính vụ lại càng giảm, trong khi mía già ngày hơn. Chuyến gần đây nhất tôi cân mía cho nhà máy chỉ còn 9,4 chữ đường.
“Từ đầu vụ đến nay, tôi đi 4 chuyến thì chỉ có chuyến đầu có lãi, còn lại đều bị lỗ do chữ đường thấp. Vì vậy, không thể nâng giá thu mua cho bà con”, anh Nhâm tâm sự.
Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ cho biết, niên vụ này toàn xã xuống giống được 600 ha mía. Đến nay, nông dân đã thu hoạch được trên 300 ha. Diện tích còn lại đều đã bị ngập nước từ 5 - 10 cm khoảng 1 tuần nay.
Trong khi đó, những giống chín sớm khả năng chịu ngập chỉ khoảng 15 ngày, còn giống chín muộn thì hơn 20 ngày là bắt đầu giảm chữ đường, xuống lá và chết. Vì vậy, cần phải tập trung thu hoạch nhằm tránh nước lũ dâng cao, dự kiến sẽ đạt đỉnh vào đợt triều cường giữa tháng 9 tới (tháng 9 nhuận).
Có thể bạn quan tâm
Trong nhiều ngày qua, hàng tấn cá nuôi trong các lồng bè của gần 30 hộ dân tại khu vực vịnh Mân Quang (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) bị chết ngửa bụng, phơi trắng một vùng vịnh và bốc mùi hôi thối. Thiệt hại lớn khiến các hộ dân hết sức lo lắng vì số tiền đầu tư lên tới hàng trăm triệu đồng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng cá lồng tỉnh Hải Dương đạt khoảng 1.700 tấn, tăng 350 tấn so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 6% tổng sản lượng thủy sản.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an) có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 15/7/2013 về tình hình vận chuyển (chở qua đường hàng không vào thành TP Hồ Chí Minh), buôn bán công khai thủy sản (cá tầm) nhập lậu vào Việt Nam.
Ngày 10-7, tại Hội nghị Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm do Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tổ chức ở TPHCM, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 cảnh báo: Dịch bệnh trên đàn gia súc và gia cầm từ nay đến cuối năm tiềm ẩn nhiều nguy cơ do các vật nuôi chứa mầm bệnh với tỷ lệ khá cao.
Để giúp các hộ nghèo và cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, Hội ND xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM đã đầu tư vốn, thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ.