Đóng Tàu Lớn Vươn Khơi

Với nhiều ngư dân thì có một chiếc tàu lớn đủ sức vươn khơi dài ngày đã là một sự chắt chiu trong nhiều năm, thậm chí cả đời vẫn không có. Thế nhưng ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), một ngư dân bỏ ra một số tiền “khủng” đóng mới 3 chiếc tàu công suất lớn cùng một lúc. Đó là anh Nguyễn Văn Hiền.
Những ngày đầu năm mới, tại xưởng đóng tàu Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), nhiều tàu thuyền của ngư dân đóng mới được những người thợ tranh thủ hoàn thiện để kịp “xuống nước” chuẩn bị cho một mùa biển mới. Trong xưởng đóng tàu nhỏ hẹp nằm cạnh dòng Kinh giang chỉ vỏn vẹn có 7 chiếc tàu đang trong giai đoạn hoàn thiện thì có đến 3 chiếc của ngư dân Nguyễn Văn Hiền.
Có mặt tại xưởng để theo dõi hằng ngày, anh Nguyễn Văn Hiền cho biết, trước khi đóng 3 chiếc tàu này, anh đã có 3 chiếc tàu khác làm nghề lưới vây rút chì. Sau nhiều năm đánh bắt thuận lợi, có một số vốn tương đối khá, trong khi các tàu cá đã cũ, công suất cũng nhỏ, vừa không còn an toàn cho mỗi chuyến khơi xa dài ngày, nên tháng 8 (âm lịch) vừa rồi, anh quyết tâm bán 2 chiếc tàu cũ và bỏ ra hơn 8 tỷ đồng để đóng mới cùng lúc 3 chiếc lớn. Những chiếc tàu đang được đóng mới có công suất 650CV, 500CV và 410CV. Như vậy, hiện anh đang sở hữu 4 tàu cá đánh bắt xa bờ. Anh Hiền chia sẻ, mình cả đời gắn bó với biển, nếu có điều kiện thì tội gì không đóng mới tàu lớn để ra khơi cho an toàn và đánh bắt hiệu quả hơn.
Mặc dù đóng mới 3 chiếc tàu nhưng anh Hiền chỉ vay mượn thêm khoảng 1 tỷ đồng. Anh Hiền hy vọng, với 4 chiếc tàu ra khơi, nếu may mắn thì chỉ một chuyến biển dài ngày là có thể trả hết nợ. Hiện tại, 3 chiếc tàu đang đóng sắp hoàn thiện, vào đầu tháng Chạp đến là có thể xuống nước lấy ngày và sẽ ra khơi sau khi ăn Tết xong.
Anh Hiền tính toán, với 3 chiếc tàu đóng mới thì sẽ có một chiếc được thiết kế để làm hậu cần. Sau khi ăn Tết, anh sẽ tổ chức lễ ra khơi. “Việc cung cấp các nhu yếu phẩm, dầu sẽ được chiếc hậu cần đảm nhiệm. 3 tàu còn lại hoạt động dài ngày trên biển, đồng thời đưa thủy sản khai thác được vào bờ để bán. Các tàu không còn phải ra vô lấy dầu như trước nữa, như vậy thì hiệu quả cao hơn”, anh Hiền, nói.
Chia sẻ về việc làm ăn hiệu quả của mình, anh Hiền cho biết, các tàu của anh đều được đầu tư các thiết bị hiện đại như máy dò ngang, hệ thống thông tin liên lạc tốt nên làm ăn đạt hiệu quả cao. Anh em có thu nhập khá nên cũng gắn bó với mình. Trong năm 2014, với 3 chiếc tàu cũ ra khơi với 21 lao động, thu nhập 100 triệu đồng/người. Riêng anh tích lũy được hơn 2 tỷ đồng. Năm 2015 này, 4 tàu của anh giải quyết việc làm cho khoảng 40 lao động.
Một số ngư dân đang đóng mới tàu cá tại xưởng đóng tàu này, kể cả những người thợ đóng tàu khi được hỏi đều cho rằng, ở vùng biển này nói đến anh Hiền thì ai cũng nể bởi cách tính toán, làm ăn tương đối có hiệu quả của anh.
Có thể bạn quan tâm

“Thất bại không phải là vấn đề, quan trọng nhất là biết mình thất bại ở đâu. Trong nuôi tôm công nghiệp, ai thành công đều phải nếm trải nhiều lần thất bại mới rút ra được kinh nghiệm xương máu cho mình” – ông Trần Quang Hiên, ngụ ấp 5, xã Tân Thành, thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) bộc bạch.

Nhờ vào sự linh hoạt và mạnh dạn chuyển đổi hình thức sản xuất, ông Đinh Văn Sơn (xã Yên Thắng, Yên Mô) đã xây dựng thành công mô hình trang trại tổng hợp có thu nhập đạt trên 150 triệu đồng/năm.

Gần đây, hội viên nông dân Nguyễn Quốc Thắng, Chi hội Nông dân ấp Bình Lợi, xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chủ động xây dựng mô hình nuôi dê nhốt chuồng quy mô lớn (thí điểm), khởi đầu cho phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi do Hội Nông dân xã phát động.

Để giúp người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và từng bước thay thế phương thức canh tác bất hợp lý, đảm bảo tính bền vững, giữ gìn và cải thiện môi sinh nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Chư Pưh đã triển khai dự án phát triển hồ tiêu bền vững bằng các chế phẩm sinh học.

Triển khai từ tháng 11-2015, đến nay, mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng thử nghiệm cây cà chua Picota tại Khu Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn, huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã có vụ trái thu hoạch đầu tiên.