Chất Lượng Rau Trồng Theo Phương Pháp Hữu Cơ

Trong khi nhiều vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn TP Hà Nội lo lắng về việc tiêu thụ sản phẩm, mô hình sản xuất rau hữu cơ tại huyện Sóc Sơn lại có đầu ra tương đối ổn định, thậm chí không có hàng để bán. Theo các hộ nông dân, bí quyết để rau trồng theo phương pháp hữu cơ (rau hữu cơ) có đầu ra ổn định là chất lượng sản phẩm phải đảm bảo.
Thu nhập ổn định
Chị Hoàng Thị Vì, thôn Bái Thượng, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn là hộ có thâm niên trong việc trồng rau an toàn tại địa phương. Tuy nhiên, một thời gian hàng ngày chị vẫn phải gánh rau ra chợ bán với giá khá bấp bênh, lên xuống tùy theo thị trường. Năm 2009, chị Vì quyết định tham gia nhóm sản xuất rau hữu cơ Ánh Dương, xã Thanh Xuân. Chị cho biết, từ khi chuyển sang trồng rau hữu cơ, giá bán rau ổn định hơn rất nhiều, vì được ký hợp đồng tiêu thụ cho cả năm. Với diện tích gần 3 sào rau hữu cơ, thu nhập bình quân của chị Vì đạt hơn 3 triệu đồng/tháng.
Cũng giống như chị Vì, nhiều thành viên trong nhóm sản xuất rau hữu cơ Bái Thượng rất phấn khởi tham gia mô hình này, bởi thu nhập ổn định. Nhóm hiện có 8 thành viên với diện tích 7.700m2, trồng tất cả các loại rau theo mùa vụ. Năng suất rau vụ xuân hè đạt 2,3 - 2,5 tấn/tháng, vụ thu đông khoảng 3 - 3,5 tấn/tháng. Chị Nguyễn Thị Nhung, trưởng nhóm rau hữu cơ Bái Thượng cho biết, trồng rau hữu cơ giảm được 1/3 chi phí vật tư đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón so với sản xuất rau thông thường nên hiệu quả sản xuất cao. Thu nhập bình quân của các thành viên trong nhóm đạt 3 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình trồng rau hữu cơ được đưa về ứng dụng tại xã Thanh Xuân từ năm 2008 dưới sự hỗ trợ của T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và Dự án phát triển nông nghiệp châu Á của Đan Mạch (ADDA). Đến nay, toàn xã Thanh Xuân có 9 nhóm sản xuất rau hữu cơ với diện tích 6ha. Ngoài xã Thanh Xuân, một số xã khác trên địa bàn huyện Sóc Sơn cũng đang phát triển mô hình trồng rau hữu cơ như Đông Xuân, Xuân Giang... với tổng diện tích đạt trên 20ha. Đây là hướng đi tạo việc làm hiệu quả và mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Kiểm soát chặt chất lượng rau
Trong khi nhiều vùng rau an toàn của Hà Nội đang lay lắt tìm đầu ra cho sản phẩm thì tại các vùng rau hữu cơ của huyện Sóc Sơn, việc tiêu thụ sản phẩm khá dễ dàng. Đơn cử, tại nhóm rau hữu cơ Bái Thượng toàn bộ sản phẩm được Công ty CP Hà Nội Organic Roots ký hợp đồng tiêu thụ. Giá bán rau hữu cơ hiện nay bình quân đạt 14.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 - 8.000 đồng so với rau thông thường. "Để có được đầu ra ổn định, chúng tôi phải tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất rau hữu cơ, chất lượng sản phẩm luôn phải đảm bảo an toàn" - chị Nhung chia sẻ.
Theo ông Lê Minh Quyền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân, hiện sản lượng rau hữu cơ toàn xã đạt 20 tấn/tháng. Toàn bộ 100% sản phẩm được các công ty trên địa bàn Hà Nội thu mua như: Công ty CP Hà Nội Organic Roots, Công ty CP Nông sản ngon, Tâm Đạt, Ecomart… Ngoài ra, để đẩy mạnh đầu ra cho rau hữu cơ, hàng tháng, Hội Nông dân xã Thanh Xuân còn phối hợp với các nhóm sản xuất và doanh nghiệp tổ chức các tour du lịch tham quan và mua sản phẩm ngay tại ruộng sản xuất.
Hiện nay nhu cầu tiêu dùng sản phẩm rau hữu cơ của thị trường rất lớn. Chính vì vậy, xã Thanh Xuân đang mở rộng thêm 4 nhóm sản xuất rau hữu cơ với diện tích 6 ha tại thôn Chợ Nga, dự kiến sẽ cho sản phẩm vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, theo ông Quyền, việc mở rộng không triển khai ồ ạt mà phải làm từng bước, trong đó điều quan trọng nhất là phải đảm bảo chất lượng rau. Chính vì vậy, Hội Nông dân xã, huyện cũng đang tích cực triển khai tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ và kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm.
Related news

Đối với người dân huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thì cây bời lời trắng không còn xa lạ bởi từ lâu loại cây này đã có mặt hầu như ở khắp nơi, từ khe suối đến dốc đá cao. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mang lại của nó rất thấp nên người dân chẳng mấy quan tâm tới loại cây này.

Gia Lai hiện có khoảng 78.000 ha cà phê kinh doanh đang đối mặt với tình trạng giảm năng suất, chất lượng, cộng với giá cà phê đang xuống thấp khiến người nông dân thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Những ngày qua, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh bước vào thu hoạch cà phê.

Vụ sản xuất lúa đông xuân 2015 - 2016, TP Cần Thơ dự kiến gieo sạ khoảng 86.770 ha, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố đã và đang tích cực khuyến cáo nông dân chuẩn bị cho mùa vụ thật chu đáo, đảm bảo ăn chắc trong vụ lúa này.
Để phát triển được ngành mía đường, theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, điều quan trọng nhất là phải quan tâm đến giống mía. Thời gian qua, Tập đoàn Thành Thành Công đã nghiên cứu và biết rằng khí hậu, thổ nhưỡng Tây Ninh rất phù hợp cho cây mía sinh trưởng.

Cùng với sự phát triển kinh tế chung của cả nước, thì đời sống của nông dân ngày nay đã được cải thiện rõ rệt, có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính những mảnh vườn, công đất của mình.