Bước Tiến 15 Năm
Từ một xã gặp nhiều khó khăn sau khi chia tách, nhưng bằng sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, nên qua 15 năm phát triển, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
Được chia tách từ xã Vị Thủy vào năm 1999, lúc này, Vị Trung gặp không ít khó khăn, đó là: giao thông đi lại không thuận lợi do đa phần còn là đường đất; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều trở ngại; tỷ lệ hộ sử dụng điện thấp; hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao (gần 30%); đội ngũ cán bộ thiếu và trình độ chuyên môn nghiệp vụ thấp,…
Thế nhưng, qua 15 năm phấn đấu, hiện Vị Trung đã có những bước tiến mạnh mẽ, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, thể hiện rõ nhất là thường xuyên mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống lúa chất lượng trong canh tác. Hình thành các tuyến đê bao, nhờ đó đến nay có 1.589ha đất trồng lúa trên địa bàn xã đã cơ bản được khép kín, người dân từ sản xuất 2 vụ lúa/năm tăng lên 3 vụ/năm.
Xây dựng đê bao hoàn chỉnh và đầu tư trạm điện là điều kiện giúp nền nông nghiệp Vị Trung có nhiều bước tiến trong thời gian qua.
Trên cơ sở đầu tư hệ thống đê bao và cống bọng hoàn chỉnh, đã có 4 trạm bơm điện do bà con tự bỏ vốn ra đầu tư, với diện tích bơm tát trên 500ha. Ông Châu Hồng Hưởng, nông dân ở ấp 9 vừa đầu tư hơn 300 triệu đồng để làm trạm bơm điện phục vụ bơm tát cho gần 100ha lúa của 130 hộ dân.
Ông Hưởng chia sẻ: “Sau khi Nhà nước đầu tư đê bao và cống bọng kiên cố, tôi đã mạnh dạn làm trạm bơm. Từ khi có trạm bơm đến nay, việc làm lúa của bà con khỏe hơn rất nhiều, năng suất lúa tăng lên đáng kể, từ đó thu nhập cũng cao hơn trước”.
Một điều đáng ghi nhận trong sản xuất nông nghiệp hiện nay của Vị Trung là, hơn 90% nông dân trồng lúa áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, phun thuốc và thu hoạch, nhờ vậy đã giảm được nhân công lao động, hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập.
Nếu như thu nhập bình quân đầu người của xã khi mới chia tách là 11 triệu đồng/người/năm, thì nay tăng lên 26 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo gần 30% vào năm 1999, hiện chỉ còn hơn 10%, phấn đấu cuối năm 2014 còn dưới 7%.
Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, nét đổi thay dễ nhận thấy nhất của Vị Trung chính là hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng được đầu tư nâng cấp, mở rộng khang trang, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa cho người dân.
Nếu như vào thời điểm mới chia tách, toàn xã chưa có đến 10km lộ được làm nhựa hoặc bê tông, thì hiện nay, xã đã có 45km ở các tuyến đường trục chính được nhựa và bê tông hóa, các tuyến đường nhánh cũng được cứng hóa, đảm bảo cho người dân đi lại dễ dàng trong 2 mùa mưa nắng.
Song song đó, hệ thống điện, y tế, giáo dục cũng được Vị Trung quan tâm; công tác chăm lo cho gia đình chính sách, xóa đói giảm nghèo luôn được thực hiện tốt, trong đó, xã đã cơ bản xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách gặp khó khăn về nhà ở; tình hình an ninh trật tự được giữ vững;...
Ông Nguyễn Văn Tấn, ở ấp 10, phấn khởi cho biết: “Vị Trung bây giờ thay đổi nhiều lắm, ngày trước đốt đèn dầu, đi lộ đất, còn bây giờ nhà nào cũng có điện chiếu sáng với đầy đủ tiện nghi, ra đường lộ làng thông thoáng xe chạy ngon lành, làm ruộng toàn bằng máy móc... Nói chung, cuộc sống bây giờ khỏe hơn trước nhiều, tuy ở nông thôn nhưng không khác gì thành thị”.
Ngoài đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, thì việc củng cố, nâng chất đội ngũ cán bộ cũng được Vị Trung đặc biệt quan tâm. Khi mới chia tách, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ xã rất thấp nên thời gian qua, UBND xã đã tạo mọi điều kiện để lực lượng này được đi đào tạo. Chính vì vậy, hiện các cán bộ đã cơ bản được chuẩn hóa, riêng những cán bộ chủ chốt đều qua trình độ đại học, trong quy hoạch cán bộ luôn đảm bảo tính kế thừa.
Với những kết quả đạt được trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội, vào năm 2011, Vị Trung vinh dự được công nhận xã văn hóa. Qua hơn 3 năm xây dựng nông thôn mới, hiện Vị Trung đã hoàn thành 7/19 tiêu chí, dự kiến cuối năm nay, sẽ hoàn thành thêm 5 tiêu chí.
Bí thư Đảng ủy xã Vị Trung Nguyễn Minh Vương, cho hay: Từ một xã còn gặp nhiều khó khăn sau khi chia tách, thời gian qua, nhờ sự quan tâm giúp đỡ từ các cấp, các ngành và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, nên Vị Trung mới có bước phát triển như hôm nay.
Đặc biệt, nhằm chào mừng Vị Trung 15 năm thành lập, huyện Vị Thủy tròn 15 năm hình thành, thời gian qua, Vị Trung đã phát động nhiều phong trào như: vận động người dân cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng những tuyến đường đẹp ở các trục đường chính của xã; phát động quỹ an sinh xã hội, thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa;…
Với những hoạt động trên, cùng với những định hướng phát triển của Đảng bộ, chính quyền xã, tin rằng Vị Trung sẽ tiếp tục có nhiều bước tiến mới trong những năm tiếp theo...
Có thể bạn quan tâm
Bà con 2 thôn Phú Sơn Nam và Phú Sơn 1, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng) đang thu hoạch đợt cuối vụ đậu xanh cao sản, lần đầu tiên đưa vào SX trên vùng đất khô hạn theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong vòng 70 ngày kẻ từ khi tra hạt, đậu cho năng suất hơn 2 tấn/ha. Với giá 22 nghìn đồng/kg, người trồng thu hơn 40 triệu đồng/ha, cao gần gấp 2 lần trồng lúa.
17 hộ nuôi cá lồng trên dòng Kênh Than - nơi giao nhau với vịnh Nghi Sơn, thuộc xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đang đứng ngồi không yên bởi hiện cá chết hàng loạt. Mấy ngày qua, có người đã phát ốm vì thất thu hàng trăm triệu đồng, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
So với thời điểm sau Tết Nguyên đán, giá đậu phộng do nông dân huyện Tri Tôn (An Giang) canh tác ở vùng ruộng trên giảm gần 100.000 đồng/giạ (tương đương 40 lít).
Những ngày cuối tháng 7, các vùng quê huyện Gio Linh và Cam Lộ (Quảng Trị) đang vào mùa thu hoạch bơ. Nông dân rất phấn khởi vì vụ bơ năm nay được mùa, cho thu nhập cao.
Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh Nam Định đã và đang có bước phát triển mạnh. Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm tập trung có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh đã nuôi thả 15.567ha, trong đó nuôi nội đồng 9.410ha, nuôi mặn lợ 6.159ha.