Chất Lượng Cà phê Giảm Do Thiếu Sân Phơi
Tỉnh Đắk Lắk là địa phương trọng điểm càphê của cả nước nhưng hiện nay đang diễn ra tình trạng thiếu sân phơi nghiêm trọng, không những gây thất thoát sau thu hoạch mà còn góp phần làm giảm chất lượng càphê xuất khẩu.
Qua điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, trong chế biến khô (chủ yếu ở các nông hộ sản xuất kinh doanh càphê ở Đắk Lắk), sân phơi là yếu tố quan trọng nhất, theo tính toán, bình quân một hécta càphê cần 99 mét vuông sân phơi. Thế nhưng, hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk chỉ có khoảng 20% nông hộ sản xuất kinh doanh càphê phơi hoàn toàn trên sân ximăng và 0,2% số hộ sử dụng máy để sấy quả càphê.
Các nông hộ sản xuất kinh doanh càphê còn lại chủ yếu là phơi càphê trên sân đất hoặc kết hợp giữa sân đất với bạt, sân gạch.
Các vùng trọng điểm càphê của tỉnh như Cư M’Gar, Krông Năng, Krông Búk, Ea H’Leo, thị xã Buôn Hồ, Krông Pắk trong thời điểm thu hoạch rộ cũng do thiếu sân phơi nên lưu giữ quả tươi trong bao bì, hoặc ủ thành đống từ 6 đến 7 ngày. Cá biệt có những hộ lưu giữ trên 10 ngày.
Việc phơi càphê trên sân đất cũng như ủ quả càphê lâu đã gây ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng sản phẩm càphê nhân, nhất là các quả càphê xanh, non được thu hoạch lẫn lộn, sau khi ủ đều làm tăng tỷ lệ hạt đen, hạt nâu.
Mặt khác, ở Đắk Lắk, các nông hộ sản xuất kinh doanh càphê cũng thực hiện nhiều biện pháp phơi càphê để cho mau khô như phơi nguyên quả, xát dập trước khi phơi.
Cụ thể, trên địa bàn tỉnh hiện nay có trên 44% số hộ sau khi thu hoạch về sau đó phơi nguyên quả càphê trên sân đất, 40% số hộ kết hợp vừa phơi nguyên quả vừa xát dập và có 4% số hộ là xát dập càphê hoàn toàn trước khi phơi.
Cũng theo các cơ quan chức năng, việc xát dập càphê trước khi phơi có ưu điểm là rút ngắn thời gian phơi nhưng lại dễ làm càphê mất phẩm cấp sản phẩm càphê nhân.
Cũng chính do các nông hộ sản xuất kinh doanh càphê ở Đắk Lắk triển khai thu hoạch bằng cách tuốt đều từ quả chín, xanh non lẫn lộn cộng với việc phơi quả càphê trên sân đất nên tỷ lệ hạt đen, nâu, lỗi càng nhiều làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm càphê.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có trên 195.000 hécta càphê, sản lượng mỗi năm đạt trên 400.000 tấn càphê nhân, trong đó 85% diện tích là của các nông hộ.
Thiết nghĩ, tỉnh cần sớm có đề án, giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nông hộ vay vốn ngân hàng đầu tư thâm canh phát triển bền vững cây càphê, trong đó có việc đầu tư xây dựng sân phơi nhằm góp phần nâng cao chất lượng càphê xuất khẩu để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn./.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi các tiểu thương tại các chợ truyền thống không mặn mà bán rau sạch, rau an toàn vì không thu hút được người mua thì các hợp tác xã, công ty sản xuất rau sạch vẫn nhìn thấy nhiều cơ hội và đã liên tiếp mở rộng diện tích, tăng thị phần nhờ xây dựng được kênh phân phối đến người tiêu dùng.
Mặc dù giá tăng mạnh và hút hàng, nhưng rất ít nhà vườn có xoài cát Hòa Lộc để cung cấp cho thị trường do mùa xoài chính vụ đã qua. Hiện nay, chỉ một số nhà vườn có kinh nghiệm trồng xoài cát Hòa Lộc theo phương pháp rải vụ mới có xoài cung cấp cho thị trường.
Theo ước tính trong 10 tháng đầu năm 2013, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh Khánh Hòa đạt 72.380 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Châu (ấp Thạnh Hòa, xã Bình Thạnh, Châu Thành, An Giang) cho biết, ông thu hoạch 2 công ớt cách đây gần 1 tháng, năng suất 1 tấn/công chỉ bán được giá 14.000-15.000 đồng/kg. Hiện nay, giá ớt đã tăng vọt 36.000-38.000 đồng/kg nhưng ông không còn ớt để bán. Ông Huỳnh Quang Phục (ấp Bình Tây 1, xã Phú Bình, Phú Tân) chia sẻ: “Hơn 20 ngày trước, tôi thu hoạch gần 7 công ớt, bán 15.000-16.000 đồng/kg, vừa trồng lại đợt ớt mới thì ớt tăng giá mạnh”.
Bên cạnh cái lợi là tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân thì nuôi trồng thủy hải sản trên cát lại tiềm ẩn không ít hiểm họa. Đó là môi trường xung quanh ao nuôi bị ô nhiễm, kéo theo dịch bệnh, thất thu…