Chàng Trai Trẻ Thành Công Với Mô Hình Nuôi Rắn Ở Hòa Bình
Với ý chí và lòng quyết tâm của chàng trai trẻ Dương Quốc Trung, 33 tuổi ở tiểu khu Thạch Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng thành công mô hình nuôi rắn hổ mang và là người duy nhất nuôi “rắn độc” ở huyện Đà Bắc. Mỗi năm anh xuất bán 3 tạ rắn, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Trước khi đến với nghề nuôi rắn vào năm 2008 anh nuôi nhím, lúc đó nhím rất phát triển ở Đà Bắc, nhiều hộ gia đình trở nên giàu có nhờ nuôi nhím. Giờ đây giá nhím thương phẩm và nhím giống đều giảm nên anh nuôi với số lượng ít và chuyển sang nghề nuôi “rắn độc”.
Anh Trung tâm sự: “Lúc đầu có ý định nuôi rắn hổ mang, gia đình tôi phản đối quyết liệt lắm vì nuôi loài này rất nguy hiểm, lơ là hay không cẩn thận một chút thôi là có thể bỏ cả tính mạng. Nhưng với niềm đam mê tôi vẫn bắt tay vào làm, để có được con giống tôi “khăn gói” lên tỉnh Vĩnh Phúc để mua, tại đây tôi còn học hỏi được rất nhiều kiến thức về cách nuôi loài này”. Anh đã đầu tư xây dựng 2 dãy chuồng để nuôi, với thiết kế rất khoa học ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Ô nuôi xây theo hình vuông với kích thước dài, rộng, sâu bằng nhau (50 x 50 x 50 cm). Trong mỗi ô tùy kích cỡ của rắn mà thả số lượng nhiều hay ít cho phù hợp.
Rắn hổ mang dễ nuôi, là loài ăn tạp thức ăn chủ yếu là cóc, nhái, gà con, vịt con. Nguồn thức ăn này trên địa bàn rất nhiều, dễ kiếm và rất rẻ. Anh Trung cho rắn ăn 3 ngày 1 bữa, mỗi bữa ăn 2-3 lạng cóc và tùy từng loại, từng độ tuổi mà cho ăn khẩu phần ăn khác nhau. Điều đặc biệt, rắn hổ mang chỉ ăn thức ăn từ tháng 3 đến tháng 9 (âm lịch) và nằm ngủ mà không ăn từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Chính vì thế mà không tốn nhiều thức ăn, không mất nhiều công chăm sóc, hiệu quả thu về cao.
Hiện tại, trong chuồng nuôi của anh Dương Quốc Trung có khoảng 250 con rắn hổ mang, trong đó có 50 cặp bố mẹ, số còn lại là con nhỡ và nhỏ. Rắn nuôi khoảng 2 năm mới trưởng thành và động dục, mùa động dục của rắn vào tháng 3-4 (âm lịch) nên lúc đó cần ghép đôi rắn đực với rắn cái. Sau khi phối giống thành công cần cho rắn ăn no và đủ chất dinh dưỡng để nuôi trứng. Rắn chửa khoảng hơn 2 tháng thì đẻ, cũng như loài ba ba và cá sấu rắn cũng tìm ổ đẻ và lấp cát phủ lên. Theo kinh nghiệm nuôi của anh Trung cho biết: “rắn đẻ khoảng 12-20 quả trứng, sau khoảng 55-60 ngày trứng rắn nở 80-90%, lúc này cần phải chăm sóc đặc biệt, lượng thức ăn đủ chất dinh dưỡng, chuồng trại luôn sạch sẽ để tránh bệnh tật xảy ra”.
Từ khi nuôi đến khoảng 2 năm rắn đạt trọng lượng trung bình từ 1,8 – 2 kg/con, với giá bán thương phẩm 800.000 – 1.200.000 đồng/1kg. Giá rắn con là 900.000 đồng/con. Mỗi năm anh xuất bán trên dưới 3 tạ rắn, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thị trường đầu ra anh không phải lo vì đã có Công ty rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bao tiêu hết sản phẩm, nhiều khi không có đủ rắn để bán.
Có thể nhận thấy rằng nuôi rắn không cần vốn đầu tư lớn mà lãi gấp nhiều lần so với cấy lúa hay các nghề phụ khác. Thời gian tới anh Trung sẽ đầu tư xây thêm chuồng trại để mở rộng quy mô chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Với trên 10 triệu hộ chăn nuôi nhỏ, việc đảm bảo lợi ích cho người nông dân trước sức ép cạnh tranh khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang trở thành bài toán nan giải.
Khoảng những năm 2009 - 2011, phong trào nuôi nhím trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) phát triển rầm rộ
Nhờ áp dụng công nghệ trong chăn nuôi lợn, ông Trịnh Duy Tân, ở xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, Ninh Bình đã trở thành tỷ phú.
Với ý tưởng sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội, mô hình “Chăn nuôi gà an toàn theo chuỗi giá trị” của tác giả Nguyễn Quốc Kiệt, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công
Chiều ngày 14/9, Công an huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp xác nhận, khoảng 15 giờ, ngày 13/9, chiếc sà lan biển kiểm soát CT-06968 trong lúc lưu thông trên sông Tiền.