Sản Xuất Con Giống Thuỷ Sản Ở Quảng Ninh Chưa Đáp Ứng Được Nhu Cầu
Với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, Quảng Ninh là tỉnh có tiềm năng rất lớn về nuôi trồng thuỷ sản trên cả 3 loại hình nước mặn, nước lợ và nước ngọt; không những thế, số loài thuỷ sản thích nghi tốt với môi trường ở Quảng Ninh cũng rất phong phú, đa dạng. Thế nhưng, thật đáng tiếc là đến nay, nguồn giống thuỷ sản sản xuất tại chỗ của tỉnh mới chỉ đáp ứng được 19,8% so với nhu cầu thực tế...
Trên địa bàn tỉnh hiện có tất cả 17 cơ sở sản xuất giống thuỷ sản; gồm 14 trại sản xuất kinh doanh giống nước mặn và nước lợ, 13 trại sản xuất kinh doanh giống nước ngọt, cùng khoảng 20 hộ ương dưỡng dịch vụ giống thuỷ sản. Hầu hết các trại giống đều có hệ thống bể lắng lọc, hệ thống xử lý nước thải, bể chứa, bể nuôi cá bố mẹ, bể ương... được thiết kế, bố trí vận hành, sử dụng hợp lý và đảm bảo đủ điều kiện chất lượng con giống.
Công suất mỗi trại bình quân đạt khoảng 30-40 triệu con giống/năm, tập trung chủ yếu ở các địa phương: Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Đầm Hà, Đông Triều. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, lượng con giống thuỷ sản mà các trịa giống này cung cấp mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu sử dụng trong toàn tỉnh (giống nước ngọt đáp ứng 70%, tôm giống đáp ứng 20% và nhuyễn thể chỉ đáp ứng được 12% nhu cầu).
Thực trạng này buộc không ít các cơ sở ương giống phải nhập con giống từ Trung Quốc hay những tỉnh, thành lân cận trong khu vực phía Bắc để cung cấp cho người nuôi.
Điều này không chỉ gây ra nhiều bất cập trong công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch con giống mà còn tạo nguy cơ cho nghề nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh phát triển kém bền vững. Rõ nhất là trong việc nuôi thuỷ sản nhuyễn thể trong thời gian qua. Do phong trào phát triển mạnh nhưng lượng con giống sản xuất tại chỗ không đủ đáp ứng nên một số cơ sở đã lấy giống bố mẹ từ vụ nuôi năm trước để đến năm sau cho sinh sản dẫn đến hiện tượng cận huyết, thoái hoá giống.
Chưa kể không ít người nuôi đã nhập giống từ Trung Quốc, miền Nam hay một số tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng… về ương nuôi, do quá trình vận chuyển kéo dài, môi trường thay đổi đột ngột làm cho chất lượng con giống thả nuôi đạt tỷ lệ thấp, vấn đề kiểm dịch khó thực hiện. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dịch bệnh trên loài nhuyễn thể xảy ra liên tục trong thời gian qua...
Từ thực tế trên, có thể nói, việc chủ động được số lượng con giống, chất lượng con giống sạch bệnh góp phần không nhỏ quyết định tỷ lệ thành công trong nuôi trồng thuỷ sản. Theo quy hoạch tổng thể ngành thuỷ sản Quảng Ninh đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 thì diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2015 sẽ là 21.900ha, sản lượng đạt 40.000 tấn và diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2020 là 23.000ha, sản lượng là 53.000 tấn.
Muốn vậy, nhu cầu giống cần có theo tính toán đến năm 2015 sẽ là gần 5 tỷ con, năm 2020 là gần 6 tỷ con. Điều này cho thấy nhu cầu về con giống cho phát triển nuôi trồng thuỷ sản của Quảng Ninh là rất lớn, nhưng khả năng cung ứng giống tại chỗ còn nhiều hạn chế, đặc biệt là các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao.
Trong thời gian qua, lĩnh vực sản xuất kinh doanh giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Chẳng hạn như đa số các trại sản xuất dần hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng và trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất giống; nhiều công nghệ sản xuất các loài thuỷ sản mới có giá trị kinh tế được đưa vào sử dụng; việc quản lý nhà nước về lĩnh vực sản xuất kinh doanh giống thuỷ sản dần đi vào nề nếp…
Tuy nhiên, các trại giống vẫn hình thành mang tính tự phát, chưa được đầu tư đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, như chưa có hệ thống quan trắc môi trường phục vụ sản xuất giống thuỷ sản, việc xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý…
Bên cạnh việc chưa thực hiện được công tác quy hoạch vùng sản xuất giống thuỷ sản, các nghiên cứu về phòng trị bệnh trong quá trình sản xuất giống mới cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất giống chuyển giao chậm nên hầu hết các cơ sở đều sản xuất theo quy trình cũ.
Chính vì thế, việc sản xuất nguồn giống tại chỗ vẫn chưa xứng với tiềm năng hiện có, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh, cho biết, để khai thác tốt tiềm năng về sản xuất giống thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, cần phải thực hiện đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp.
Trước mắt, cần sớm sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng hình thành các trung tâm ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống thuỷ sản; đồng thời tổ chức tốt việc quy hoạch, hình thành các vùng hạ tầng sản xuất giống tập trung.
Song song với đó, tỉnh cũng cần tập trung triển khai và đẩy nhanh việc ưu tiên nguồn vốn, hỗ trợ hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị cũng như đầu tư xây dựng cho các dự án về sản xuất giống thuỷ sản trong toàn tỉnh.
Theo Đề án phát triển giống của tỉnh, ngoài các trại giống hiện có, từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ tập trung đầu tư mới Trung tâm Sản xuất giống nhuyễn thể tại Vân Đồn, trại giống hải sản Đầm Hà, trại sản xuất tôm chất lượng cao ở Quảng Yên. Việc hình thành các vùng sản xuất giống này không chỉ đáp ứng được nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản, mà còn gắn với quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung theo các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh…
Có thể bạn quan tâm
Bộ NN-PTNT dẫn thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre, Vĩnh Long báo cáo cho biết, thời gian này cá tra phát triển khá tốt, các cơ sở nuôi đang tiếp tục thả giống.
Tánh Linh là một huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, sản xuất nông nghiệp của huyện ngoài các cây chủ lực như cao su, bắp, lúa nước, khoai mì,… ngành nuôi trồng thủy sản tại Tánh Linh cũng đang được đầu tư phát triển.
Tuy luôn đứng ở hàng đầu trong các thị trường nhập khẩu (NK) tôm, nhưng thị trường Australia vẫn còn nhiều thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) Việt Nam.
Cuối vụ, giá dưa hấu ở các tỉnh miền Trung đồng loạt tăng đột biến lên 10.000 đồng mỗi kg, gấp hơn 10 lần so với mức thu mua ở một số nơi hồi tháng trước.
Những năm qua, huyện Hải Hậu (Nam Định) đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế. Trong đó phải nói đến những mô hình nuôi thỏ đã góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nông dân.