Hỗ Trợ Vốn Lưu Động Cho Nghề Biển
Chịu lãi suất cao khi vay “nóng” để lo chi phí chuyến biển khiến hiệu quả khai thác của ngư dân chưa cao. Theo chính sách mới, Nhà nước cho vay 70% chi phí chuyến biển sẽ tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm bám biển.
GẶP chúng tôi tại cảng cá Tam Quang (Núi Thành), nhiều chủ tàu cá cho biết sản lượng khai thác trong vụ sản xuất chính đến thời điểm này đạt tương đối cao, thế nhưng hiệu quả kinh tế thu được không tương xứng.
Ông Phạm Quá (thôn Tân Lập, xã Tam Hải, Núi Thành), chủ tàu cá QNa 90136 có công suất 450CV làm nghề lưới vây, chia sẻ: “Tính trung bình mỗi chuyến biển từ đầu vụ cá chính đến nay, gia đình tôi khai thác được khoảng 15 tấn/chuyến, bán được hơn 200 triệu đồng.
Nếu chỉ trừ chi phí của mỗi chuyến biển là hơn 100 triệu đồng thì cả chủ tàu và “bạn” đều có lãi. Tuy nhiên do phải “gánh” thêm khoản vay “nóng” với lãi suất 50% để mua sắm xăng dầu và các nhu yếu phẩm nên gia đình không thu nhập bao nhiêu”.
Từ đầu tháng 3, khi vụ sản xuất chính bắt đầu, giá cá ngừ và cá nục (sản phẩm chính của nghề lưới vây) chỉ đạt chừng 12 - 15 nghìn đồng/kg, giảm khoảng 5 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ. Trong khi đó giá nhiên liệu luôn tăng, cộng với lãi suất vay cao đã làm nhiều chủ tàu lo lắng. “Năm nay hiệu quả kinh tế của nghề lưới vây xuống thấp chưa từng thấy. Nếu đà này cứ tiếp diễn thì khó tìm người đi bạn.
Chỉ mong Nhà nước mau chóng triển khai chính sách cho vay vốn lưu động là 70% chi phí chuyến biển với lãi suất thấp để chúng tôi giảm chi phí trong mỗi lần sản xuất trên các vùng biển xa” - ông Phan Bá Tám (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang), chủ tàu cá QNa-91537 cho biết.
Để đóng được tàu cá có công suất lớn bám biển tại các vùng biển xa, do nguồn vốn hạn chế, hầu hết ngư dân phải vay thêm của ngân hàng. Do chi phí chuyến biển khá cao, nhiều ngư dân phải vay mượn của người thân, thậm chí vay “nóng” của các đầu nậu khiến chủ tàu luôn phải thấp thỏm lo âu vì chịu thiệt khi tiêu thụ hải sản.
Nỗi lo này sẽ được tháo gỡ khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản được triển khai, nguồn vốn vay lưu động sẽ giúp ngư dân làm chủ được những chuyến vươn khơi của mình.
Khi không còn phụ thuộc vào đầu nậu thì ngư dân sẽ lựa chọn cho mình chỗ bán hải sản đem lại giá trị cao nhất, qua đó nâng cao hiệu quả chuyến biển. Điều quan trọng là các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai việc cho vay này như thế nào để ngư dân dễ dàng tiếp cận.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin từ Sở Công thương TPHCM, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy hải sản Việt Nam sang các thị trường truyền thống như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ đang giảm mạnh.
Theo số liệu của của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhu cầu gỗ cứng của Trung Quốc không ngừng tăng, đặc biệt là gỗ cứng từ Mỹ.
Các đợt khô hạn bắt đầu ảnh hưởng đến lĩnh vực thương mại gạo của Thái Lan, làm cho giá gạo tăng.
Ngay sau khi lệnh cấm được gỡ bỏ, việc NK sẽ thực hiện ngay vào tháng 8/2015.
Sáng 6/7, tại TP Cần Thơ, diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Tập đoàn tôm giống Việt - Úc và Trường ĐH Cần Thơ.