Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn nuôi gia cầm trước thềm TPP như ngọn đèn mong manh trước gió

Chăn nuôi gia cầm trước thềm TPP như ngọn đèn mong manh trước gió
Ngày đăng: 26/09/2015

Nội dung trên được nêu ra trong buổi Hội thảo "Tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm trước thềm hội nhập TPP" được Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức ngày 24/9 tại Hà Nội.

Chăn nuôi là ngành yếu thế nhất

Chăn nuôi gia cầm (vịt, ngan, ngỗng…) là một nghề truyền thống gắn bó với người dân Việt suốt từ Bắc tới Nam, từ miền núi, trung du tới đồng bằng, ven biển.

Hiện Việt Nam được xếp thứ 21 về các quốc gia sản xuất thịt gia cầm trên thế giới. Nếu tính riêng về vịt, Việt Nam là nước có tổng đàn vịt đứng thứ 2 trên thế giới, thuộc “top” 10 quốc gia có sản lượng thịt và trứng vịt lớn nhất thế giới.

Hội thảo "Tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm trước thềm hội nhập TPP" được Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức ngày 24/9 tại Hà Nội

Năm 2014, tổng đàn gia cầm cả nước đạt 328,1 triệu con, sản lượng thịt đạt hơn 873 ngàn tấn, trứng đạt hơn 8 triệu quả.

Mức tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bình quân/người/năm 2014 ở Việt Nam ước đạt gần 50kg thịt hơi các loại, trong đó thịt gia cầm tiêu thụ bình quân cho một người ở Việt Nam đã tăng từ 5,3kg năm 2008 lên 8,3kg vào năm 2014.

Gia cầm là con vật nuôi có nhiều lợi thế, ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm đến 70%, dẫn đến tính thiếu liên kết giữa sản xuất và thị trường.

Năng suất sản xuất gia cầm của Việt Nam chỉ đạt khoảng 50%, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khi việc kiểm soát dịch không hiệu quả. Trong khi đó, chi phí đầu vào từ: con giống, thức ăn, thuốc thú ý... đều cao, dẫn tới giá thành chăn nuôi cao, sức cạnh tranh yếu.

Trong bối cảnh đó, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu đã hoàn thành đàm phán và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đang đàm phán. Khi Việt Nam gia nhập sẽ phải đáp ứng được mức tiêu chuẩn cao và phải có độ cam kết sâu.

Việt Nam cũng phải hướng tới mục tiêu xoá bỏ 100% thuế nhập khẩu. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp cận được với một hiệp định có tiêu chuẩn cao như vậy và cũng sẽ là một sức ép cạnh tranh lớn với ngành chăn nuôi của Việt Nam.

TS. Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi gia cầm, mở ra nhiều triển vọng.

Tuy nhiên, ngành đang phải đối mặt với nhiều thách thức như quy mô nhỏ lẻ, dịch bệnh, năng lực người chăn nuôi cả về vốn, kỹ thuật, thị trường đều hạn chế, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chuỗi liên kết từ nuôi đến tiêu thụ lỏng lẻo, giá thành sản phẩm chăn nuôi cao hơn các nước trên thế giới nên khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

TS. Dương Xuân Tuyển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi Gia cầm Vigova, Viện Chăn nuôi nhận định, giá thành sản xuất chăn nuôi gia cầm ở nước ta còn cao, gà thịt lông trắng hơn 25.000 đồng, gà lông màu 38.000 đồng và vịt thịt trên 41.000 đồng. Trong đó chi phí về thức ăn chăn nuôi 72-75%, giống khoảng 14-15%. Chi phí tiền công trong cơ cấu giá thành rất thấp.

Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định, sản phẩm chăn nuôi gia cầm Việt Nam chưa có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và trên thế giới. Chi phí sản xuất/đơn vị sản phẩm của Việt Nam vượt cao hơn hẳn so với các nước khác.

Do đó phải giảm giá thành nhanh, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững để hội nhập. Trong khi đó, nhiều khi sản phẩm chăn nuôi gia cầm được đưa ra, người tiêu dùng vẫn cảm thấy lo ngại về chất lượng sản phẩm vì người chăn nuôi sử dụng các chất cấm.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, bên cạnh những thuận lợi khi hội nhập, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, như ngọn đèn mong manh trước gió.

Cần nâng cao sức cạnh tranh của chính mình

Nhiều đại diện doanh nghiệp tham dự Hội thảo đã chia sẻ những câu chuyện về đầu tư sản xuất, ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi và làm thế nào để sản phẩm chăn nuôi gia cầm cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu.

Ngành chăn nuôi gia cầm cần nâng cao sức cạnh tranh của chính mình

TS. Dương Xuân Tuyển, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi Gia cầm Vigova, Viện Chăn nuôi cho rằng, cần phải phân phối lại lợi nhuận trong chuỗi giá trị lợi nhuận chăn nuôi để kích thích người chăn nuôi.

Theo ông Tuyển, người chăn nuôi bỏ nhiều công và chi phí đầu tư nhưng chỉ thu được lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi là 5-6%, trong khi đó người bán buôn, bán lẻ thu 30-37%.

Về phía doanh nghiệp, khi thuế nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi về 0% sẽ là sức ép rất lớn đối với người chăn nuôi và các doanh nghiệp trong nước.

Ông Phạm Tân Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân chia sẻ, Công ty TNHH Ba Huân là công ty đầu tiên nhập máy xử lý trứng từ một tập đoàn xử lý trứng tự động hóa 100% tốt nhất trên thế giới.

Từ đó công ty Ba Huân làm thay đổi thói quen sử dụng trứng của người tiêu dùng Việt Nam. Trứng sạch, thịt gia cầm sạch và chuẩn hóa trang trại chăn nuôi gia cầm ở Bình Dương với quy trình khép kín đã được Ba Huân đầu tư.

Theo ông Hùng, điều đó cho thấy việc nâng cao năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp thích ứng và tận dụng được cơ hội trước thềm TPP.

Đánh giá cao chất lượng gà ta so với các loại gà công nghiệp ngoại nhập, đại diện Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư cho rằng đây có thể coi là một giải pháp an toàn cho người chăn nuôi trong nước.

“Khi gia nhập TPP, lợi nhuận chăn nuôi gà siêu thịt sẽ hẹp đi.

Trong bối cảnh đó, lựa chọn gà ta là một giải pháp để đạt ngưỡng an toàn.

Gà ta mang thương hiệu Việt sẽ tạo được thương hiệu sản phẩm và lối đi khác biệt. Ngoài ra, hiện người chăn nuôi gà ta có tỷ trọng lỗ rất thấp so với các loại gà khác”, đại diện công ty này nói.

Nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, khi nhập TPP, hàng rào thuế quan sẽ giảm đi, do đó phải nâng cao hàng rào kỹ thuật. Thứ hai là cạnh tranh thì dứt khoát phải nâng cao sức cạnh tranh. Ngành chăn nuôi là ngành bị tổn thương đầu tiên trong việc thực hiện Hiệp định TPP.

Cạnh tranh để chống lại sẽ có 3 vấn đề là chất lượng thịt, an toàn thực phẩm, giá thành và giá bán phải hạ hơn. Đây là 3 yêu cầu mà nếu không làm được chúng ta sẽ thua.

Ông Lịch thẳng thắn nói: “Muốn làm được, Bộ NN phải đổi mới tư duy của cán bộ để không gây khó khăn cho doanh nghiệp vì ngành chăn nuôi là nhập khẩu con giống, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Các tiêu cực ở cửa khẩu phải giảm đi, cơ quan công quyền phải minh bạch các giấy phép, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Hiện ngành thức ăn chăn nuôi của chúng tôi đăng ký đến 6 tháng nay mà không được cấp giấy phép nhập khẩu. Về phía người dân, không được sống “tùy tiện” nữa, con lợn con gà chết đừng vứt ra ao để phát sinh dịch bệnh.

Người dân chấp hành luật phải nghiêm chỉnh, cụ thể là luật về Thú y, luật về Chăn nuôi”.


Có thể bạn quan tâm

Hướng Hóa (Quảng Trị) Cấp Miễn Phí Cây Giống Cà Phê Cho Nông Dân Hướng Hóa (Quảng Trị) Cấp Miễn Phí Cây Giống Cà Phê Cho Nông Dân

Mặc dù gặp nhiều khó khăn và rủi ro trong vụ mùa năm 2013, song phần lớn nông dân trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn chọn loại cây này làm cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế.

21/05/2014
Gần 800 Ha Mía Bị Bệnh, Thiệt Hại Hàng Tỉ Đồng Gần 800 Ha Mía Bị Bệnh, Thiệt Hại Hàng Tỉ Đồng

Thiệt hại cho 1 ha mía bị phá bỏ từ 25 - 40 triệu đồng. Chi cục Bảo vệ thực vật Gia Lai đã khuyến cáo người dân phá bỏ diện tích mía bị nhiễm bệnh, thu gom tiêu hủy để loại trừ mầm bệnh, tránh lây lan sang diện rộng và trồng các loại cây khác trên diện tích mía bị bệnh, sau một năm mới trồng lại mía.

12/06/2014
Giải Pháp Sử Dụng Đất Phèn Hiệu Quả Giải Pháp Sử Dụng Đất Phèn Hiệu Quả

Hiện nay, xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng ĐBSCL đang diễn ra mạnh mẽ, việc nghiên cứu, sử dụng hiệu quả những vùng đất phèn rộng lớn của vùng là vấn đề được các nhà khoa học và nông dân quan tâm.

21/05/2014
Vấn Đề An Toàn Vùng Nuôi Trước Dịch Bệnh Bùng Phát Vấn Đề An Toàn Vùng Nuôi Trước Dịch Bệnh Bùng Phát

Đảm bảo an toàn vùng nuôi nhằm hạn chế mầm bệnh, dịch bệnh bùng phát, người nuôi tôm không sử dụng thuốc, hóa chất cấm trong nuôi tôm.

13/06/2014
Nâng Cao Chất Lượng Trái Cây Đặc Sản Nâng Cao Chất Lượng Trái Cây Đặc Sản

Cần chọn vùng đất thích nghi để quy hoạch thành vùng chuyên canh. Chọn cây giống có phẩm chất cao, sạch bệnh. Chú ý sử dụng cây giống đầu dòng làm mắt ghép và khai thác ưu thế của gốc ghép khỏe để giúp cây mới dễ ra hoa, đậu trái, tăng khả năng kháng sâu bệnh và chống chịu tốt với môi trường.

13/06/2014