Chăn nuôi bò mô hình giảm nghèo hiệu quả
Đầu năm 2013, được hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng từ Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững, anh Nguyễn Văn Hải (ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long) mạnh dạn làm chuồng mua 2 con bò về nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc, sau hơn 2 năm chăn nuôi, anh Hải đã cho xuất chuồng 2 đợt, với 4 con bò, mỗi con lời khoảng 8 triệu đồng. Hiện tại, anh Hải đã trả được 15 triệu đồng tiền vay và đang nuôi lại 2 con (trị giá 28,5 triệu đồng). Ước tính khi xuất chuồng 2 con bò này, anh Hải lời khoảng 22 triệu đồng.
Anh Hải chia sẻ: “Từ ngày được hỗ trợ vốn nuôi bò, kinh tế gia đình tôi được cải thiện đáng kể. Từ một hộ nghèo, không có vốn chăn nuôi, sản xuất, giờ đây tôi đã có 2 con bò bằng nguồn vốn của gia đình để chăm sóc. Đây là điều kiện tốt để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Long, Trưởng Ban Quản lý Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững cho biết, với lợi thế ít rủi ro, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên, lấy công làm lời, 18/23 hộ tham gia dự án đã chọn mô hình chăn nuôi bò. Sau hơn 2 năm thực hiện dự án, mô hình chăn nuôi bò đã giúp nhiều hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đến nay, các hộ chăn nuôi bò trong dự án đã có 2 lần xuất chuồng, mỗi cặp bò cho lợi nhuận dao động từ 18 - 25 triệu đồng. Nhờ hiệu quả của mô hình, qua rà soát có 19/23 hộ hưởng lợi từ dự án đã thoát nghèo, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Triển khai Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững giữa năm 2012, xã Vĩnh Thạnh có 31/42 hộ nghèo tham gia dự án vay vốn để nuôi bò (các hộ còn lại nuôi heo, buôn bán nhỏ, đan đát). Sau gần 3 năm triển khai dự án, trên 90% hộ nghèo tham gia dự án đã thoát nghèo, các hộ thoát nghèo phần lớn là các hộ chăn nuôi bò. Tính đến thời điểm này, các hộ nuôi bò trong dự án đã có 4 lần xuất chuồng, nhiều hộ thoát nghèo, trả lãi, hoàn lại vốn cho dự án và tái nuôi 2 - 3 con bò từ lợi nhuận thu được.
Gia đình ông Mai Văn Hai (ngụ ấp Nhơn Quới) do thiếu vốn, tư liệu sản xuất nên cái nghèo đeo bám gia đình ông Hai gần chục năm qua. Từ khi được Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững hỗ trợ vốn vay 15 triệu đồng để nuôi bò, kinh tế gia đình ông Hai dần được cải thiện. Từ khi nuôi đến giờ, ông đã xuất bán 7 con bò, lợi nhuận trên 70 triệu đồng, đã trả hết số tiền vay và mua lại 3 con bò trị giá 38 triệu đồng. Ông Hai chia sẻ: “3 con bò này khoảng 6 tháng nữa sẽ xuất chuồng, nếu nuôi thuận lợi sẽ cho lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng. Không có vốn nhiều nên nuôi bò là tiện nhất, chủ yếu là lấy công làm lời. Bán 3 con bò này tôi sẽ tiếp tục mua 3 con nữa về nuôi. Tôi tin con bò sẽ giúp gia đình tôi thoát nghèo bền vững”.
Ông Lê Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh cho biết: “Mô hình chăn nuôi bò đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân. Ngoài những hộ nuôi bò của dự án, thấy hiệu quả của mô hình nhiều bà con trên địa bàn xã cũng làm theo và đạt hiệu quả. Mô hình chăn nuôi bò thật sự đã tạo sức bật đối với những hộ nghèo tham gia dự án. Từ những hiệu quả thiết thực của mô hình, tôi tin các hộ nghèo tham gia dự án sẽ từng bước tiến tới giảm nghèo bền vững đúng theo mục tiêu của dự án”.
Có thể bạn quan tâm

Bắp rớt giá, mì vẫn ở mức giá thấp… trong khi chi phí vật tư, tiền công thu hoạch tăng khiến nông dân huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) lao đao. Nhiều người đang thiếu vốn sản xuất, có nguy cơ thiếu đói…

VietGAP thủy sản là quy trình sản xuất đảm bảo theo hướng an toàn dịch bệnh, môi trường và xã hội; đồng thời truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Với 4 tiêu chí này, VietGAP được xem là cách giúp nông dân “tăng lợi, giảm hại” bền vững. Thế nhưng, giải pháp hữu ích trên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi…

“Định vị hướng tới Lợi nhuận” là chủ đề của Hội nghị NTTS Châu Á - Thái Bình Dương và Triển lãm Thương mại (APA-2013) được tổ chức từ ngày 10 - 13/12/2013 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC).

Tổ chăn nuôi bò vỗ béo của Chi hội Cựu chiến binh ấp T4, xã Vĩnh Phú, là mô hình mới nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã giúp một số hội viên và nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Thời gian qua, việc phát triển cây cao su đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.500 lao động và công nhân khai thác có mức lương 10 triệu đồng/tháng.