Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Nuôi Cá Lồng Bè Lãi Cả Trăm Triệu

Mô Hình Nuôi Cá Lồng Bè Lãi Cả Trăm Triệu
Ngày đăng: 25/05/2014

Tính bình quân, người nuôi sau hơn một năm trừ hết các chi phí thức ăn, con giống còn lời khoảng 40 triệu đồng/một lồng bè.

Kiên Giang là một trong những tỉnh ở ĐBSCL có số lượng nuôi cá lòng bè trên biển lớn nhất, tập trung nhiều nhất là huyện Kiên Lương, Kiên Hải, Phú Quốc và thị xã Hà Tiên. Mỗi năm đóng góp sản lượng cá nước mặn lên hàng triệu tấn tiêu thụ trong nước và phục vụ nhu cầu XK rất lớn.

Tại Hòn Nghệ, đa số bà con đều nuôi cá mú và cá bóp để XK, một số ít nuôi cá tạp để tiêu thụ nội địa. Ông Trần Văn Sùng ở xã Hòn Nghệ, một ngư dân gắn bó với nghề nuôi cá lồng bè hơn 20 năm nay cho biết: “Trước đây vài năm tôi sống bằng nghề đánh bắt, nay đã chuyển sang nuôi cá mú lồng bè, vừa ít vốn vừa mang lại hiệu quả cao nhờ nguồn thức ăn tại chỗ, dễ tìm”.

Theo ông, bình quân mỗi lồng bè, người nuôi sau hơn một năm trừ hết các chi phí thức ăn, con giống còn lời khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu không may gặp con giống kém chất lượng, hao hụt nhiều, cá chậm lớn thì tiền lời rất mong manh.

Còn ông Vũ Ngọc Dẽo, người chuyên cung cấp cá giống cho biết, trước đây nguồn con giống chỉ bắt từ thiên nhiên, gần đây đa số đều mua từ Đài Loan hoặc bắt từ Nha Trang, khâu vận chuyển rất khó khăn nên giá thành khá cao (bình quân từ 80.000 - 100.000 đ/con, có loại 200.000 đ/con như mú nghệ).

Nhưng đối với những người năng động, chịu làm họ rất tự tin. Chính bản thân ông chỉ nuôi có 2 bè mỗi năm cũng thu nhập trên 100 triệu đồng. Cá mú hiện có nhiều loại như cá mú sao (500.000 đ/kg); mú hùm (340.000 đ/kg); mú heo... Ngoài ra còn có mú nghệ, giống mới nhập về từ Đài Loan, trung bình mỗi con cân nặng 15 kg.

Hòn Nghệ được xem là vùng nước nuôi cá rất thuận lợi, vì nguồn nước biển sạch xa đất liền. Chính vì vậy đã thu hút rất nhiều Cty đến thuê mặt nước để nuôi cá XK. Ông Trần Chính Hy, GĐ Cty Vĩnh Hằng Sương hiện có 77 ô nuôi cho biết: "Gần 3 năm nay Cty đã tiến hành đóng bè và chọn địa điểm ở xã Hòn Nghệ để tiến hành thả nuôi cá mú sao, đảm bảo nguồn nguyên liệu XK".

Theo ông Hy, nuôi cá mú sao lồng bè lợi nhuận rất cao, với điều kiện môi trường phải thích hợp và con giống thật tốt. Ngoài ra còn phải nắm vững kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh, biết theo dõi dòng chảy, môi trường và thức ăn.

Muốn cá mau lớn mật độ thả phải phù hợp với từng lứa tuổi của cá. Bình quân mỗi ô bè khoảng 6 - 10m2 nên thả khoảng 700 con/loại 0,5 kg. Thức ăn của cá thường là cá tạp nên lồng bè phải thông thoáng và bảo đảm vệ sinh.

Ngoài cá mú ra, ngư dân ở đây còn nuôi cá bóp, một loài cá thịt ngon, rất được nhiều người ưa chuộng. Ông Dẽo cho biết cá bóp dễ nuôi, mau lớn, tỉ lệ hao hụt không đáng kể và ít rủi ro hơn. Trọng lượng trung bình mỗi con từ 7 - 12 kg.

Điều trở ngại lớn nhất hiện nay là nguồn con giống, bà con phải thu mua con giống trôi nổi có sẵn mầm bệnh hoặc từ những người đánh bắt trong thiên nhiên. Cá bóp trong tự nhiên thường sinh sản từ tháng 4 đến tháng 9 nên bà con thường mua giống thả từ tháng 7.

Ông Năm Bửu một “chuyên gia” nuôi nuôi cá bóp ở Hòn Ngang thuộc xã Nam Du, huyện Kiên Hải cho biết, sau 18 tháng cho ăn đầy đủ, cá có thể nặng trên 10 kg, tỉ lệ hao hụt không đáng kể với điều kiện con giống phải khỏe mạnh.

Một trong những người nuôi cá mú và cá bóp với số lượng lớn là ông Lê Văn Kỉnh. Ông cho biết sau một thời gian nuôi ở Vũng Tàu không thành công do môi trường không thích hợp nên ông đã vào vùng biển Kiên Lương tiếp tục phát triển từ vài ngàn con đến hàng chục ngàn con.

Đầu năm 2014 ông đã xuất được 6 tấn cá các loại sang Trung Quốc và Hồng Kông. Tuy nhiên, lợi nhuận chưa cao lắm vì nguồn cá giống hao hụt quá nhiều. Ông đang nghiên cứu để tìm cách khắc phục.

Cá mú và cá bóp hiện nay được coi là đặc sản có giá trị thương phẩm cao nên phong trào nuôi bè ở các vùng biển đảo Kiên Giang ngày càng nhiều. Riêng tại Hòn Nghệ năm 2013 đã xuất trên 100 tấn cá các loại, hy vọng năm 2014 sản lượng sẽ tăng cao hơn.

Có điều, hầu hết các mô hình nuôi cá lồng bè từ trước tới nay đều mang tính tự phát, bà con tự mò mẫm, tự rút kinh nghiệm, thiếu sự hợp tác giữa người nuôi với ngành khuyến ngư nên không sao tránh được rủi ro.

Nhằm mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân trên đảo, tỉnh Kiên Giang đang quy hoạch lại vùng nuôi, xây dựng trại SX giống, đồng thời đề ra những biện pháp, chính sách thích hợp để nghề phát triển bền vững.

Ông Huỳnh Văn Chiều, Phó Chủ tịch UBND xã Hòn Nghệ cho biết: "Hướng tới đây xã sẽ xây dựng chương trình khuyến ngư ngay tại địa bàn và cử cán bộ chuyên môn thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi cá lồng bè nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ. Xã cũng đề nghị với huyện và tỉnh giúp ngư dân chủ động được nguồn giống bằng hình thức cho cá đẻ nhân tạo...".

Tỉnh Kiên Giang đang quy hoạch nuôi cá lồng bè trên biển khu vực quần đảo Nam Du (Kiên Hải), Bà Lụa (Kiên Lương), xã đảo Tiên Hải (quần đảo Hải Tặc - Hà Tiên) và quanh đảo Phú Quốc… phấn đấu đạt sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm và dự kiến đến năm 2020 tăng lên 3.000 lồng bè thả nuôi cho sản lượng 6.000 tấn/năm.


Có thể bạn quan tâm

Anh Bùi Văn Hoa với mô hình nuôi cá lóc đầu nhím Anh Bùi Văn Hoa với mô hình nuôi cá lóc đầu nhím

Anh Bùi Văn Hoa ngụ ấp Phú Thọ A, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cho biết, gia đình anh có 4 nhân khẩu, trong đó có 2 lao động chính. Những năm trước đây, thu nhập chính của gia đình chủ yếu là trồng lúa với diện tích 0,9ha, lợi nhuận không cao.

08/07/2015
Giám sát sự lưu hành virus gây bệnh trên tôm là điều cần thiết Giám sát sự lưu hành virus gây bệnh trên tôm là điều cần thiết

Tính đến ngày 26/06, Sóc Trăng đã thả giống 18.608 ha tôm nước lợ, đạt 41,35% kế hoạch, trong đó có hơn 5.304 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm 28,8% diện tích thả nuôi, đa số tôm chết ở giai đoạn từ 20 – 45 ngày tuổi.

08/07/2015
Trung tâm Giống thủy sản tỉnh tập trung bảo vệ các loại giống thủy sản Trung tâm Giống thủy sản tỉnh tập trung bảo vệ các loại giống thủy sản

Nắng hạn kéo dài đã tác động xấu đến hoạt động ương nuôi và sản xuất các loại giống thủy sản tại các Trạm thực nghiệm (TTN) nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trước tình hình trên, Trung tâm Giống thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT) đã ngừng sản xuất con giống, tập trung các biện pháp bảo vệ các loại giống thủy sản.

08/07/2015
Nuôi thủy sản lồng, bè trên sông Chà Và phải xử lý dứt điểm ô nhiễm nguồn nước Nuôi thủy sản lồng, bè trên sông Chà Và phải xử lý dứt điểm ô nhiễm nguồn nước

Từ đầu năm đến nay, cá, tôm, hàu nuôi tại các lồng bè trên sông Chà Và (Bà Rịa Vũng Tàu) vẫn chết rải rác. Đỉnh điểm là vào giữa tháng 6-2015, hiện tượng cá, tôm chết với mật độ cao hơn. Theo các hộ nuôi, để đưa nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và vào quy hoạch ổn định thì phải giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

08/07/2015
Chuyển đổi trên 3.800 ha lúa sang trồng bắp và rau màu Chuyển đổi trên 3.800 ha lúa sang trồng bắp và rau màu

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, trong vụ đông xuân 2014 - 2015 và hè thu 2015, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 3.800 ha đất lúa sang trồng bắp và rau màu. Cụ thể, ở vụ đông xuân 2014 -2015, toàn tỉnh chuyển đổi trên 3.400 ha, trong đó diện tích trồng bắp chiếm gần 2.600 ha. Riêng vụ hè thu 2015, huyện Hàm Thuận Bắc chuyển đổi 95 ha đất trồng lúa sang trồng rau các loại và huyện Tánh Linh chuyển đổi 400 ha đất trồng lúa sang trồng bắp.

08/07/2015