Chấn Chỉnh Chăn Nuôi Khu Vực Trung Du Miền Núi Phía Bắc
Các tỉnh này cần tập trung vào những con vật nuôi lợi thế và có khả năng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi cả nước, sáng 28/5, tại Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng ngành chăn nuôi và định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013 - 2015 các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Đây là 1 trong 3 hội nghị chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi ở 3 vùng miền trên cả nước.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc cho rằng, bên cạnh những khó khăn chung như về thị trường, về nguồn vốn, lãi suất và chi phí đầu vào tăng cao…, khu vực này còn phải đối mặt với dịch bệnh tiềm ẩn bùng phát trên diện rộng, gia súc, gia cầm bị chết vì rét đậm rét hại, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm giá rẻ diễn biến phức tạp... Mặc dù diện tích đất còn nhiều nhưng lại thiếu trang trại chăn nuôi lớn theo hướng công nghiệp, chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình, chuồng trại sơ sài.
Ông Chu Văn Tuyển, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho rằng: “Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sẽ có khả năng xảy ra dịch bệnh gia súc gia cầm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lí vấn đề môi trường và không tạo được vùng hàng hóa tập trung, khó có sản xuất theo chuỗi để giảm chi phí giá thành và đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Chính vì vậy cần có chính sách về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, có quỹ đất sạch dành cho chăn nuôi”.
Thiếu giống trầm trọng cũng là đặc điểm ở khu vực này. Người chăn nuôi thường xuyên phải lấy con giống nhập lậu từ Trung Quốc vì không có khả năng cung cấp giống tại chỗ.
Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn, cùng với những chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi về giống, vốn, kĩ thuật, thì ngành chăn nuôi cũng cần nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước.
“Việc quản lí lợi nhuận trong chăn nuôi lâu nay bất cập ở chỗ người sản xuất chịu giá thành cao, nhưng bán sản phẩm rẻ, người tiêu dùng lại phải mua vào với giá đắt. Suy cho cùng là ở khâu trung gian giữa người sản xuất và tiêu dùng chưa quản lí được và cũng chưa có một kiến nghị với Chính phủ để người chăn nuôi đỡ vất vả. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm nhiều hơn đến việc chia sẻ lợi nhuận”, bà Nhàn nói.
Trước những ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Vũ Văn Tám cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, trước hết, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc cần tập trung vào những con vật nuôi lợi thế và có khả năng xuất khẩu sang thị trường rộng lớn là Trung Quốc, Lào, Campuchia.
“Trước mắt cần tập trung giải quyết vấn đề giống tại chỗ cho các tỉnh miền núi phía Bắc, hỗ trợ, khuyến khích áp dụng các biện pháp tiến bộ kĩ thuật trong sản xuất thức ăn tại chỗ để nâng hiệu quả sản xuất, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo hướng lựa chọn những đối tượng nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh của mỗi tỉnh và toàn vùng để từ đó tổ chức sản xuất cho tốt”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám định hướng.
Sau hội nghị này, đầu tháng 6 tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị cùng chuyên đề, nhằm nghe ý kiến và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.
Có thể bạn quan tâm
Từ những kết quả của mô hình trồng thử nghiệm do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả triển khai vào năm 2007, cây cam Xã Đoài hiện đang được nhiều địa phương trong tỉnh đưa vào canh tác, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Vùng gò đồi K4, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, Quảng Trị là vùng chuyên canh cây cam tập trung lớn nhất tỉnh Quảng Trị, có tổng diện tích hơn 10 ha.
Nông dân trong tỉnh Phú Yên vừa thu hoạch xong lúa vụ hè thu năm 2015, năng suất bình quân 65 tạ/ha, cao hơn vụ hè thu năm ngoái 0,3 tạ/ha.
Những năm gần đây, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ sinh thái trong quản lý dịch hại trên lúa, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững, đồng thời giúp nông dân giảm chi phí trong sản xuất, tăng lợi nhuận và nâng cao đời sống người dân nông thôn…
Theo Sở NN&PTNT, diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh Bình Định đang có xu hướng giảm, trong đó có cây dừa và cây điều. Riêng đối với cây dừa, toàn tỉnh hiện có 9.353,7 ha, giảm 135,4 ha so với cùng kỳ năm trước.