Chấn Chỉnh Chăn Nuôi Khu Vực Trung Du Miền Núi Phía Bắc
Các tỉnh này cần tập trung vào những con vật nuôi lợi thế và có khả năng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi cả nước, sáng 28/5, tại Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng ngành chăn nuôi và định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013 - 2015 các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Đây là 1 trong 3 hội nghị chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi ở 3 vùng miền trên cả nước.
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc cho rằng, bên cạnh những khó khăn chung như về thị trường, về nguồn vốn, lãi suất và chi phí đầu vào tăng cao…, khu vực này còn phải đối mặt với dịch bệnh tiềm ẩn bùng phát trên diện rộng, gia súc, gia cầm bị chết vì rét đậm rét hại, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm giá rẻ diễn biến phức tạp... Mặc dù diện tích đất còn nhiều nhưng lại thiếu trang trại chăn nuôi lớn theo hướng công nghiệp, chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình, chuồng trại sơ sài.
Ông Chu Văn Tuyển, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ninh cho rằng: “Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sẽ có khả năng xảy ra dịch bệnh gia súc gia cầm, mất an toàn vệ sinh thực phẩm và xử lí vấn đề môi trường và không tạo được vùng hàng hóa tập trung, khó có sản xuất theo chuỗi để giảm chi phí giá thành và đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Chính vì vậy cần có chính sách về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, có quỹ đất sạch dành cho chăn nuôi”.
Thiếu giống trầm trọng cũng là đặc điểm ở khu vực này. Người chăn nuôi thường xuyên phải lấy con giống nhập lậu từ Trung Quốc vì không có khả năng cung cấp giống tại chỗ.
Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn, cùng với những chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi về giống, vốn, kĩ thuật, thì ngành chăn nuôi cũng cần nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước.
“Việc quản lí lợi nhuận trong chăn nuôi lâu nay bất cập ở chỗ người sản xuất chịu giá thành cao, nhưng bán sản phẩm rẻ, người tiêu dùng lại phải mua vào với giá đắt. Suy cho cùng là ở khâu trung gian giữa người sản xuất và tiêu dùng chưa quản lí được và cũng chưa có một kiến nghị với Chính phủ để người chăn nuôi đỡ vất vả. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm nhiều hơn đến việc chia sẻ lợi nhuận”, bà Nhàn nói.
Trước những ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Vũ Văn Tám cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, trước hết, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc cần tập trung vào những con vật nuôi lợi thế và có khả năng xuất khẩu sang thị trường rộng lớn là Trung Quốc, Lào, Campuchia.
“Trước mắt cần tập trung giải quyết vấn đề giống tại chỗ cho các tỉnh miền núi phía Bắc, hỗ trợ, khuyến khích áp dụng các biện pháp tiến bộ kĩ thuật trong sản xuất thức ăn tại chỗ để nâng hiệu quả sản xuất, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo hướng lựa chọn những đối tượng nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh của mỗi tỉnh và toàn vùng để từ đó tổ chức sản xuất cho tốt”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám định hướng.
Sau hội nghị này, đầu tháng 6 tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị cùng chuyên đề, nhằm nghe ý kiến và tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ.
Related news
Trong Hội nghị Tôm Thế giới tổ chức ngày 6/10 tại Vigo, Galicia, Audun Lem – phụ trách về thương mại và các sản phẩm thủy sản của FAO, nói rằng các nước sản xuất tôm tin tưởng về sự tăng trưởng ổn định trong lĩnh vực sản xuất tôm với sản lượng và chất lượng cao hơn.
Sau khi tăng trưởng đột biến vào tháng 2, XK chả cá và surimi của Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, 4 tháng trở lại đây, XK chả cá và surimi của Việt Nam lại tăng trưởng khả quan ở mức 2 con số. Tổng giá trị XK mặt hàng này của Việt Nam 9 tháng đầu năm đạt hơn 206 triệu USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ.
Để bảo vệ cá ngừ ở vùng biển Thái Bình Dương trong suốt thời gian sinh sản, Ban thư ký của Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi, Phát triển Nông thôn, Thủy sản và Thực phẩm Mexico (SAGARPA) đã thiết lập một lệnh cấm đánh bắt cá ngừ.
Việc “thủ phủ” cà phê Arabica toàn cầu là Brazil bị mất mùa, sẽ là cơ hội vàng cho cà phê Robusta của Việt Nam (chiếm 60% lượng Robusta XK toàn cầu), tạo cú hích về giá bán trong niên vụ tới…
Các tập đoàn nước ngoài kinh doanh và chế biến ca cao đang đổ vào thị trường Việt Nam như Cargill, Mars (Hoa Kỳ), Grand Place, Puratos (Bỉ)… nhằm đón đầu nơi có thể cung ứng nguồn nguyên liệu cho châu Á, nhất là Trung Quốc và Ấn Độ với hơn 2 tỷ người, những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.