Chậm Giải Ngân Vốn Cho Ngư Dân
Gần 3 tháng kể từ ngày Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản có hiệu lực thi hành (25.8.2014) vẫn chưa có dự án nào được giải ngân.
Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Quảng Nam, hiện tổng dư nợ cho vay các xã ven biển đã hơn 638,47 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 2,61%/tổng dư nợ cho vay trên địa bàn Quảng Nam, nhưng chưa một dự án nào vay đóng mới tàu theo Nghị định 67 được giải ngân. Cơ quan này cho hay các ngân hàng thương mại đã chuẩn bị đủ nguồn vốn, hoàn thiện quy trình, hướng dẫn thủ tục cho vay theo tinh thần ngắn gọn, đơn giản, phù hợp với nghị định, hướng dẫn của NHNN.
Các ngân hàng cam kết xử lý, trả lời trong 4 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ. UBND tỉnh cũng đã công bố phân bổ cho 92/150 dự án đăng ký cùng với cam kết hỗ trợ lãi suất… Nhưng chưa có dự án nào được phê duyệt gửi đến ngân hàng nên không thể nào giải ngân được.
Lý do đơn giản được công bố là ngư dân sẽ liên hệ với ngân hàng để làm hồ sơ vay vốn, giải ngân ngay khi có danh sách hồ sơ được UBND tỉnh phê duyệt. Trớ trêu là việc đăng ký, xét duyệt ngư dân đủ điều kiện vay vốn được đưa lên từ cấp xã, lên huyện thẩm định và UBND tỉnh thẩm định, quyết định danh sách cuối cùng. Nhưng thẩm quyền xét duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện hay không lại không thuộc về thẩm quyền của UBND tỉnh.
Vì vậy, dù đã ra quyết định phân bổ số lượng dự án nhưng chính quyền tỉnh vẫn phải chờ đợi từ địa phương trình mới phê duyệt được. Mà cơ quan quản lý địa phương chậm chạp sẽ kéo theo hệ lụy là chưa có hồ sơ dự án nào đến với ngân hàng, do đó gói tín dụng này chưa thể giải ngân.
Có thể vẫn đang có sự phân vân khi đứng trước “lịch sử đầu tư” như chương trình đánh bắt xa bờ trước kia còn một đống nợ chưa thể thu hồi nên các địa phương xem xét, thẩm định phương án sản xuất kỹ lưỡng. Hoặc chưa biết chọn ai, bỏ ai trong số đăng ký, nhưng cần phải hiểu một điều rằng quan hệ giữa người dân và ngân hàng theo chính sách này là mối quan hệ vay - trả chứ không phải cho không, vì vậy vẫn được xem là một trong những gói tín dụng vì dân.
Chưa một gói tín dụng nào lại dễ dàng được ngân hàng chờ đợi giải ngân như gói tín dụng này, nhưng sự tắc nghẽn đường đi của nó trong vòng 3 tháng qua vẫn là câu chuyện đáng lưu tâm.
Tại sao một nghị định mang tính lịch sử vì Chính phủ ban hành nó nhanh nhất, đi vào cuộc sống cụ thể, nhưng vốn lại chưa đến được với ngư dân một cách sớm nhất cần một câu trả lời rõ ràng. Sự chậm chạp trong việc thẩm định xét duyệt hồ sơ, danh sách khiến ngư dân không mặn mà là điều có thể xảy ra, trong khi đó năm 2016 sẽ kết thúc chương trình này.
Nguồn bài viết: http://baoquangnam.com.vn/kinh-te/thoi-su-kinh-te/201411/cham-giai-ngan-von-cho-ngu-dan-563080/
Có thể bạn quan tâm
Với mong muốn giành được mùa vàng bội thu, khi không khí xuân đang tràn ngập trên khắp đường làng, ngõ xóm và trong mỗi gia đình thì trên khắp các cánh đồng những ngày cuối năm Giáp Ngọ, nhiều bà con nông dân trong tỉnh vẫn nô nức “trảy hội” xuống đồng. Nơi thì khẩn trương thu hoạch nốt diện tích cây vụ đông, nơi thì tích cực san phẳng ruộng, chăm sóc mạ, nơi lại đang khẩn trương gieo cấy lúa xuân. Không khí lao động thật nhộn nhịp.
Thời gian qua, nhiều người nông dân (ND) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã bỏ công nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều loại nông sản “độc”, lạ để bán trong dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, những “nhà khoa học chân đất” này đã gặp không ít trở ngại về bản quyền.
Tại hội thảo, một số nhà khoa học đánh giá cao dự án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên song cho rằng cần phải hết sức “bình tĩnh” khi phát triển loại cây này. Theo giáo sư Hoàng Hòe, người đầu tiên đề xuất trồng cây mắc ca, thế giới đã phát triển cây mắc ca trong 50 năm qua với 10 nước tham gia nhưng đến nay, diện tích chỉ đạt khoảng 80.000 ha.
Những ngày cuối năm, nông dân làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP. Hội An, Quảng Nam) tất bật chăm bón rau màu chuẩn bị thu hoạch cung ứng cho thị trường vào dịp tết. Trung bình mỗi ngày làng rau này xuất bán 2 tấn rau các loại cho các chợ và siêu thị lớn tại miền Trung.
Bộ NNPTNT và ngành chức năng đã chính thức cho phép đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2015. Đây là cơ hội mới cho ngành nông nghiệp, nông dân tăng sản lượng, hạn chế sâu bệnh trên các cây trồng, đặc biệt là ngô. Từ số báo này, trên số ra thứ 5 hàng tuần, Báo NTNN mở chuyên mục “Nông dân với cây trồng biến đối gen” nhằm cung cấp mọi khía cạnh về loại cây này đến với bạn đọc, bà con nông dân.