Cây Trồng Chủ Lực Nhiễm Sâu Bệnh
Chưa bao giờ tình hình sâu bệnh hại cây trồng tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) lại diễn biến phức tạp và nghiêm trọng như hiện nay. Các loại cây trồng chủ lực của huyện như: sầu riêng, mít nghệ, hồ tiêu… đều đã bị nhiễm sâu bệnh trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại cho bà con nông dân.
Hiện tượng sâu bệnh đã xuất hiện trên những loại cây trồng chủ lực của huyện từ năm ngoái và đang có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê của Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Khánh Sơn, hiện tại, phổ biến nhất trên cây sầu riêng là sâu đục thân, bệnh xì mủ (khoảng 75ha); mít nghệ là bệnh thối trái (khoảng 60ha); hồ tiêu là bệnh chết nhanh chết chậm (khoảng 20ha); sùng đất ăn rễ cây gần 30ha; cây măng cụt cũng đã xuất hiện ruồi đục quả...
Tình trạng sâu bệnh hại cây trồng đã gây ảnh hưởng đến sản xuất của hầu hết các hộ nông dân địa bàn huyện, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Một số hộ thiệt hại hàng trăm triệu đồng, thậm chí bỏ hoang đất canh tác.
Bùng phát sâu bệnh
Vườn mít rộng 3ha của gia đình ông Phan Văn Anh (thôn Ma O, xã Sơn Trung), được trồng năm 2008, mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn quả. Nhưng 2 năm trở lại đây, sâu bệnh hại xuất hiện nhiều trên cây mít khiến gia đình ông bị thiệt hại và gặp nhiều khó khăn.
Dù phòng, chống sâu bệnh ngay từ khi mới ra quả, ông chỉ cứu vãn được chút ít mít nghệ, còn các loại mít khác như: mít tố nữ, tố nam, mít Thái Lan... trái bị thối và rụng đầy gốc khi sắp thu hoạch. Ông Anh trăn trở: “Khi gặp sâu bệnh, chúng tôi không biết tài liệu, thuốc men gì để xử lý. Tôi mong muốn các ngành chuyên môn sớm vào cuộc hướng dẫn người nông dân biện pháp kỹ thuật xử lý sâu bệnh trên cây mít”.
Vườn sầu riêng của hộ anh Nguyễn Quốc Đệ (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) cũng vậy. Khoảng 3 năm về trước, mỗi năm gia đình anh thu được vài chục triệu đồng từ cây sầu riêng. Bây giờ cây nào cũng bị sâu đục thân, một số cây bị chết khô, cây còn sống thì cũng rụng hết quả.
Theo ông Lê Anh Quang, cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình, hầu hết các loại cây ăn quả trên địa bàn xã đều đã nhiễm sâu bệnh. Nhiều người dân tự tìm tòi cách phòng tránh sâu hại nhưng không hiệu quả. Một số hộ chuyển đổi sang trồng hồ tiêu nhưng cây tiêu cũng bị bệnh chết nhanh chết chậm.
Lạm dụng thuốc, phân bón
Trong chuyến làm việc tại huyện Khánh Sơn vừa qua, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm có biện pháp hỗ trợ địa phương phòng, chống sâu bệnh, nhất là đối với các loại cây trồng chủ lực. Qua tìm hiểu thực tế, Chi cục BVTV tỉnh đã xác định, nguyên nhân dịch hại trên cây trồng tại Khánh Sơn là do biện pháp canh tác và cách phòng trừ sâu bệnh của bà con nông dân chưa đúng kỹ thuật.
Nhiều hộ nông dân lạm dụng phân hóa học để nâng cao năng suất thu hoạch, đồng thời sử dụng thuốc BVTV không theo nguyên tắc “4 đúng”. Điều này dẫn đến môi trường mất cân bằng sinh thái, cây trồng bị giảm sức đề kháng, dễ nhiễm sâu bệnh. Cộng với yếu tố thời tiết nóng ẩm thất thường cũng tạo điều kiện cho các loại côn trùng có hại phát triển mạnh.
Theo ông Trần Tiến Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, giải pháp trước mắt là tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn bà con cách phòng tránh sâu bệnh trên cây trồng và thực hiện các mô hình sản xuất theo hướng sạch, an toàn để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Còn về lâu dài, nên thành lập các vùng sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ cao để phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, không lạm dụng thuốc BVTV và phân hóa học. “Tuy nhiên để thực hiện được điều đó, sẽ cần nguồn kinh phí lớn”, ông Hùng chia sẻ.
Tình trạng dịch hại đã và đang gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, các loại sâu bệnh trên cây trồng tại đây là loại sâu bệnh thông thường nên nằm ngoài danh mục được Nhà nước hỗ trợ. Do đó, bà con nông dân địa phương chỉ còn biết trông chờ các cơ quan chuyên môn sớm tìm ra biện pháp hiệu quả, giúp bà con phòng tránh dịch hại, yên tâm phát triển sản xuất.
Có thể bạn quan tâm
Theo Ban chỉ đạo bảo hiểm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, tính đến đầu tháng 6-2013, Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Trà Vinh đã chi trên 45,5 tỉ đồng để bồi thường thiệt hại cho gần 70 ao nuôi thủy sản tham gia bảo hiểm nông nghiệp (BHNN); trong đó có 40 ao nuôi cá tra diện tích 11,08 ha bị thiệt hại, với số tiền bồi thường 44,85 tỉ đồng; khoảng 30 ao nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng số tiền bồi thường trên 900 triệu đồng...
Đó là mô hình của hộ Nguyễn Văn Mừng (ấp La Ghi, xã Long Vĩnh - Duyên Hải - Trà Vinh). Gia đình có 1 ha đất nuôi tôm, trong đó có 2 công đất là bãi bồi. Hiện ông khai thác 2 công đất vốn không hiệu quả kinh tế này để nuôi vọp.
Thực hiện Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Lang Chánh đã chỉ đạo trạm khuyến nông huyện triển khai mô hình chăn nuôi lợn Móng Cái sinh sản cho 50 hộ gia đình tại xã Quang Hiến (Thanh Hóa).
Phá thế độc canh con tôm, tận dụng diện tích ao nuôi quanh nhà, nhiều hộ dân trong tỉnh Cà Mau có thêm nguồn thu nhập từ mô hình nuôi cá chẽm. Thức ăn chế biến từ cá chẽm được ưu chuộng tại các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh; vì thế cá chẽm có giá trị cao về kinh tế.
Cà Mau là vùng đất phì nhiêu, trù phú, song cũng lắm phần khắc nghiệt. Nếu không đủ ý chí có lẽ đây chẳng phải là miền đất hứa cho những ai có mộng làm giàu. Nhưng giờ đây Cà Mau đang thay da đổi thịt từng ngày, trở thành một trong những tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.