Cây sắn Việt Nam, nghiên cứu phát triển
1. Sản xuất và tiêu thụ sắn ở Việt Nam
Cây sắn (Manihot esculenta Crantz) là cây lấy củ được du nhập vào nước ta từ đầu thế kỷ 19.
Sắn là cây lương thực chính của cư dân nhiều vùng, nhất là các vùng đồi núi.
Quan niệm đối với sản xuất sắn đã có nhiều thay đổi, vì lợi ích mà nó mang lại với tương lai đầy hứa hẹn trong công nghiệp sản xuất tinh bột, thức ăn gia súc và các sản phẩm chế biến (cồn, đường, bột ngọt, tinh bột).
Sắn cùng với lúa và ngô là ba cây trồng được ưu tiên nghiên cứu phát triển trong tầm nhìn chiến lược đến năm 2020 của Bộ NN-PTNT.
Năm 2014, diện tích trồng sắn toàn quốc đạt 551,30 ngàn ha, năng suất củ tươi bình quân 18,55 tấn/ha, sản lượng 10,2 triệu tấn (Tổng cục Thống kê Việt Nam, 2014).
So với năm 2000, sản lượng sắn Việt Nam đã tăng hơn 3,93 lần, năng suất sắn đã tăng lên gấp hai lần.
Tuy nhiên năng suất sắn của Việt Nam còn thấp hơn so với một số nước Đông Nam Á như Lào (25,17 tấn/ha), Indonesia (22,86 tấn/ha), Thái Lan (21,82 tấn/ha).
Các vùng trồng sắn chính của Việt Nam được tập trung chủ yếu là Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Trung du miền núi phía Bắc.
Tổng diện tích sắn của 5 vùng sinh thái này chiếm khoảng 97% diện tích sắn cả nước.
Năm 2014, sản lượng sắn của cả nước là 10,2 triệu tấn củ tươi, tăng hơn so với năm 2010 là 1,7 triệu tấn và tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 325,8 triệu tấn củ tươi (Cục Trồng trọt, tháng 5/2015).
Xuất khẩu sắn Việt Nam bắt đầu khởi sắc từ năm 2008, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng sắn của Việt Nam trong giai đoạn 2008-2011 đạt 28%/năm.
Năm 2012, xuất khẩu sắn của Việt Nam đạt 1,35 tỷ USD, tăng 57,1% về lượng và 46,6% về giá trị so với năm 2011; dự báo trong năm 2015 xuất khẩu đạt 2 tỷ USD.
2. Nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ cây sắn ở Việt Nam
Nghiên cứu chọn tạo giống sắn
Hơn 20 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, ĐH Nông lâm Thái Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có củ (Viện CLT-CTP) đã thông qua các chương trình quốc gia, quốc tế để thu thập, bảo quản, đánh giá và sử dụng nguồn gen giống sắn; lai tạo, chọn lọc và chuyển giao giống sắn triển vọng ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa.
- Giai đoạn 1986-1993, các giống mới HL20, HL23 và HL24 đã được Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc tuyển chọn và phát triển trên diện tích 70.000 - 80.000 ha, chủ yếu là ở phía Nam.
- Giai đoạn 1989-2007, mạng lưới nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về sắn của Việt Nam (VNCP) đã hợp tác chặt chặt chẽ với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Công ty VEDAN (Đài Loan) và các công ty chế biến sắn trong nước, đã phát triển thành công các giống sắn công nghiệp mới, năng suất cao như KM60, KM94, SM937-26, KM95, và KM98-1.
- Giai đoạn 2007- 2015: ĐH Nông lâm Thái Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Cây có củ, Viện Di truyền nông nghiệp đã giới thiệu cho sản xuất 4 giống sắn mới là KM98-7, NA1, SA06, KM21-12.
Những giống sắn này có năng suất củ đạt từ 25 - 47 tấn/ ha, hàm lượng tinh bột đạt 28 - 30%, thời gian thu hoạch từ 7 - 10 tháng, thích hợp cho nhiều vùng sinh thái ở miền Bắc Việt Nam.
Ở phía Nam, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc đã phát triển hai giống sắn mới đưa vào sản xuất là KM98-5, KM140.
Những giống sắn này có năng suất củ tươi đạt 34,5 - 45 tấn/ha, hàm lượng tinh bột đạt từ 27 - 28%, thời gian sinh trưởng từ 7 - 10 tháng.
Ngoài ra, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc đang đề xuất công nhận hai giống mới HL-S10 và HL-S11 có năng suất củ đạt 45 - 55 tấn/ ha, hàm lượng tinh bột đạt 28 - 31%.
Những giống sắn mới đã thực sự mang lại hiệu quả cho nông dân ở các vùng trồng sắn Việt Nam.
Ước tính lợi nhuận tăng thêm do tăng năng suất sắn đạt giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy vậy, bộ giống sắn đang trồng đại trà tại các địa phương chưa thật sự đáp ứng cho việc thâm canh tăng năng suất và rải vụ.
Nhiều tỉnh hiện đang trồng chủ yếu là giống KM94, KM60.
Theo kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc, hiện sản xuất giống KM94 chiếm 75,5% cơ cấu giống.
Tại vùng duyên hải Nam Trung bộ, giống KM94 chiếm 90%, giống KM98-5 là 7%.
Tại vùng Đông Nam bộ, giống KM94 chiếm 60%, KM140 chiếm 10%, KM98-5 chiếm 10%.
Nghiên cứu về kỹ thuật canh tác
Các nghiên cứu về kỹ thuật canh tác bao gồm: Nghiên cứu thời vụ trồng ở các điều kiện khí hậu khác nhau; nghiên cứu mật độ trồng và phương pháp trồng; nghiên cứu về phòng trừ cỏ dại cho sắn; nghiên cứu về trồng xen; nghiên cứu về bón phân cho sắn; nghiên cứu chống xói mòn đất trồng sắn; nghiên cứu cơ giới hóa trong canh tác sắn;
Nghiên cứu về sử dụng thân lá sắn trong chăn nuôi; nghiên cứu về sử dụng thân và gốc sắn sản xuất nấm.
Những nghiên cứu này cùng với việc phát triển các giống sắn mới đã góp phần tạo ra những đột phá trong nghề trồng sắn Việt Nam, đưa năng suất sắn tăng lên gấp hơn 2 lần và sản lượng sắn tăng hơn 4 lần, mang lại lợi nhuận cho nông dân trồng sắn của cả nước; góp phần xóa đói giảm nghèo và từng bước hiện đại hóa nông thôn.
3. Định hướng nghiên cứu và phát triển
Sản xuất sắn Việt Nam hiện đang đối mặt với những thách thức như: Đầu tư cho nghiên cứu cây sắn thấp; biến đổi khí hậu tạo ra thời tiết cực đoan dẫn đến thoái hóa đất, dịch hại sâu bệnh xuất hiện; sự đô thị hóa nhanh dẫn đến thiếu hụt lao động; công nghệ chế biến thấp; giá cả không ổn định.
Vì vây, định hướng nghiên cứu cây sắn trong giai đoạn tới cần tập trung vào những vấn đề chính như sau:
- Xác định chiến lược nghiên cứu phát triển cây sắn phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, lấy nội dung cải tiến giống mới làm trọng tâm, trên cơ sở đầu tư hợp lý, tăng dần theo thời gian.
- Kết hợp phương pháp lai tạo giống truyền thống và chọn giống nhờ chỉ thị phân tử, trên nền tảng khoa học về genome cây sắn, để có giống sắn chống chịu với stress sinh học, phi sinh học, có năng suất cao, phẩm chất tốt.
- Nghiên cứu hoàn thiện quy trình canh tác theo hướng bền vững phù hợp với từng loại hình sinh thái khác nhau, nhấn mạnh đến quản lý phân bón, công nghệ sinh thái, và công nghệ tưới bổ sung.
- Ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu sau thu hoạch, đa dạng hóa sản phẩm từ sắn, liên kết chuỗi giá trị tạo ra những giá trị tăng thêm (added values) đối với các ngành hàng khác nhau như thực phẩm, nhiên liệu sinh học, chế phẩm dược...
- Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất sắn ở đồng bằng, trên quy mô tập trung, nhằm hạ giá thành, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.
- Quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu sắn ổn định để có cơ sở đầu tư phát triển lâu dài; gắn phát triển vùng nguyên liệu với thị trường, hạn chế canh tác sắn không theo quy hoạch và phá rừng.
- Tiếp tục phát triển và hoàn thiện mạng lưới nghiên cứu và khuyến nông sắn.
Liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học với các nhà chế biến, nhà quản lý và nhà nông.
Có thể bạn quan tâm
Tổng cục Thủy sản cho rằng, để đảm bảo phát triển bền vững ngành thủy sản nên tập trung đi theo hướng mới, trong đó có đầu tư nuôi cá biển.
Phí kiểm dịch lợn thịt cao nhất là 1.000 đồng/con còn phí kiểm soát giết mổ sẽ phụ thuộc công suất của cơ sở giết mổ.
Vòng đàm phán cuối cùng của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc. Những gút mắc lớn nhất liên quan đến thời hạn bảo hộ bằng sáng chế dược phẩm cũng như hạn ngạch thuế cho xuất khẩu ô tô đã được thông qua.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, cùng với những chương trình dự án hỗ trợ của tỉnh, các cơ sở, doanh nghiệp (DN).
Nhằm tạo điều kiện cho nông dân có vốn sản xuất, Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), trực thuộc Hội Nông dân (HND) tỉnh, vừa tiến hành giải ngân 500 triệu đồng cho 10 hộ nông dân tại xã An Tân, huyện An Lão vay để chăn nuôi bò lai sinh sản. Ðây là nguồn vốn ủy thác của Trung ương HND.