Cây Rau Vàng Ở Xuân Đông
Dù giữa trưa, trời nắng chang chang nhưng nhiều nông dân xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) vẫn ở ngoài ruộng chăm sóc và thu hoạch rau cải bắp, cải muối dưa. Những gương mặt mồ hôi đầm đìa vẫn cười tươi rói cho biết năm nay rau Xuân Đông trúng mùa.
Dịp cuối năm này, diện tích trồng rau của xã Xuân Đông lên đến 350 hécta. Mọi năm, nông dân trong xã thường trồng bầu bí, khổ qua, dưa leo, nhưng năm nay đa số chuyển sang trồng bắp cải, cải muối dưa chua. Hai loại rau trên đã giúp nông dân có đầu ra ổn định, giá cao.
* Diện tích tăng nhanh
Những năm trước, bắp cải, cải muối dưa được thương lái vận chuyển từ Đà Lạt về Đồng Nai tiêu thụ. Nhưng năm nay, vùng Xuân Đông có thể cung cấp hàng ngàn tấn bắp cải, cải muối dưa cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Ông Lê Trọng Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ), cho biết: “Dịp này, diện tích trồng bắp cải của xã lên đến hơn 100 hécta, còn lại đa số trồng cải muối dưa. Do xuống giống sớm, kịp thời nên đầu mùa, nhiều hộ bán được 8-9 ngàn đồng/kg, hiện đang vào chính vụ, rau vẫn bán được 4-5 ngàn đồng/kg, khá cao so với các loại rau khác”.
Trồng bắp cải và cải muối dưa ở Xuân Đông xuất phát từ việc năm nào vào cuối năm, bầu, bí, khổ qua, dưa leo... cũng bị dội hàng, rớt giá vì rau từ Đà Lạt đưa xuống, miền Tây đưa lên, có hộ không bán được phải nhổ bỏ tại ruộng. Bắp cải trồng ở Xuân Đông mềm, đậm đà hơn bắp cải các vùng khác. Còn cải muối dưa, khi muối xong có màu vàng ươm và giòn nên thương lái trong và ngoài tỉnh thường đặt mua với giá cao hơn của Đà Lạt khoảng 1-2 ngàn đồng/kg để đưa về TP. Hồ Chí Minh và sang Bà Rịa - Vũng Tàu tiêu thụ.
Ông Lê Văn Hải, Chủ nhiệm Tổ hợp tác rau ấp Bể Bạc, xã Xuân Đông, kể: “Lúc trước, cứ nghĩ rau bắp cải chỉ trồng được ở xứ lạnh như Lâm Đồng nên không ai dám thử. Năm 2012, một số hộ liều trồng thử, thấy hiệu quả nên năm nay nhiều hộ đồng loạt trồng. Riêng tổ hợp tác trồng khoảng 10 hécta trồng bắp cải, giá bán từ 5-8 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, các hộ còn lời hơn 100 triệu đồng/hécta”. Do đó, sau khi thu hoạch xong, các thành viên trong tổ lại xuống giống tiếp vụ rau bắp cải khác để thu vào dịp sau Tết Nguyên đán.
* Tránh mùa Tết Nguyên đán
Trước khi bắt tay vào trồng đồng loạt rau bắp cải, cải muối dưa, nông dân Xuân Đông đã có 2 năm trồng thí điểm và theo dõi thị trường nên đều tránh làm rau thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán do e ngại rau từ Lâm Đồng, miền Tây đổ về nhiều, giá giảm mạnh ít có lời.
Anh Hồ Văn Dũng, ấp Thoại Hương, cho hay: “Tôi trồng khoảng 1,5 hécta rau bắp cải và cải muối dưa. Song tôi thường làm vụ sớm thu trước Tết Nguyên đán chừng 1-2 tháng và sau Tết Nguyên đán chừng 20 ngày. Hai thời điểm trên rau ít bị đụng hàng của Đà Lạt và miền Tây nên giá cao”. Nhờ nắm bắt được nhu cầu thị trường lợi nhuận, anh Dũng thu được khoảng 100 triệu đồng/hécta/vụ. Bắp cải từ khi trồng đến khi thu hoạch hơn 80 ngày, còn cải muối dưa gần 50 ngày. Nông dân chăm sóc rau tốt, năng suất có thể đạt 40-50 tấn/hécta/vụ.
Trong trồng rau, khâu tưới chiếm nhiều công nhất nên ngoài biết cách né thời điểm rau từ các nơi khác đổ về, nhiều nông dân trồng rau Xuân Đông ứng dụng hệ thống tưới phun để giảm công lao động, hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận. Hiện nay, bắp cải và cải muối dưa là hai loại rau giúp nông dân Xuân Đông thu nhập cao nhất. Ưu điểm của hai loại rau này là gặp giá giảm có thể neo lại 8-10 ngày, chất lượng vẫn ổn định mà năng suất tăng thêm 5-6 tấn/hécta/vụ.
Theo ông Lê Trọng Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ), năm 2013 nhiều nông dân trong xã chuyển đổi sang làm 4-5 vụ/năm. Trong đó, 1 vụ bắp, 1 vụ bí đỏ và 2-3 vụ rau. Thu nhập từ trồng rau cao gấp nhiều lần so với trồng bắp và bí đỏ.
Có thể bạn quan tâm
Được biết trong thời gian qua, Sở này cũng đã tham mưu cho UBND thành phố thực hiện hỗ trợ bảo hiểm tai nạn cho gần 3.000 thuyền viên làm việc trên các tàu cá có công suất từ 50 CV trở lên với kinh phí hơn 160 triệu đồng.
Thế nhưng, đang tồn tại một nghịch lý là hơn 150ha trồng cà phê, cây công nghiệp đã từng được coi là triển vọng xóa đói giảm nghèo cho xã, dường như đang bị “ngủ quên” bởi Công ty Cổ phần cà phê Thái Hòa hứa đầu tư rồi bỏ rơi nên người dân không mấy mặn mà…
Ngành điều đang đối mặt nhiều khó khăn khi diện tích canh tác bị thu hẹp, sản lượng không ổn định, cây giống già cỗi, sâu bệnh, trồng phân tán...
Dù thừa nhận thời gian bảo quản nấm chỉ từ 7-10 ngày, nhưng ông Huỳnh Tấn Đạt, trưởng phòng quản lý an toàn thực phẩm và môi trường Cục Bảo vệ thực vật, cho biết cơ quan chức năng chưa phát hiện có sự bất thường của nấm Trung Quốc.
Bà Sheela Thomas, Chủ tịch Ủy ban Cao su Ấn Độ, cho biết sản lượng cao su tự nhiên của Ấn Độ ước đạt 85.000 tấn trong niên vụ 2013-2014.