Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Lúa Lai Trên Đất Mường Ảng

Cây Lúa Lai Trên Đất Mường Ảng
Ngày đăng: 28/06/2013

Ngoài phát triển cây cà phê, huyện Mường Ảng còn chú trọng hướng tới một nền sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao bằng việc áp dụng những giống lúa mới thích hợp với điều kiện khí hậu của vùng, đặc biệt là lựa chọn những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, hiệu quả cao.

Những năm qua, Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Mường Ảng đã tiến hành khảo nghiệm một số giống lúa trên địa bàn huyện để phục vụ sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa cơ cấu giống và đem lại kết quả khả quan. Đây là tín hiệu vui trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao thu nhập từ sản xuất cho người nông dân.

Huyện Mường Ảng hiện có hơn 2.000ha đất trồng, trong đó cơ cấu giống lúa lai chiếm khoảng 35% diện tích mỗi vụ. Do trình độ sản xuất của bà con còn nhiều hạn chế, chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất, ban đầu chỉ trồng những giống Bao thai, CR 203... năng suất thấp, khả năng chống chọi sâu, bệnh kém. Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện đã triển khai đồng đều mô hình sản xuất lúa lai Nghi hương 2308 và Nhị ưu 838 tại 9 xã của huyện. Trước khi thực hiện mô hình, cán bộ Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật, cấp phát tài liệu cho các hộ nghiên cứu, tìm hiểu học tập.

Nông dân được phổ biến kiến thức sản xuất lúa: thời gian gieo hạt, kỹ thuật ngâm, ủ hạt giống; kỹ thuật làm đất, gieo, tỉa giặm, bón phân, điều tiết nước, chăm sóc; phòng trừ sâu bệnh; thu hoạch bảo quản. Trong quá trình thực hiện mô hình, nông dân được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, có cán bộ kỹ thuật “cầm tay chỉ việc” cùng với cán bộ nông nghiệp và xã kiểm tra giám sát.

Qua thời gian thử nghiệm, giống lúa lai Nghi hương 2308 và Nhị ưu 838 được đánh giá là giống cảm ôn có thể gieo trồng được cả hai vụ. Đồng thời, phát huy được ưu điểm sinh trưởng, đẻ nhánh khỏe, trổ bông tập trung, chống chọi sâu bệnh khá, số hạt và tỷ lệ hạt chắc trên bông cao. Hơn nữa, kỹ thuật chăm sóc và thâm canh đơn giản, dễ làm, phù hợp với điều kiện canh tác và trình độ sản xuất của người dân địa phương.

Đây cũng là những giống lúa cho năng suất cao, tương đối phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện. Trong thời gian từ 3 - 3,5 tháng, lúa của các hộ tham gia mô hình trình diễn sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất bình quân của giống lúa Nghi hương 2308 đạt 63 tạ/ha, Nhị ưu 838 năng suất bình quân đạt 51 - 69 tạ/ha.

Hơn nữa, hai giống lúa lai này trên thị trường lại có giá thành cao hơn các giống lúa lai khác, Nhị ưu 838 có giá từ 8.000 - 9.000 đồng/kg, Nghi hương 2308 có giá từ 12.000 - 13.000 đồng/kg. Lợi nhuận thu được từ sản xuất 1ha lúa lai (trừ chi phí) đạt hàng chục triệu đồng. Thấy được hiệu quả từ hai giống lúa lai này, bà con nông dân từ việc trồng thử nghiệm đã nhân rộng diện tích gieo trồng của gia đình để tăng thu nhập.

Ông Vũ Khải, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Mường Ảng cho biết: Mường Lạn là xã được chọn để thực hiện mô hình sản xuất lúa lai Nghi hương 2308. Những năm trước đây, sản xuất lúa ruộng ở địa phương chủ yếu một vụ/năm, do phụ thuộc vào nguồn nước. Phần lớn người dân chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất nên năng suất lúa thấp từ 40 - 50 tạ/ha.

Từ năm 2009, để giúp người dân xã Mường Lạn có điều kiện tiếp cận với KHKT, Phòng đã đưa giống lúa lai Nghi hương 2308 vào thử nghiệm trên diện tích 9ha ruộng nước (chiếm gần 10% diện tích). Qua thời gian thử nghiệm cho thấy, giống lúa lai Nghi hương 2308 gieo trồng tại xã Mường Lạn đã phát huy được ưu điểm và sinh trưởng tốt (tỷ lệ sống đạt 95%). Từ đó, người dân đã nhân rộng cơ cấu giống lúa lai từ 10% lên hơn 20% diện tích gieo cấy.

Tuy nhiên, trong thời gian thực hiện mô hình, người dân gặp không ít khó khăn về điều kiện thời tiết nhưng nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật mà năng suất bình quân đạt 63 tạ/ha, có hộ đạt 65 - 68 tạ/ha, người dân sau khi trừ chi phí thu về được 18 triệu đồng mỗi héc-ta. Cùng với việc thay đổi tập quán canh tác và được đầu tư và chăm sóc đúng kỹ thuật, giờ đây giống lúa lai Nghi hương 2308 đã dần trở thành một trong những giống lúa chủ lực trong cơ cấu giống ở các vụ chính tại xã Mường Lạn.

Việc thực hiện thành công mô hình nhân rộng giống lúa lai Nghi hương 2308 tại xã Mường Lạn nói riêng và các xã khác trên địa bàn huyện nói chung không những giúp người dân được tiếp cận với kiến thức KHKT mà còn giúp nông dân tăng năng suất, sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, góp phần chuyển đổi giống cây trồng trên địa bàn huyện Mường Ảng, giúp nhân dân thay đổi phương thức canh tác truyền thống, kém hiệu quả. Theo đó, huyện thực hiện duy trì ổn định cơ cấu giống lúa lai ở mức 35% - 40% mỗi vụ.


Có thể bạn quan tâm

Giá Tôm Giảm Mạnh, Nông Dân Cà Mau Lao Đao Giá Tôm Giảm Mạnh, Nông Dân Cà Mau Lao Đao

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay người nuôi tôm trong tỉnh đang lo lắng vì giá tôm giảm mạnh so với cuối năm 2013.

15/05/2014
“Chuộng” Màu, “Lơ” Lúa... “Chuộng” Màu, “Lơ” Lúa...

Giá lúa những năm gần đây xuống thấp, trong khi một số loại rau màu đầu ra khá ổn định, nên nhiều nông dân ở xã Trường An (TP Vĩnh Long) quyết định chuyển trồng lúa sang trồng rau màu.

15/05/2014
Sóc Trăng Phát Triển Mô Hình Vườn Nhãn Da Bò Kiểu Mẫu Sóc Trăng Phát Triển Mô Hình Vườn Nhãn Da Bò Kiểu Mẫu

Qua hơn một năm thực hiện, mô hình vườn nhãn da bò kiểu mẫu ở xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã cho hiệu quả rất cao, được thể hiện rõ ràng qua năng suất và lợi nhuận mà các nhà vườn tham gia vào mô hình thu được. Từ đó mô hình này đang được rất nhiều nông dân quan tâm và được định hướng để phát triển sang nhiều địa phương khác trong tỉnh.

15/05/2014
Hoa Hồng Mất Giá Vì Nắng Nóng Hoa Hồng Mất Giá Vì Nắng Nóng

Giá 100 bông hồng giống Đà Lạt loại đẹp cao nhất 20.000 đồng, loại kém hơn chỉ 10.000-15.000 đồng khiến nhiều nhà vườn chẳng buồn thu hoạch.

15/05/2014
Lão Nông Thuần Hóa... Rắn, Tậu Cơ Ngơi Bạc Tỷ Lão Nông Thuần Hóa... Rắn, Tậu Cơ Ngơi Bạc Tỷ

Sau hơn 20 năm chăm bẵm lũ rắn, lão nông Phan Kế Đông đã thuần hóa được cả những chú hổ mang phì hung dữ nhất. Từ một nông dân nghèo rớt mồng tơi, giờ lão đã có cơ ngơi tiền tỷ.

15/05/2014