Cây Giống Trúng Giá, Nhưng...
Thời tiết chuyển sang mùa mưa nên thị trường cây giống ở Chợ Lách (Bến Tre) cũng bắt đầu sôi động. Từ sau Tết đến nay, cây giống ở đây tăng giá liên tục, nhiều loại cây chủ lực có lúc tăng hơn 100% so với giá cùng thời điểm năm 2013. Cầu đã vượt cung, thế nhưng qua đây những nhược điểm của thị trường này cũng bộc lộ...
Giá quá cao nhưng nguy cơ thiếu hàng cũng cao
Giữa trưa nắng gắt, trời không gió, nhưng anh Nguyễn Khắc Tân, chủ đại lý cây giống Tân Hài (ấp Vĩnh Chính - xã Vĩnh Thành) vẫn tranh thủ hỗ trợ cho việc chuyển lô hàng 10.000 cây mít giống về Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) phụ với 2 công nhân của mình. Mồ hôi nhễ nhại, anh Tân nói lô hàng này là của một thương lái làm ăn lâu năm nên dù thời tiết có khắc nghiệt đến đâu cũng phải ráng cho xong để giữ uy tín.
Hiện cây giống ở Chợ Lách và một vài xã lân cận thuộc huyện Mỏ Cày Bắc có giá bán rất cao. Nhiều cây chủ lực có khi tăng giá gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2013. Những cây chủ lực như sầu riêng (Ri 6, Thái Lan) có giá khoảng 25.000 đồng/cây, tăng gần 6.000 đồng/cây so với đầu vụ; mít (Duyên Linh, siêu sớm) cây nhỏ 7.000 đồng/cây, cây lớn 15.000 đồng/cây; đặt biệt là xoài (Đài Loan xanh) hiện có giá khoảng 22.000 đồng/cây, tăng gấp đôi so với năm ngoái; các loại cây mà Chợ Lách chỉ gia công từ địa phương khác cũng “ăn theo” tăng giá rất cao, như: thanh long ruột đỏ, dừa sáp, dừa dứa (từ Trà Vinh) hay bơ (từ miền Đông Nam Bộ).
Các loại cây còn lại giá đều nhích lên từ 2.000-6.000 đồng/cây. Hàng năm, thị trường cây giống Chợ Lách chủ yếu là các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên nhưng nay có cả miền Trung, Bắc và xuất bán sang nước ngoài.
Nhiều đại lý, chủ vựa tại Chợ Lách cho biết, với xu hướng thị trường hút hàng như hiện nay, sau khi thống kê lại các hợp đồng với thương lái thì rõ ràng cầu vượt cung. Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, chủ một đại lý cây giống ở xã Phú Sơn, cho biết: Mọi năm, cây giống ở đây đều có số lượng như vậy, bán ra cũng đều đều nhưng không rõ vì sao năm nay lại hút hàng mạnh. Dù giá bán cao nhưng hàng sẽ không đủ cung cấp, bởi cây con làm ra cả năm trời chứ không phải ngắn mà trở tay cho kịp.
Còn theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, thì 6 tháng đầu năm có khoảng 12 triệu sản phẩm cây giống trên thị trường được xuất bán từ khoảng 600ha đất sản xuất cây giống trong toàn huyện.
“Tuy nhiên thị trường cây giống sẽ rất trầm lắng vào đầu tháng 7, do thời điểm này mưa nhiều và bà con sẽ xuống giống hoa Tết nên kế hoạch năm là khoảng 17 triệu sản phẩm cây giống sẽ khó đạt được.” - ông Lê Văn Đơn, Phó Trưởng phòng tính toán.
Nhiều nhà vườn “thất hứa”
Hầu hết những hộ nông dân, nghệ nhân ở Chợ Lách đều là thành viên của các làng nghề, tổ hợp tác, hợp tác xã. Nhưng chủ yếu là các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ nên họ gặp khó khăn trong việc trực tiếp hợp đồng với các công ty, thương lái lớn ở địa phương khác đến.
Khi tự đón đầu thị trường mà sản xuất để bán cho thương lái tự do đến vườn mua lúc vào mùa sẽ gặp nhiều rủi ro nên chủ yếu nhà vườn “giao kèo” với các đại lý, chủ vựa tại địa phương để an tâm cho đầu ra của sản phẩm mình.
Tuy nhiên, vì thị trường hút hàng, giá bán quá cao nên nhiều nông dân đã “thất hứa” để bán trực tiếp cho thương lái từ nơi khác đến. Việc này gây ra nhiều mâu thuẫn giữa nông dân với thương lái địa phương. “Nếu thị trường trầm lắng thì kẻ chịu thiệt thòi lại chính là chúng tôi. Vả lại, giá bán hiện tại là do chúng tôi tự thống nhất cân đối với nhau.
Còn thị trường vận động như thế nào thì chúng tôi có biết trước được đâu. Làm ăn lén lút và mất uy tín như vậy, sang năm họ (nhà vườn) sẽ gặp khó thôi, không thể khác được” - anh Tân than phiền về việc nhà vườn không bán sản phẩm cho đại lý theo giao kèo.
Nhà vườn Lê Văn Tâm (ở ấp 5 - xã Phú Sơn) thì than thở: “Lợi dụng tâm lý sợ sản xuất ra bị “ế” như những năm về trước nên nhiều đại lý đã giao kèo chịu trách nhiệm về đầu ra cho chúng tôi, nhưng giá đó chỉ hơn vốn từ 1.000 đến 1.500 đồng/cây, nhà vườn có lãi rất ít.
Mình làm cực khổ còn đại lý thì ngồi không mà hưởng lợi quá chênh lệch… Đầu vụ, không ai nói cho mình biết là nên trồng giống cây gì và số lượng bao nhiêu để phù hợp với thị trường” - anh Tâm phân trần.
Trong thời gian gần đây, nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác cây giống, hoa kiểng, cây ăn quả tại Chợ Lách bị giải thể, người nông dân quay lại với thói quen “ăn xổi ở thì” vì nhiều nguyên nhân; đó là thực trạng đáng báo động trong giai đoạn kinh tế thị trường hội nhập quốc tế.
Ông Đơn cho biết, giá bán cao và thị trường hút hàng như vậy đều do các khâu trung gian (thương lái) quyết định và hưởng lợi; họ tăng giá thông qua việc giá trái cây sau Tết tăng đột biến. Ngoài ra, người nông dân (nhà vườn) thì vẫn bình thường như những năm về trước.
Khuyến khích người dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã, để qua đó cơ quan chức năng sẽ thuận lợi hơn trong việc định hướng thị trường, hướng dẫn về kỹ thuật để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. “Quy hoạch vùng, chủng loại giống đặc thù địa phương thì chúng tôi mới có đủ cơ sở định hướng cho bà con sản xuất.
Trước hết, bà con phải tin tưởng vào tổ chức và nghiêm túc hơn trong việc thực hiện các hợp đồng thì mới có cơ sở làm ăn lâu dài. Tình hình sản xuất hiện nay có thể nói là manh mún và người dân luôn bị động trước thị trường - rõ ràng đây là hạn chế đã có từ lâu và người nông dân luôn chịu thiệt thòi nhiều nhất” - ông Lê Văn Đơn thừa nhận.
Có thể bạn quan tâm
Lao động cật lực để kiếm được ít đất bưng nhưng lại không thuận lợi cho việc trồng hoa màu. Ông Nguyễn Văn Tỵ ở ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) đã tìm đến cây măng cụt, kết quả là cây măng cụt đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2014 do UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, BCĐ Tây Bắc tổ chức giữa tháng 5 vừa qua; Dự án trồng 10 nghìn ha cao su của Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang đã được trao Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn trên 1,560 tỷ đồng.
Đậu tương là một loại cây trồng quen thuộc và được sử dụng thường xuyên trong bữa ăn hàng ngày của người dân và một phần làm hàng hóa. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn chưa quen với việc chuyển đổi trồng đậu tương trên đất ngô kém hiệu quả trong vụ Xuân - hè bởi lẽ loại cây này chỉ được trồng vào vụ Hè - thu.
Huyện đảo Phú Quý từ lâu đã có truyền thống nuôi thủy sản bằng lồng bè, chủ yếu là các loại hải đặc sản như cá giò, tôm hùm và cá mú... Nhưng thời điểm hiện nay do tình trạng dịch bệnh cùng với sức mua giảm nên ngày càng tạo áp lực cho bà con nuôi trồng thủy sản tại vùng đảo.
Tập trung nhiều nhất tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) đã chuyển đổi gần 50 ha lúa năng suất thấp sang trồng sen. Bên cạnh đó, các huyện Cai Lậy, TX Cai Lậy, Châu Thành…cũng có nhiều hộ dân đã chuyển từ lúa kém hiệu quả sang độc canh cây sen.