Cây Chùm Ngây Lựa Chọn Mới Của Nhà Nông
Dù chưa được nhiều người biết đến nhưng chùm ngây hứa hẹn sẽ là loại cây hữu ích trong tương lai bởi giá trị dinh dưỡng dồi dào và khả năng bảo vệ sức khỏe con người.
Trong số hơn 10 cây chùm ngây của gia đình anh Nguyễn Văn Vĩnh ở tổ 2, phường Tân Đồng (TX. Đồng Xoài, Bình Phước) có 6 cây đã cho thu hoạch. Anh Vĩnh cho biết: Đọc thông tin trên báo, anh thấy cây chùm ngây có giá trị dinh dưỡng cao nên mua hạt về ươm và trồng thử. Ngoài cung cấp rau cho gia đình, anh còn cung cấp cho quầy rau an toàn của Trung tâm Khuyến nông tại chợ Đồng Xoài.
Ở vựa rau của thị xã Đồng Xoài, hiện ngoài gia đình anh Vĩnh còn có gia đình anh Nguyễn Văn Thủy, Nguyễn Phi Thiện, Nguyễn Thanh Ngọc... cung cấp rau chùm ngây. Tuy nhiên, do đây là loại cây mới, chưa được nhiều người biết đến nên mỗi gia đình chỉ trồng thử khoảng 10 cây.
Kỹ sư Ngô Khắc Khánh, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: Loại cây này có thể chữa được bệnh còi xương ở trẻ nên năm 2013, anh đã đề xuất lãnh đạo trung tâm ý tưởng thực hiện mô hình Nghiên cứu xây dựng quy trình canh tác tổng hợp và phát triển vùng sản xuất cây chùm ngây phục vụ cho tiêu thụ, chế biến tại tỉnh Bình Phước.
Mô hình này hiện được Sở Khoa học và Công nghệ ký hợp đồng chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 5 hộ dân ở các xã Đồng Tiến, Tân Hòa (Đồng Phú); Long Bình (Bù Gia Mập); Tiến Hưng, phường Tân Thiện (TX. Đồng Xoài) với diện tích 0,1 ha/hộ. Để chủ động nguồn nước, các hộ trồng thí điểm đã xuống giống từ tháng 6 năm nay. Anh Khánh cho biết: Hiện tỷ lệ sống ở các vườn cây khá cao, có vườn đã bắt đầu cho thu hoạch.
Ngoài một số hộ trồng tự phát và được chuyển giao mô hình kỹ thuật, diện tích trồng chùm ngây lớn nhất tỉnh hiện nay là 3 sào của bà Vương Thị Mai ở ấp 3, xã Đồng Tiến (Đồng Phú). Theo bà Mai chia sẻ: Là người ăn chay thường xuyên nên bà quan tâm tìm hiểu các loại rau củ có hàm lượng dinh dưỡng cao để phục vụ gia đình. Cách đây một năm, bà đã tìm hiểu và trồng loại cây này. Theo bà Mai, chùm ngây rất phù hợp với người ăn chay nên hiện ngoài việc cung cấp rau ăn cho người dân trong ấp 3, vườn nhà bà còn bán cho quầy rau an toàn ở chợ Đồng Xoài.
Kỹ sư Ngô Khắc Khánh cho biết thêm: Cây chùm ngây 3 tháng bắt đầu cho thu hoạch, cây cao 60cm bắt đầu cắt ngọn và mỗi tháng tỉa cành thúc đẩy đâm chồi, chăm sóc, bón phân. Sau 6 tháng, cây cao khoảng 2m là thời gian bắt đầu thu hoạch chính, trung bình cây có thể cho từ 0,5-0,9kg lá tươi/cây/tháng. Lá cây chùm ngây được dùng làm rau. Có thể ăn sống như các loại rau khác, cũng có thể xay để làm nước sinh tố.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho rằng: Là loại cây hứa hẹn vì giá trị kinh tế, có nhiều lợi ích đối với sức khỏe nên cây chùm ngây đang là lựa chọn của nhiều người trồng rau. Tuy nhiên ở Bình Phước, loại cây này mới chỉ được trồng thử nghiệm.
Vì vậy, những người đang có ý định trồng chùm ngây trên diện tích lớn nên cân nhắc đến yếu tố đầu ra của sản phẩm. Theo ông Khánh, do giá thành khá cao (60-80 ngàn đồng/kg) và là loại rau mới nên chùm ngây ít “được lòng” các bà nội trợ. Tuy nhiên nếu giá trị dinh dưỡng cao và tốt cho sức khỏe của chùm ngây được nhiều người biết đến thì chắc chắn loại rau này sẽ hút hàng trong thời gian tới.
Lá chùm ngây chứa nhiều vitamin A hơn 4 lần so cà rốt, nhiều can-xi hơn 4 lần so sữa, nhiều sắt hơn 3 lần so cải bó xôi, nhiều vitamin C hơn 7 lần so cam, nhiều kali hơn 3 lần so chuối và nhiều chất đạm hơn 2 lần so sữa chua. Hạt và hoa chùm ngây có tác dụng chữa các triệu chứng về gout, huyết áp, giảm stress, tăng cường sinh lực.
Có thể bạn quan tâm
15 đến 20 triệu đồng mua một con trâu từ 1-2 năm tuổi. Sau 1 năm nuôi nhốt chuồng vỗ béo bán được 30-35 triệu đồng. Mô hình nuôi trâu vỗ béo của người dân xã Dồm Cang (Sốp Cộp - Sơn La) đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng làm giàu chính đáng cho người dân nơi đây.
Với huyện Trà Bồng, đây là điều đáng lo ngại bởi nguy cơ giảm sút, mai một giống quế bản địa, ảnh hưởng lớn đến thương hiệu quế Trà Bồng. Để lưu giữ, phát triển giống quế đặc sắc này, huyện Trà Bồng đang triển khai nhân rộng nhiều mô hình, vùng nguyên liệu quế.
Nhiều hộ dân trồng cao su tiểu điền ở 2 huyện Sông Hinh, Sơn Hòa (Phú Yên) đang điêu đứng vì giá cao su giảm mạnh. Một số người bỏ vườn, không cạo mủ vì không đủ tiền thuê nhân công.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện nay trên cây tiêu, bệnh tuyến trùng gây hại 150ha, tỉ lệ hại 5 đến 10% rễ; bệnh đốm lá gây hại 20ha, tỉ lệ bệnh 5 đến 15% lá, tập trung tại các xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, Phú Yên). Ngoài ra, bệnh thán thư và bệnh chết chậm còn xảy ra trên 10ha tiêu. Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có 687ha tiêu, trong đó huyện Tây Hòa 573ha, năng suất bình quân 23 tạ/ha. Với giá bán dao động từ 150.000 đến 170.000 đồng/kg, mỗi héc ta tiêu đạt doanh thu 400 triệu đồng. Tuy nhiên, những năm qua việc trồng tiêu ở Phú Yên còn mang tính tự phát nên rất khó đầu tư và quản lý sản phẩm. Điều này dẫn đến trình độ thâm canh và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên cây trồng này ở mức cao.
Năm 2014, nông dân thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) canh tác mía với diện tích 2.690ha, mía trong giai đoạn từ 5-6 tháng tuổi, chủ yếu ở các xã: Tân Tiến, Hỏa Tiến, Hỏa Lựu, Vị Tân và phường VII. Trong những ngày qua, mưa nhiều làm cho diện tích sâu bệnh trên cây mía tăng đáng kể.