Cây Chè Xanh Ở Vùng Núi Cà Đam
Cùng với Trà Bồng, huyện Tây Trà cũng được biết đến là vùng đất của cây quế. Song, tại mảnh đất này, còn có một loại cây trồng khác cũng đã gắn bó lâu đời với đồng bào Cor. Đó là cây chè xanh ở vùng núi cao phía bắc đỉnh núi Cà Đam. Đây là ngọn núi cao nhất Quảng Ngãi, thuộc thôn Trà Vân, xã Trà Nham.
Từ đỉnh đèo Eo Chim, đi khoảng chục cây số theo trục đường chính vào trung tâm xã Trà Nham sẽ đến được thôn Trà Vân. Để lên được cái thôn trên rẻo cao này, chúng tôi phải liên tục vượt qua nhiều con dốc thẳng đứng. Và phía trước là đỉnh núi Cà Đam mây phủ bốn mùa, nhiệt độ mát lạnh quanh năm. Có lẽ vì thế mà lá chè luôn xanh mượt, làm ngỡ ngàng bao người khi lần đầu đến đây.
Cây chè xứ lạnh
Đứng ở trung tâm xã, ông Hồ Văn Nhân – Chủ tịch UBND xã Trà Nham, đưa tay chỉ về phía núi cao trước mắt, rồi động viên tôi: Từ đây, cán bộ phải vượt qua 3 con dốc đứng sừng sững mới có thể đến đó được. Dù đã đi vài ba lần rồi, nhưng thoạt nghe tôi cũng rùng mình, vì mùa này thường có mưa, lốp xe ít bám mặt đường nên mỗi khi xe lên dốc là lạnh sống lưng.
Và rồi, cuối cùng chúng tôi cũng tới được những đồi chè xanh mướt. Dừng chân ở đội 4, thôn Trà Vân, chúng tôi được thư giãn với phong cảnh mây núi trập trùng và khí trời mát lạnh. Hòa với màu xanh của núi rừng bạt ngàn là những đồi chè ngút ngàn từ đầu sườn đồi lên đến đỉnh núi cao.
Những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Cor, chủ nhân của những đồi chè như điểm xuyến thêm khung cảnh hữu tình giữa núi rừng bao la. Trước mặt là đỉnh Cà Đam bị che khuất bởi mây trời mờ ảo.
Biết chúng tôi đến tìm hiểu cây chè, người dân ở đây đều hồ hởi đón tiếp như khách quý. Dù giữa trưa, nhưng họ không ngần ngại đưa chúng tôi lên thăm những đồi chè truyền thống. Những cây chè thân to bằng cánh tay được chặt tỉa rất xinh xắn.
Trên ngọn là những tán lá xanh non mơn mởn. Đó là sản phẩm mà buổi sáng thức dậy đồng bào nơi đây thu hoạch mang xuống trung tâm xã để bán mua thức ăn và dành dụm chi tiêu cho cuộc sống hằng ngày.
Vừa hái những đọt chè xanh, ông Hồ Văn Năm, kể: Cây chè xanh có ở nơi đây lâu lắm rồi. Ngày trước, ông bà mình sống nhờ vào cây chè, nay gia đình mình cũng thế. Thời tiết ở đây rất hợp với cây chè, nên loại cây này phát triển xanh tốt quanh năm.
Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Nhân, cho biết thêm: Nhiều người từng thưởng thức những lá chè tươi của vùng này đều có chung cảm nhận, chè ở đây không thua gì chè tuyết ở các vùng núi cao Tây Bắc. Bởi lẽ, khí hậu lạnh mát quanh năm, tạo nên những búp chè xanh tinh khiết. Do ở vùng núi cao và cách trồng, chăm sóc, thu hoạch đều thủ công nên không bị tác động bởi thuốc bảo vệ thực vật cũng như một số hoá chất khác.
Mong được “có tên”
Thôn Trà Vân hiện có hơn 20ha chè được trồng lâu năm và là nơi có diện tích chè lớn nhất của xã Trà Nham. Với hơn 10 ngàn cây chè trên đồi, ông Hồ Văn Năm cho biết, việc tiêu thụ cũng như thu nhập từ cây chè của người dân còn bấp bênh.
Bởi lẽ, do đồng bào không có phương tiện vận chuyển nên những thương lái ở đồng bằng lên mua thường ép giá bà con. “Cứ vài ngày họ lên mua một lần. Họ đặt trước bao nhiêu thì mình hái bấy nhiêu, hôm sau họ lên lấy?, ông Năm nói.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, thường thì mỗi nhà thương lái đặt hái chừng 10 đến 20 bó. Mỗi bó chè có trọng lượng chừng 3kg, nhưng giá chỉ 10 - 15 ngàn đồng. Do vậy, mỗi lần bán chè, người dân cũng chỉ thu nhập chừng vài trăm ngàn trở lại. Phần lớn bà con hái chè để đổi lấy thực phẩm tươi sống của những người bán hàng di động từ đồng bằng lên.
Dù thu nhập không cao, nhưng với cây chè, người dân ở đây cũng có thêm thu nhập hằng ngày để trang trải cuộc sống gia đình. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là, trong khi nhiều nơi đổ xô phá cây trồng truyền thống để trồng keo thì người dân nơi đây vẫn một lòng gắn bó với cây chè. Ông Hồ Văn Hồng, chia sẻ: Dù không bán được nhiều tiền như cây quế, cây keo, nhưng bù lại hằng ngày bà con đều có khoản thu nhập từ việc thu hoạch chè.
Và ngạc nhiên hơn, dù là vùng chè lâu năm nhưng hầu như ít người biết đến cây chè ở vùng đất này. Trong báo cáo kinh tế - xã hội hàng năm của xã cây chè không có tên trong cơ cấu các loại cây trồng của xã. Nói về điều này, ông Hồ Văn Nhân, cho biết: Do cách trồng, mua bán nhỏ lẻ nên địa phương không thể đưa vào cơ cấu các loại cây trồng mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cây chè nơi đây đã mang lại một khoản thu nhập nhất định cho người dân.
Vì thế, xã từng bước phục hồi và mở rộng thêm diện tích trồng chè để đa dạng hoá cây trồng. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 40ha chè và đang được phát triển thêm. Đồng thời kiến nghị huyện đầu tư nâng cấp tuyến đường trung tâm xã đi thôn Trà Vân để việc đi lại, trao đổi sản phẩm nông- lâm sản của bà con được thông suốt, không còn cảnh bị thương lái ép giá.
Hy vọng trong một ngày không xa, cây chè ở vùng núi Cà Đam sẽ được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, mở ra cơ hội đổi đời cho đồng bào Cor nơi đây.
Có thể bạn quan tâm
Qua kiểm tra, đánh giá giai đoạn 2005-2010 thành phố Việt Trì đã khuyến khích khôi phục, phát triển lại; huyện Phù Ninh lập dự án trồng hồng không hạt Gia Thanh. Giai đoạn 2012-2015 UBND tỉnh phê duyệt dự án trồng mới 30 ha hồng không hạt trên địa bàn huyện Phù Ninh, đến nay đã trồng được 13 ha.
Vụ mì vừa qua bà Mai cùng một số hộ nông dân khác ở Nghĩa Điền sử dụng giống mì NA1 để trồng trên đất mì cũ. So với giống mì KM94 mà nhiều hộ dân trồng trước đó, giống mì NA1 mới này cho năng suất bình quân lên đến 40 tấn/ha. Bà Mai cho biết thêm, so với thu nhập 7 triệu đồng/vụ mì từ giống KM94 thì khi chuyển sang trồng mì NA1, vụ mì năm 2014 thu nhập lên đến 12 triệu đồng/ha.
Nhiều xã khi còn thuộc huyện Sơn Tịnh đã được phê duyệt về “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên mọi nguồn vốn đầu tư... vẫn còn trên giấy, dẫn đến khối lượng công việc không thể thực hiện được, ứ lại, dồn qua năm sau. “Đến khi sáp nhập vào TP.Quảng Ngãi, cấp trên yêu cầu phải thực hiện lại Đề án trong khi số tiền thuê tư vấn thực hiện đề án của những năm trước vẫn còn nợ”, ông Văn Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Thiện bày tỏ.
Năm 2014 được đánh giá là năm thắng lợi của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt hơn 3.294 tỷ đồng, vượt kế hoạch và tăng 4,3% so với năm 2013. Tổng sản lượng lương thực đạt 479.554 tấn, bằng 101,3% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với năm 2013.
Với nhiều ngư dân thì có một chiếc tàu lớn đủ sức vươn khơi dài ngày đã là một sự chắt chiu trong nhiều năm, thậm chí cả đời vẫn không có. Thế nhưng ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), một ngư dân bỏ ra một số tiền “khủng” đóng mới 3 chiếc tàu công suất lớn cùng một lúc. Đó là anh Nguyễn Văn Hiền.