Về huyện có hàng chục nông dân tỷ phú
Phất theo trang trại giữa rừng
Huyện Sông Hinh (Phú Yên) vừa kỷ niệm 30 năm thành lập. Quãng thời gian đó đã giúp vùng đất này sản sinh nên hàng chục ND tỷ phú. Thông qua Hội ND huyện, tôi tìm gặp ông chủ trang trại giữa rừng buôn Quen, xã Ea Bar - ông Cao Nguyên Lâm.
Tỷ phú Cao Nguyên Lâm trong trang trại giữa rừng Sông Hinh (Phú Yên).
Hơn 20 năm trước, ông Lâm dắt díu vợ con từ huyện Đồng Xuân (Phú Yên) sang Sông Hinh làm kinh tế mới. Ngày đó, đất núi Sông Hinh bạt ngàn “chẳng biết làm gì cho hết”; ông Lâm dốc vốn sang nhượng lại đất của người quen, thế chấp sổ đỏ vay 80 triệu đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) để bắt đầu lập nghiệp.
“Với vợ chồng tôi, 80 triệu đồng hồi đó to như... trái núi. Thế nhưng thấy dân tại chỗ nuôi bò thả rông mà vẫn có ăn, tôi quyết định tậu hơn 20 bò cái sinh sản. Nhờ chăm bẵm kỹ nên bò đẻ đều đặn, tôi bán bò đực con, rồi dựng thêm chuồng cho bò cái đẻ. Giả xong nợ ngân hàng, còn lãi khá!” - ông Lâm kể.
Thế là vợ chồng ông Lâm có vốn mua gom đất phát triển trồng trọt. Quần quật vừa học hỏi, vừa thuê người thâm canh, một số cây ngắn ngày (sắn mì, lúa nước, đậu các loại) của gia đình ông luôn đạt năng suất khá, cho lợi nhuận cao hơn nhiều thửa trong vùng. Không dừng ở đó, khi Phú Yên có chủ trương phát triển cao su tiểu điền (2001 - 2004), ông vay tiếp 180 triệu đồng vốn ưu đãi dài hạn từ Agribank Sông Hinh để đầu tư trồng 10ha cao su.
Giai đoạn vào khai thác, mủ cao su đang có giá, vậy là ông thu lãi đều 70 - 80 triệu đồng/ha/mùa cạo mủ. Bên cạnh đó, nhờ phương thức trồng cà phê xen cao su, ông đã có thu lợi đáng kể từ cà phê hạt, trước khi cao su cho mủ. Hạch toán kinh tế, tổng lợi nhuận của gia đình ông Lâm luôn đạt 1 tỷ đồng/năm.
Theo ông Ksor Hét - Chủ tịch UBND xã Ea Bar, gần 1.400 hộ của xã đang có thu nhập ổn định từ việc canh tác hơn 7.000ha đất nông nghiệp. Nhiều năm qua, cái khó về vốn làm ăn nông dân đã được Agribank đáp ứng kịp thời.
Nhiều cán bộ tín dụng của ngân hàng này đã tận tình cung cấp thông tin khoa học nông nghiệp, phương án làm ăn để bà con có lãi trong sản xuất. Ea Bar hiện có hàng chục tỷ phú “chân đất” cỡ như ông Cao Nguyên Lâm. Đây là những hình mẫu sát thực để giúp ND địa phương thay đổi tư duy làm ăn, tăng thu nhập trong sản xuất.
“Vua” heo miền Trung
" Chúng tôi luôn đồng hành với tham vọng làm giàu chính đáng của nông dân. Nếu có dự án thuyết phục, chúng tôi sẵn sàng cung ứng vốn. Đặc biệt, chúng tôi đang thực hiện nhiều chính sách ưu đãi cho vay tam nông, hậu thuẫn vốn tối đa để người nông dân vươn lên làm ăn lớn” .
Ông Nguyễn Xuân Tuyến - Phó Giám đốc Agribank Bình Định
Tại xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân (Bình Định), vợ chồng ông Nguyễn Công Huy (52 tuổi) hiện có trang trại chăn nuôi quy mô hàng đầu tỉnh này. Trang trại Huy Tuyết xanh mướt, ngăn nắp như một “thành phố sinh thái” giữa rừng Ân Tường Đông, hiện mỗi năm cung ứng trên 20.000 con heo giống chất lượng cao.
Trước đó lăn lộn với nhiều nghề, có được ít vốn, vợ chồng ông Huy bàn nhau về quê mua đất nuôi heo. Lớn lên trong tiếng “heo la” ở vùng có nghề nuôi heo phát triển nhất miền Trung, ông Huy thấy được thế mạnh của quê mình.
Thế nhưng cuộc “trở về” này của vợ chồng ông mang giấc mơ đại phú. Nghĩa là không chăn nuôi nhỏ lẻ như truyền thống lâu nay. Ông đổ vốn mua cùng lúc 4ha đất biệt lập giữa rừng, để làm trang trại chăn nuôi công nghệ cao theo tiêu chuẩn của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam. Thế nhưng mới xây dựng một phần cơ sở trang trại, bạc tỷ của nhà đã cạn, đành phải cậy vốn ngân hàng. Nắm bắt chủ trương khuyến khích cho vay phát triển nông nghiệp, ông Huy quyết định thế chấp tài sản để “đánh” 5 tỷ đồng từ Agribank Hoài Ân.
“Đồng vốn vay là phải… trả cả gốc lẫn lãi. Đã quyết “đứng chân” chăn nuôi lớn thì phải nắm cho chắc đầu ra sản phẩm và giảm thiểu dịch bệnh. Điều đó đồng nghĩa với đầu tư công nghệ cao để giảm thiểu rủi ro, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Tôi đã ký kết trang bị công nghệ và bao tiêu sản phẩm từ Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam. Ngoài ra, trang trại còn thuê thêm bác sĩ thú y để giám sát chặt chẽ quy trình nuôi heo sạch. Vì thế “nấc thanh” vốn vay đã có hướng giải quyết chắc chắn; sau vài năm là có lãi ròng” - ông Huy bộc bạch.
Từng khu nhà chuồng tăm tắp, sạch bong, ai ra vào cũng cũng đều bước qua khu xử lý vô trùng. Thật khó nhận biết đây là trại heo, bởi hệ thống làm mát, khu ăn, khu nghỉ, nhà sinh, nhà chăm heo mới sinh, khu xử lý chất thải… hết sức hiện đại, không mùi. Mỗi ngày, 2 bác sĩ thú y và 40 công nhân kỹ thuật luôn túc trực giám sát phòng chống dịch bệnh, quy trình chăm sóc, “đo đếm” cụ thể việc tăng trưởng từng cá thể heo.
Chế độ chăm sóc ưu việt ở trang trại Huy Tuyết đã cho ra đời những lứa heo giống đạt tiêu chuẩn tốt nhất, được bao tiêu ổn định với giá luôn cao hơn con giống nuôi kiểu truyền thống. Với mức lợi nhuận “vài tỷ” mỗi năm, vợ chồng ông Huy lại đang tiếp tục mở rộng trang trại lên quy mô 10ha, với mục tiêu nuôi 6.000 heo nái và 5.000 heo thịt...
Có thể bạn quan tâm
Hơn 23 năm hình thành và phát triển, nhưng nghề nuôi cá cảnh ở Tiền Giang đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, mặc dù tỉnh có đầy đủ yếu tố cả về thiên thời và địa lợi. Nguyên nhân do đâu?
Từ đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh Thạch Cảnh (người khmer) ở ấp Thạnh An Tư, xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã “vượt lên chính mình” để có cuộc sống sung túc...
Mùa này ra chợ, chỗ nào cũng có bán táo. Trước đây, có nhiều giống táo được bán lắm! Nhưng ít năm trở lại đây, người ta chỉ bán chủ yếu giống táo có quả to mà được gọi là đại táo. Gọi là “đại táo” cũng không ngoa.
Hàng chục năm qua, người dân nghèo ở các thôn Lập An, Loan Lý, Hót Mít, Hói Dừa… thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) chỉ biết mò cua bắt cá trên đầm Lập An để sống qua ngày.
Nhiều hộ dân ở xã Lê Minh Xuân (Huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu nhờ chuyển đổi cây trồng trong những năm gần đây.