Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ông trùm kim cương ở làng hoa Thái Phiên

Ông trùm kim cương ở làng hoa Thái Phiên
Ngày đăng: 06/09/2015

Anh được dân làng đặt cho biệt danh "Hải Kim Cương". Gia đình có truyền thống ba đời trồng hoa, ngay từ năm 17 tuổi anh Hải đã nối nghiệp. Sau khi lập gia đình, anh được cha mẹ cho một sào đất (1.000 m2) để làm ăn riêng. Thời gian đầu anh vẫn trồng hoa cúc chùm như bao gia đình khác ở làng hoa này. Ý tưởng trồng cúc kim cương đến khi giá loại hoa này lên cao.

Anh Nguyễn Thanh Hải chăm sóc vườn cúc kim cương của mình.

“Ban đầu trồng chỉ vì giá cao, nhưng gắn bó với loại hoa này suốt 10 năm nay nên đam mê từ lúc nào không biết”, anh Hải cười nói. Loại hoa này được một doanh nghiệp trồng hoa ở Đà Lạt nhập giống từ Nhật về trồng và bán. Vì là giống hoa mua bản quyền nên doanh nghiệp này không cho nông dân nhân giống đại trà và họ hủy cây giống sau mỗi mùa vụ.

Thấy hoa đẹp, anh Hải cũng mua về chưng và cắt bỏ phần bông để cấy mô nhân giống. Thời gian đầu khá khó khăn vì cấy mô rất lâu, mất 6-7 tháng mới ra được cây thịt và đến lúc thu hoạch cũng gần một năm. Nhận thấy phương án này không khả thi, anh đã thay đổi, cải tiến rút ngắn được khoảng thời gian hình thành cây thịt.

Với một sào đất và số vốn ít ỏi không đủ lực để trồng cúc kim cương, anh Hải phải đi làm công cho các nhà vườn khác kiếm thêm nguồn vốn. Thời gian đầu, trên mảnh đất của mình anh đầu tư trồng rau và thuê thêm bốn sào nữa trồng atiso.

Với phương pháp lấy ngắn nuôi dài, vụ trồng rau đầu anh thu được hơn 20 triệu và đầu tư dựng nhà kính, làm giàn để chuẩn bị trồng giống hoa mới. Đến năm 2004, anh trồng thử nghiệm 10.000 cây cúc kim cương xen canh với cúc chùm. Vụ đầu tiên dù không có kinh nghiệm nhưng may mắn nhờ công đoạn làm đất phù hợp nên hoa đạt 70% loại A và thu về 15 triệu đồng.

Anh Hải tiếp tục duy trì trồng thử nghiệm 10.000 cây ở mỗi vụ sau, nhưng đều thất bại, chỉ đạt 50% hoa loại A. Không lỗ vốn nhưng đối với người trồng hoa chuyên nghiệp, thì kết quả này bị xem là thất bại.

“Khó khăn không phải về giá mà là cách trồng và chăm sóc. Cúc kim cương rất dễ bị hư lá, mà cúc không có lá thì bán mất giá”, anh Hải chia sẻ và cho biết thêm, dù với kinh nghiệm 20 năm trồng và nghiên cứu về cúc cũng như thổ nhưỡng phù hợp với từng loại hoa, nhưng anh cũng phải mất 5 năm để nghiên cứu thành công cách trồng và trị được bệnh hư lá của cúc kim cương.

Theo nhà vườn giàu kinh nghiệm này, công tác làm đất rất quan trọng, cúc kim cương phù hợp nhất với đất đỏ bazan, do đó phải làm đất tơi xốp, giữ độ ẩm cao, thường xuyên bón lót và bón đủ chất vi lượng, ít sử dụng phân hóa học để hạn chế bị khô lá. Tốt nhất là nên bón bằng phân chuồng.

"Lúc đầu tôi trồng thất bại vì bón quá nhiều phân hóa học nên lá cúc bị hư hàng loạt. Trong 2 tháng đầu chong điện, đến tháng thứ ba nên ngắt điện để hoa có thể ra nụ. Một cành chỉ để duy nhất một nụ giúp cho ra hoa to hơn hoa cúc chùm”, anh Hải phân tích.

Sau khi nghiên cứu thành công cách trồng, đến năm 2010 anh Hải mới dám phát triển đại trà và chuyên canh cúc kim cương. Từ việc đi thuê 4 sào đất, đến nay anh đã mua lại chính mảnh đất này với giá 800 triệu đồng để mở rộng.

Ở Đà Lạt, cúc kim cương còn được trồng khá nhỏ lẻ, chỉ có 5 đến 6 hộ kinh doanh loại hoa này, nên với 5 sào đất, mỗi năm anh Hải trồng ba vụ hoa và cung cấp ra thị trường 250.000 cành. Với mức giá 2.800 đồng một cành, mỗi năm anh thu về hơn một tỷ đồng. Hiện nay vườn của anh cho tỷ lệ hoa loại A luôn đạt mức 70% trở lên.

Anh Hải cho biết, cúc kim cương hiện nay vẫn được thị trường ưa chuộng, thương lái mua với giá cao vì loại hoa này cho bông đơn, hoa nở to và lâu tàn. Tên gọi này cũng do chính những người nông dân ở làng hoa Thái Phiên đặt với ước mơ được mùa, được giá và có thể... mua được kim cương.

Chia sẻ về kế hoạch phát triển, anh Hải ngỏ ý muốn xây dựng một thương hiệu riêng cho giống cúc kim cương và dự định mở rộng thêm 5 sào đất nữa để trồng phục vụ nhu cầu của thị trường.


Có thể bạn quan tâm

Nghề Ép Chuối Khô Giúp Người Dân Thoát Nghèo Nghề Ép Chuối Khô Giúp Người Dân Thoát Nghèo

Với lợi thế nguồn nguyên liệu chuối có sẵn tại địa phương, nghề ép chuối khô được nhiều hộ dân ấp 10B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời chọn làm và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo. Cứ mỗi khi mùa mưa sắp kết thúc, bà con ở đây ai cũng náo nức chuẩn bị đương vĩ, làm giàn và các vật dụng cần thiết khác để chuẩn bị bước vào mùa ép chuối khô.

31/10/2014
Xây Dựng Thành Công 50ha Khóm Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP Xây Dựng Thành Công 50ha Khóm Đạt Tiêu Chuẩn VietGAP

Đó là kết quả đạt được của dự án cấp Bộ “Xây dựng mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để phát triển vùng chuyên canh cây khóm Queen “Cầu Đúc” ở Hậu Giang”, do thạc sĩ Nguyễn Thị Kiều làm chủ nhiệm. Dự án vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh nghiệm thu loại khá.

31/10/2014
Mở Rộng Diện Tích Màu Thực Phẩm Mở Rộng Diện Tích Màu Thực Phẩm

Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã xuống giống được gần 45.000 ha màu thực phẩm các loại, đạt 102,9% chỉ tiêu cả năm. Nông dân địa phương đã thu hoạch trên 37.000 ha, với sản lượng khoảng 635.000 tấn rau màu các loại, cung ứng cho thị trường các tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

03/11/2014
Giá Xuất Khẩu Chè Có Tăng Nhưng Vẫn Thấp Nhất Thế Giới Giá Xuất Khẩu Chè Có Tăng Nhưng Vẫn Thấp Nhất Thế Giới

So với cùng kỳ năm trước, giá chè XK bình quân 9 tháng đầu năm đạt 1.693 USD/tấn, tăng 6,03%. Khối lượng chè XK sang Pakistan - thị trường lớn nhất của Việt Nam tăng 67,64% về khối lượng và tăng 94,40% về giá trị. Trái ngược với tình trạng đó, XK chè sang Indonesia có tốc độ giảm mạnh nhất, giảm 57,16% về khối lượng và giảm 58,28% về giá trị.

03/11/2014
Bình Thuận Giám Sát Độc Tố Trên Các Loại Sò Biển Bình Thuận Giám Sát Độc Tố Trên Các Loại Sò Biển

Trước đó, ngày 19/10, Cơ quan Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Nam Bộ đã thông báo: kiểm tra 10 mẫu kiểm tra sò lông, sò điệp của tỉnh Bình Thuận có nhiễm Lipophilic - một loại độc tố gây tiêu chảy, không đạt tiêu chuẩn chế biến thực phẩm xuất khẩu vào châu Âu.

03/11/2014