Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Chè Trên Đất Địch Quả

Cây Chè Trên Đất Địch Quả
Ngày đăng: 01/08/2014

Người dân xã Địch Quả (huyện Thanh Sơn) đã có nhiều cách làm giàu, nhưng hiệu quả hơn cả vẫn là cây chè. Những người cao niên nhất trong xã cũng không biết cây chè cắm chân trên đất này từ bao giờ, còn chè trồng quy mô, thành hàng hóa lớn bắt đầu từ những năm 1980.

Lúc ấy Nông trường Phú Sơn, nay là Công ty liên doanh chè Phú Đa, bắt đầu chuyển đổi từ cây trồng khác sang trồng chè để chế biến chè đen xuất khẩu, những đồi chè quy mô lớn mới hình thành. Vài chục năm qua, trải bao thăng trầm, nhưng cây chè vẫn đã đứng vững và khẳng định hiệu quả trên đất Địch Quả.

Bắt đầu từ chè hộ dân trồng quy mô nhỏ để tiêu dùng, rồi lan rộng ra chè nông trường, chè hộ công nhân, rồi chè của hộ nông dân quy mô lớn cứ theo nhau mãi nhân rộng ra các triền đồi. Dù chưa có sự đánh giá đầy đủ nhưng qua quan sát những đồi chè hai bên đường QL32, đoạn từ giáp xã Thục Luyện lên trung tâm xã Địch Quả có thể coi là vùng chè đẹp nhất trên đất Phú Thọ hiện nay.

Trao đổi về tiềm năng cây chè tại địa phương, đồng chí Hà Văn Thái, Bí thư Đảng ủy xã Địch Quả cho biết: Hơn chục năm qua chè là cây trồng mũi nhọn ở xã. Không chỉ có Công ty liên doanh chè Phú Đa mà địa phương cũng tranh thủ  đầu tư từ chương trình nông nghiệp trọng điểm, chương trình dự án phát triển cây chè của tỉnh và nguồn vốn khác để mở rộng diện tích, thâm canh cây chè.

Quan trọng nhất là nhân dân thấy được hiệu quả của cây chè nên rất nhiều hộ  trong xã đã thay thế chuyển đổi từ rừng trồng cây nguyên liệu giấy sang cây chè.

Thông qua sự giao thoa của công nhân doanh nghiệp chè và chương trình chuyển giao kỹ thuật của các dự án bà con nông dân đã tiếp thu kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè tiên tiến. Trước đây cây chè ở địa phương chủ yếu là chè giống cũ phục vụ chế biến chè đen, ngày nay chè trồng mới chủ yếu giống chè lai LDP1, LDP2...

Đặc biệt kỹ thuật canh tác trồng, đốn tỉa thu hái đều áp dụng theo kỹ thuật mới. Hàng năm sau thu hoạch chè được đầu tư bón phân, phun thuốc sâu đúng hướng dẫn, đa số diện tích hái bằng máy.

Do vậy cách đây 6-7 năm năng suất chè của bà con địa phương chỉ đạt bình quân 7-8 tấn/ha,  nay tăng lên bình quân trên 12 tấn, có nhiều hộ đạt 14-15 tấn/ha; riêng chè của nông trường thuộc Công ty liên doanh chè Phú Đa đạt trên 15 tấn, nhiều lô đạt  năng suất 20-22 tấn/ha.

Với năng suất như vậy, giá bán trên dưới 4 ngàn đồng/kg búp tươi mỗi ha trồng chè một năm cho thu nhập ổn định 50-60 triệu đồng. Tuy chưa phải là cao nhưng trong điều kiện sản xuất nông nghiệp, cộng mức chi phí đầu tư cơ bản ban đầu và hàng năm hiện nay mức thu đó tương đối tốt so với mặt bằng chung.

Đến nay trên địa bàn xã đã có  gần 335ha chè, trong đó có 325ha chè kinh doanh, mỗi năm thu hoạch trên 4.000 tấn chè búp tươi. Riêng chè của bà con nông dân trong xã có gần 140ha, mỗi năm thu khoảng gần 1700 tấn búp tươi, với giá bán như hiện nay thu nhập của cây chè hàng năm tương đương 1.000 tấn thóc, đây là con số đáng kể với một xã miền núi.

Cây chè ở Địch Quả không chỉ thích nghi môi trường sản xuất nông nghiệp mà còn rất thuận lợi trong tiêu thụ, chế biến. Nằm ở vùng trung tâm vùng chè bên hữu ngạn sông Hồng, nên chè Địch Quả lúc nào cũng tiêu thụ hết, giá đảm bảo.

Ngoài bán cho Công ty Liên doanh chè Phú Đa và Công ty chè Phú Thọ, trong khu vực còn có rất nhiều xưởng chè lớn, nhỏ khác của tư nhân hoạt động, vào vụ thu hoạch thu mua hết chè tươi, giá cả ổn định.

Thấy được hiệu quả cây chè nhiều hộ đầu tư sắm máy hái chè, máy đốn chè, máy phun thuốc... những công đoạn lao động thủ công nặng nhọc, vất vả đã giảm thiểu rất nhiều, tăng năng suất càng tạo cơ hội để cây chè phát triển.

Nhờ cây chè mà đời sống của người dân xã Địch Quả tương đối ổn định. Năm 2013 thu nhập bình quân toàn xã đã đạt trên 15 triệu đồng/khẩu, xã có hàng trăm hộ giàu từ cây chè. Gần đây trên địa bàn đã có hai cơ sở chế biến chè có vốn nước ngoài và tỉnh ngoài đầu tư, càng mở thêm cơ hội để cây chè phát triển ổn định, lâu dài.


Có thể bạn quan tâm

Vú Sữa Tím Tín Hiệu Vui Cho Nhà Vườn Vú Sữa Tím Tín Hiệu Vui Cho Nhà Vườn

Sau một thời gian bị lãng quên, hiện vú sữa tím được nhiều nhà vườn ở xã Xuân Hòa (Kế Sách - Sóc Trăng) quan tâm vì đây là loại cây cho lợi nhuận cao nhờ cho thu hoạch sớm hơn 1-2 tháng so với vú sữa Lò Rèn, có thể vận chuyển xa và được thị trường chấp nhận.

27/12/2013
Tái Đàn Chăn Nuôi Sau Lũ Tái Đàn Chăn Nuôi Sau Lũ

Sau lũ, nông dân xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) khẩn trương vệ sinh môi trường, phòng trừ dịch bệnh, chuẩn bị con giống để tái đàn và phát triển chăn nuôi. Đây là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng trong đợt lũ lụt vừa qua.

07/12/2013
Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Cút Làm Giàu Nhờ Nuôi Chim Cút

Nhờ tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Văn Hùng ở làng Can Bi, xã Phú Xuân (Bình Xuyên - Vĩnh Phúc) đã tìm ra con đường làm giàu cho mình: Nuôi chim cút.

27/12/2013
Tỷ Phú Trưởng Thôn Dưới Chân Đồi Gò Loi Tỷ Phú Trưởng Thôn Dưới Chân Đồi Gò Loi

Những ngày công tác ở vùng trung du huyện Hoài Ân (Bình Định), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện đẹp về những tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng. Một trong số đó là ông Mai Văn Rõ (52 tuổi), Trưởng thôn Tân Thịnh, xã Ân Tường Tây.

27/12/2013
Tái Phát Dịch Lở Mồm Long Móng Trên Đàn Gia Súc Tái Phát Dịch Lở Mồm Long Móng Trên Đàn Gia Súc

Theo ông Đào Lý Nhĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, hiện ngành Thú y đang phối hợp với địa phương để thực hiện các biện pháp khống chế, bao vây và dập dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

07/12/2013