Cây Ăn Quả Trái Mùa

Đến giai đoạn này, lúa không phải là cây trồng độc tôn nữa. Chỗ nào trồng lúa tốt thì cứ trồng. Còn chỗ nào trồng lúa không tốt hoặc trồng lúa mà bán không được giá thì ta được phép chuyển đổi. Nhiều nơi đã đưa cây ăn quả vào.
Ở Lai Vu, 1 sào Nam Bộ (1.000m2) trồng quýt hồng mà thu tới 200 triệu. Tính ra, 1 hécta sẽ thu tới 2 tỷ. Vậy sao không làm! Rất nhiều loại cây ăn quả đã được đưa vào thay lúa như thanh long, bưởi, cau, nhãn, ổi, xoài, na, đu đủ, chuối... Tùy từng nơi, tùy từng chân đất và cũng phải nghe ngóng thị trường để ta chọn đối tượng nào đưa vào canh tác.
Việc này cần xem xét thận trọng và nên tham khảo ý kiến của các kỹ sư nông nghiệp ở địa phương. Không phải đâu cũng thắng lợi. Đã có nhiều bài học cay đắng trong quá trình chuyển đổi. Do đó, bà con mình cần hết sức thận trọng.
Cây ăn quả thường cho thu nhập cao hơn lúa nhiều lần. Nếu biết tính toán, nhiều nhà giàu lên nhanh chóng nhờ vào cây ăn quả. Ở Chi Lăng (Lạng Sơn), ngô, sắn làm sao thu nhập bằng na được! Cũng như vậy, ở Lục Ngạn (Bắc Giang) là vải, ở Bắc Quang (Hà Giang) là cam, ở cả tỉnh Bình Thuận là thanh long... Mỗi vùng đều có những loại cây ăn quả ưu việt.
Tuy nhiên, nhiều loại cây cho thu hoạch quá tập trung nên giá bán thường bị hạ thấp. Nhãn, vải là một ví dụ. Vì vậy, việc kéo dài thời vụ hoặc tạo ra các vụ trái mùa là một biện pháp rất hữu hiệu để chúng ta tăng thu nhập. Đã có thời, một quả chanh vào tết có giá bằng một cân chanh chính vụ.
Vì vậy, người ta đã tìm ra nhiều biện pháp để cho chanh ra quả trái vụ (như xiết nước, cắt rễ, phun thuốc...). Nhưng hiện nay, các giống chanh tứ thời đang được phát triển mạnh. Chúng cho quả quanh năm. Nếu ta tập trung phân bón vào vụ trái mùa thì sẽ được thu hoạch gấp bội.
Ở Bình Thuận, có những đêm đèn rực sáng khắp tỉnh! Họ thắp đèn để tạo thanh long trái vụ. Kỹ thuật này đã thành phổ thông nên ai trồng thanh long cũng nghĩ tới việc tạo ra vụ quả trái mùa.
Những vùng trồng dứa (thơm) rộng lớn thường dành một diện tích để cho dưa ra quả trái vụ. Họ thường dùng đất đèn hoặc ethephôn để kích thích dứa ra hoa. Giữa mùa đông mà có dứa bán thì giá bao giờ cũng cao.
Nhiều gia đình nông dân đã đưa giống nhãn muộn vào canh tác. Giống nhãn này có thể đeo quả tới tận Tết Trung thu. Lúc đó, đắt mấy cũng bán hết.
Gần đây ở Hà Nội, giữa mùa đông rét mướt mà lại có mít bán đầy. Ăn mít vào mùa đông thì rất hợp lý! Thế nhưng giá lại đắt quá trời! Không phải họ dùng biện pháp kỹ thuật để tạo vụ trái đâu mà chính là do giống. Giống mít này ra quả quanh năm. Ta bỏ những quả sẽ ra vào vụ hè để cây tập trung phát triển những quả ra vào mùa đông. Mùa đông có mít bán thì... nhiều tiền lắm!
Vì vậy, mọi nhà phải chú ý tới việc trồng cây ăn quả trái mùa!
Có thể bạn quan tâm

Triển khai từ năm 2009, Dự án trồng rau hữu cơ do T.Ư Hội NDVN phối hợp với Hội ND xã Định Trung (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) thực hiện không chỉ giúp ND nâng cao thu nhập mà còn đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Chỉ trong tuần qua, diễn biến thị trường lúa gạo miền Tây đột ngột “tụt áp”. Cả nông dân và giới thương lái đều ngỡ ngàng. Trong khi đó chợ lúa gạo ở vùng biên cũng rơi vào trạng thái trầm lắng.

Cá bông lau là loài cá da trơn, thịt thơm ngon và là đặc sản của vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, do khai thác vô tội vạ nên gần đây, loài cá này gần như cạn kiệt ngoài tự nhiên. Do đó, việc sản xuất nhân giống cá bông lau là rất cần thiết.

Rất nhiều giống cây trồng có nguồn gốc, xuất xứ từ các nước nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đã được Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM đem về trồng thử nghiệm, cho kết quả khả quan.

Từ ngày 7-6, các doanh nghiệp FDI sẽ không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm việc mở địa điểm để mua gom hàng hóa xuất khẩu được.