Cây Ăn Quả Trái Mùa

Đến giai đoạn này, lúa không phải là cây trồng độc tôn nữa. Chỗ nào trồng lúa tốt thì cứ trồng. Còn chỗ nào trồng lúa không tốt hoặc trồng lúa mà bán không được giá thì ta được phép chuyển đổi. Nhiều nơi đã đưa cây ăn quả vào.
Ở Lai Vu, 1 sào Nam Bộ (1.000m2) trồng quýt hồng mà thu tới 200 triệu. Tính ra, 1 hécta sẽ thu tới 2 tỷ. Vậy sao không làm! Rất nhiều loại cây ăn quả đã được đưa vào thay lúa như thanh long, bưởi, cau, nhãn, ổi, xoài, na, đu đủ, chuối... Tùy từng nơi, tùy từng chân đất và cũng phải nghe ngóng thị trường để ta chọn đối tượng nào đưa vào canh tác.
Việc này cần xem xét thận trọng và nên tham khảo ý kiến của các kỹ sư nông nghiệp ở địa phương. Không phải đâu cũng thắng lợi. Đã có nhiều bài học cay đắng trong quá trình chuyển đổi. Do đó, bà con mình cần hết sức thận trọng.
Cây ăn quả thường cho thu nhập cao hơn lúa nhiều lần. Nếu biết tính toán, nhiều nhà giàu lên nhanh chóng nhờ vào cây ăn quả. Ở Chi Lăng (Lạng Sơn), ngô, sắn làm sao thu nhập bằng na được! Cũng như vậy, ở Lục Ngạn (Bắc Giang) là vải, ở Bắc Quang (Hà Giang) là cam, ở cả tỉnh Bình Thuận là thanh long... Mỗi vùng đều có những loại cây ăn quả ưu việt.
Tuy nhiên, nhiều loại cây cho thu hoạch quá tập trung nên giá bán thường bị hạ thấp. Nhãn, vải là một ví dụ. Vì vậy, việc kéo dài thời vụ hoặc tạo ra các vụ trái mùa là một biện pháp rất hữu hiệu để chúng ta tăng thu nhập. Đã có thời, một quả chanh vào tết có giá bằng một cân chanh chính vụ.
Vì vậy, người ta đã tìm ra nhiều biện pháp để cho chanh ra quả trái vụ (như xiết nước, cắt rễ, phun thuốc...). Nhưng hiện nay, các giống chanh tứ thời đang được phát triển mạnh. Chúng cho quả quanh năm. Nếu ta tập trung phân bón vào vụ trái mùa thì sẽ được thu hoạch gấp bội.
Ở Bình Thuận, có những đêm đèn rực sáng khắp tỉnh! Họ thắp đèn để tạo thanh long trái vụ. Kỹ thuật này đã thành phổ thông nên ai trồng thanh long cũng nghĩ tới việc tạo ra vụ quả trái mùa.
Những vùng trồng dứa (thơm) rộng lớn thường dành một diện tích để cho dưa ra quả trái vụ. Họ thường dùng đất đèn hoặc ethephôn để kích thích dứa ra hoa. Giữa mùa đông mà có dứa bán thì giá bao giờ cũng cao.
Nhiều gia đình nông dân đã đưa giống nhãn muộn vào canh tác. Giống nhãn này có thể đeo quả tới tận Tết Trung thu. Lúc đó, đắt mấy cũng bán hết.
Gần đây ở Hà Nội, giữa mùa đông rét mướt mà lại có mít bán đầy. Ăn mít vào mùa đông thì rất hợp lý! Thế nhưng giá lại đắt quá trời! Không phải họ dùng biện pháp kỹ thuật để tạo vụ trái đâu mà chính là do giống. Giống mít này ra quả quanh năm. Ta bỏ những quả sẽ ra vào vụ hè để cây tập trung phát triển những quả ra vào mùa đông. Mùa đông có mít bán thì... nhiều tiền lắm!
Vì vậy, mọi nhà phải chú ý tới việc trồng cây ăn quả trái mùa!
Related news

Lượng phân bón NK giúp cung cấp cho bà con trọn bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ chất lượng cao, đáp ứng đồng bộ nhu cầu dinh dưỡng theo từng thời kỳ phát triển của các loại cây trồng.

Khoảng 5.000 tấn quả vải tươi sẽ được TCty Thương mại Hà Nội (Hapro) cam kết bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường trong vụ vải 2015.

Sở NN-PTNT Cà Mau cho biết, trong nửa đầu tháng 5/2015, toàn tỉnh có khoảng 30 tấn thanh long không tìm được đầu ra.

Ở vùng Đông Nam bộ, điều là cây công nghiệp dễ trồng, dễ chăm sóc, thích hợp với nhiều loại đất khác nhau. Tỉnh Bình Phước có quỹ đất bazan chiếm gần 60% diện tích toàn tỉnh, rất thuận tiện cho sự phát triển tối ưu của cây điều, cho năng suất cao. Dẫu giá cả có trồi sụt trong những năm qua, song cây điều vẫn giúp bà con nông dân ở địa phương này có đời sống ổn định.

Cần cù, chịu khó cộng với sự đầu tư “bài bản”, nghề trồng lúa cũng có thể làm giàu. Đó là 3 anh em: Đặng Duy Phán, Đặng Duy Phú, Đặng Duy Trung ở thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong (TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).