Cau Bí Đầu Ra
Những ngày này, hàng ngàn hécta cau trong tỉnh Quảng Ngãi đang bước vào cuối vụ thu hoạch. Nếu như các năm trước, cuối vụ giá cau luôn ở mức cao và luôn trong tình trạng khan hàng, thì năm nay giá cau xuống thấp kỷ lục, nhưng vẫn không tiêu thụ được. Người trồng và thu mua cau đau đầu với loại cây trồng đặc thù này.
Bán 1 tạ cau mua được… 2kg gạo
Sau Tết Nguyên đán, người trồng cau trong tỉnh bắt đầu vào cuối vụ thu hoạch. Tuy cuối vụ sản lượng không cao, nhưng đây luôn là thời điểm bà con trông chờ nhất, vì cau luôn trong tình trạng khan hàng, khiến giá thu mua bao giờ cũng cao hơn đầu vụ. Thế nhưng năm nay, giá cau không những rớt thê thảm mà thương lái còn chẳng ngó ngàng tới.
Những buồng cau ở vườn cau gần 300 gốc của gia đình ông Võ Văn Danh, ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) đã nhuộm một màu đỏ ối vì “quá lứa" mà không được thu hoạch. Ông Danh thở dài: “Mấy năm trước với vườn cau này, khi giá chỉ hơn 5 nghìn đồng/kg thì gia đình tôi đã thu từ 5 - 6 triệu đồng mỗi mùa. Nhưng năm nay giá rớt còn 200 đồng/kg mà chẳng thấy ai hỏi han gì. Bán một tạ cau chỉ mua được 2kg gạo. Giờ muốn đốn đi để lấy đất trồng cỏ sữa nuôi bò”.
Là một người chuyên đi mua cau ở các xã trong huyện Tư Nghĩa, anh Nguyễn Đức Tấn, ngụ ở xã Nghĩa Thương cho biết: “Vào thời điểm này năm trước, tôi phải đi lùng sục mới mua được cau. Còn năm nay vì cau quá rẻ, nên chủ vườn liên tục điện thoại bảo tới để cho chứ không lấy tiền. Họ chỉ nhờ mình hái buồng đi để “dọn cây” cho sạch, hy vọng vào lứa cau năm sau”. Tuy là “lấy của cho đi bán”, nhưng theo anh Đức, một ngày hái được 2 tạ cau, đem đến vựa thu mua anh cũng chỉ được họ trả 80 nghìn đồng. Tính ra không đủ chi phí.
Bị động về đầu ra
Vựa cau được xem là lớn nhất huyện Tư Nghĩa của gia đình bà Võ Thị Trúc ở khối 1 thị trấn La Hà, tuy đang là giờ cao điểm thu mua, nhưng chỉ có vài người. Theo bà Trúc, các năm trước, vào thời điểm này các lò sấy hoạt động hết công suất, mỗi ngày sấy được hơn 1 tấn cau khô và cứ sau 10 ngày là xuất đi một chuyến.
Nhưng gần 4 tháng nay, các lò sấy đành phải “đắp chiếu” để đó. Bà Trúc cho biết: “Hơn 40 tấn cau khô trị giá hơn 1 tỷ đồng, đã chất đống từ mấy tháng nay mà không xuất đi được. Gần 2 tỷ tiền cau xuất đi cách nay 5 tháng thì bị họ nợ đến giờ vẫn chưa thể đòi. Bao nhiêu vốn liếng và tiền vay mượn đều đổ vào cau, giờ thế này chắc phải bán nhà để trả nợ!”.
Cách nhà bà Trúc chưa đầy 100m, vựa cau của anh Nguyễn Văn Tân cũng cùng chung cảnh ngộ. Hơn 15 tấn cau khô đã nằm “bất động” trong kho hơn 4 tháng nay. Số cau xuất đi tuy đã được lựa chọn kỹ những trái đạt chuẩn, nhưng vẫn bị họ trừ khấu hao hụt lên đến 40%, với chính lý do… không đạt chuẩn.
“Giá cau phụ thuộc vào phía Trung Quốc, họ nhập thì cau sẽ có giá, nhưng nếu họ ngưng thì ngay lập tức giá rớt thê thảm. Mình đâu biết khi nào họ ngừng nhập đâu, các vựa ở đây đều bán qua người trung gian được gọi là tài xích”, anh Tân cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Tổng Cục thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ tổ chức hội thảo "Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản".
Tính đến tháng 9 năm 2015, toàn tỉnh Phú Thọ đã phát triển được 921 lồng cá (quy mô 90m3/lồng) tập trung tại sông Đà, sông Lô, sông Bứa và một số hồ chứa lớn trên địa bàn tỉnh, tăng 500 lồng so với năm 2014.
Tận dụng quy luật lên xuống của con nước, những người dân ven các sông, rạch ở Gò Công (Tiền Giang) đã phát triển nghề đăng lưới từ nhiều năm nay.
Gà Đông Tảo (hay còn gọi là gà Đông Cảo) - một giống gà quý hiếm của Việt Nam có nguồn gốc từ tỉnh phía Bắc Hưng Yên xa xôi nay đã “bén duyên” với vùng đất Đơn Dương, Lâm Đồng.
Từ cuối tháng 10 trở lại đây, mía tím Khánh Sơn (Khánh Hòa) rớt giá, việc tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này khiến nhiều gia đình lo lắng vì phải đối mặt với vụ mía thua lỗ và ảnh hưởng đến lịch xuống giống vụ tiếp theo.